Tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai đang diễn ra, UBND tỉnh đã đề xuất cấm bán rượu bia, đồ uống có cồn sau 23h. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đây được xem là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn tội phạm.
Nhộn nhịp “phố ăn nhậu”
Tại Biên Hòa, nơi được dân địa phương gọi “phố ăn nhậu” đó là cung đường Võ Thị Sáu, đoạn nằm ở phường Thống Nhất và phường Quyết Thắng.
Chiều 8.12, chúng tôi đến khu vực này và chứng kiến lề đường phía trước các quán nhậu đã có xe cộ đậu chật cứng. Nhiều nơi, xe của khách quán nhậu đậu tràn xuống đường, lấn chiếm vỉa hè. Ông Nguyễn Văn Nam (phường Thống Nhất) cho biết nhiều năm qua hai bên đường Võ Thị Sáu mọc lên nhiều quán nhậu nhưng do thiếu bãi đậu xe nên ô tô đậu trên vỉa hè và lòng đường, gây cản trở giao thông.
Một cán bộ hưu trí sống lâu năm tại phường Quyết Thắng bức xúc: “Quán nhậu mọc đầy. Xe để tràn ra đường, che mất tầm nhìn của tài xế khiến xảy ra một số vụ tai nạn. Ngoài ra, tại khu vực này thỉnh thoảng lại xảy ra các vụ ẩu đả, đâm chém nhau giữa những người ăn nhậu lúc 0h, 1h sáng khiến người dân bất an”.
Ở Biên Hòa còn có một số khu ăn nhậu như khu Văn Miếu Trấn Biên (phường Tân Phong), khu vực vòng xoay Tân Phong…, trong đó có nơi phục vụ khách nhậu từ 17h đến 3-4h sáng hôm sau, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Phố nhậu trên đường Võ Thị Sáu, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Tiến Dũng
Cấm rượu bia để ngăn tội phạm
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, từ năm 2008 đến 2012 ở tỉnh có 1.440 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia, chiếm 13,8% tổng số vụ phạm pháp hình sự. Ngoài ra, có 390 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu bia, chiếm 10,6% tổng số vụ TNGT. Còn từ năm 2009 đến 2015, ở tỉnh có hơn 411 vụ án giết người (trong tổng số hơn 450 vụ) do nguyên nhân xã hội đã xảy ra thì giết người nảy sinh do uống rượu bia chiếm 27%. “Trong các vụ án giết người, tội phạm giết người do uống rượu bia, sử dụng chất kích thích chiếm phần lớn” - một lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai nhận định.
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, công tác kinh doanh rượu bia, giải khát còn lỏng lẻo, dễ biến tướng thành quán bar hoạt động vi phạm về thời gian gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì vậy cần tăng cường quản lý các quán bar, vũ trường, massage, Internet, kinh doanh rượu bia… Đặc biệt, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải chủ động lãnh đạo công tác phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra vụ việc giết người như bán rượu bia về khuya.
“Trước mắt, UBND tỉnh đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận thí điểm cấm bán rượu bia, đồ uống có cồn sau 23h ở Biên Hòa, sau đó nhân rộng ra các nơi khác” - ông Vĩnh thông tin.
Sắp xếp lại các điểm bán rượu
Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết cơ quan này đang quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ rượu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu từng bước xây dựng, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh bán lẻ rượu hợp lý. Việc này cũng nhằm hạn chế kinh doanh tự phát, không giấy phép và kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giá cả và hạn chế rượu lậu...
Sở Công Thương cũng đề nghị người tiêu dùng rượu cần nâng cao ý thức kiểm soát sử dụng rượu để tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, giảm thiểu và phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu…
________
12,1 triệu lít là lượng rượu tiêu thụ trong năm 2015 ở Đồng Nai. Con số này trong các năm 2011, 2012 lần lượt là 7,4 và gần 8,3 triệu lít. Sở Công Thương dự báo lượng rượu tiêu thụ năm 2020 sẽ là 21,5 triệu lít và năm 2030 là 53 triệu lít. |
Tiến Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.