Đồng Nai: Mưa là ngập, dự án tiền tỷ triển khai ì ạch (bài cuối)

Nha Mẫn Thứ bảy, ngày 07/05/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nhằm xử lý các điểm ngập, tỉnh Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều dự án chống ngập trên địa bàn TP.Biên Hoà và các huyện. Công năng của một số dự án chưa phát huy và tình trạng ngập vẫn liên tục tái diễn.
Bình luận 0

Khoảng 5 năm trở lại đây cứ vào mùa mưa thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thường xuyên xảy ra ngập nặng tại nhiều đoạn đường, khu dân cư, chung cư... Nguyên nhân được ngành chức năng đánh giá là một số hệ thống thoát nước tại nhiều địa phương đang hoạt động kém hiệu quả, không còn phù hợp với tốc độ phát triển của các đô thị. 

Đồng Nai: Nhiều dự án chống ngập công ì ạch hoặc chưa phát huy được công năng (bài 3) - Ảnh 1.

Đồng Nai triển khai nhiều dự án xử lý điểm ngập. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ngập nặng thường xảy ra tại khu vực phường Phước Tân, phường Long Bình Tân, phường Trảng Dài, đường Đồng Khởi, vòng xoay cổng 11 (TP.Biên Hoà); QL51, QL1A nhiều đoạn qua Đồng Nai; nhiều vùng thuộc huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom... 

Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan (TP.Biên Hoà) nhằm giải quyết tình trạng ngập úng. 

Ngoài ra còn triển khai các công trình chống ngập trên quốc lộ 51, đường Trần Quốc Toản, QL1A, đường Nguyễn Phúc Chu... Lên kế hoạch nạo vét, nâng cấp các suối lớn như Săn Máu, Suối Linh, Bà Lúa... 

Tính đến thời điểm này có một số điểm nóng về ngập úng đã được giải quyết như khu vực vòng xoay Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua chợ Tân Phong, khu vực cầu Săn Máu... Các khu vực khác, do chưa thể thực hiện dự án xử lý, chống ngập hoặc đã có dự án chống ngập nhưng do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên thi công ì ạch, trì trệ dẫn đến các điểm ngập ngày càng nặng. 

Đồng Nai: Nhiều dự án chống ngập công ì ạch hoặc chưa phát huy được công năng (bài 3) - Ảnh 2.

Nhiều công trình xử lý điểm ngập thi công ì ạch. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đại diện UBND  phường Long Bình Tân, TP.Biên Hoà cho biết, tại địa phương có khu vực cầu Đen và khu vực Cổng 11 giáp ranh với phường Long Bình là 2 khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi trời mưa. Để giải quyết tình trạng ngập nước ở các đoạn đường này, Đồng Nai đã triển khai dự án chống ngập nước khu vực suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan.

Dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. UBND TP.Biên Hòa được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do vướng khâu này nên dự án đã bị trễ hẹn nhiều lần. 

Ông Đoàn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân nói rằng mỗi khi trời mưa lớn là ông rất lo lắng và yêu cầu cán bộ phường rào chắn cầu Bà Lúa không cho người dân, học sinh đi qua vì sợ xảy ra sự cố. Trước đó nhiều người bị nước cuốn trôi khi cố đi qua cầu, có người may mắn thoát nạn, có người bị nước cuốn trôi mất tích.

Đồng Nai: Nhiều dự án chống ngập công ì ạch hoặc chưa phát huy được công năng (bài 3) - Ảnh 3.

Ngập nặng trên QL51. Ảnh: Tuệ Mẫn

Liên quan đến việc xử lý khu vực ngập này, năm 2016, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan. Tháng 7/2018, thông qua quyết định điều chỉnh chủ trương, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Tổng kinh phí cho dự án khoảng 157 tỷ đồng, trong đó chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hơn 93,6 tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2018 và hoàn thành vào năm 2020. Nhưng quá trình giải phóng mặt bằng của dự án kéo dài, kế hoạch khởi công ban đầu đã không thể thực hiện và các đơn vị dời thời gian khởi công sang tháng 5/2020.

Đồng Nai: Nhiều dự án chống ngập công ì ạch hoặc chưa phát huy được công năng (bài 3) - Ảnh 4.

Nhiều dự án thoát nước tại Đồng Nai được triển khai. Ảnh tư liệu

Cuối cùng vì vướng khâu giải phóng mặt bằng nên dự án tiếp tục ì ạch, chậm trễ. Đến tháng 7/2021 tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án Chống ngập úng khu vực các suối Chùa, Bà Lúa và Cầu Quan. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được tăng lên mức hơn 267 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên mức hơn 210 tỷ đồng.

Dù vậy đến nay dự án gần như "giậm chân tại chỗ" và người dân vẫn tiếp tục chịu cảnh khổ vì ngập.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hoà cho biết dự án này đã khởi công nhưng vẫn bị chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng. "Hiện nay công tác áp giá bồi thường cơ bản đã xong, đang vận động tổ chức các hộ dân nhận tiền và xem xét tái định cư cho người dân", ông Lộc nói.

Clip: Khổ sở vì kẹt xe sau mưa

Còn tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà, ông ông Võ Trường Hải, Chủ tịch UBND phường cho biết khu vực cầu Đồng Khởi có lưu lượng người tham gia giao thông đông, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Vì vậy mỗi khi trời mưa vào các thời điểm này, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn do vừa bị ngập nước, vừa bị kẹt xe. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Với điểm ngập nước tại khu vực này, UBND TP.Biên Hòa đang phối hợp với Công ty CP Sonadezi Châu Đức (chủ đầu tư dự án BOT đường tỉnh 768) và các đơn vị liên quan tìm giải pháp triển khai hệ thống thoát nước.

Đồng Nai: Nhiều dự án chống ngập công ì ạch hoặc chưa phát huy được công năng (bài 3) - Ảnh 6.

Người dân khổ sở vì ngập. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, địa phương có 2 điểm xử lý ngập là khu vực QL1A gần Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và QL51 đoạn qua cầu Long Bình Tân. 2 điểm này chưa phát huy được hiệu quả do... rác quá nhiều và một phần dự án triển khai chưa xong. 

"Nhiều người dân thiếu ý thức vứt bừa bãi rác ở lề đường. Khi mưa xuống các túi rác nổi lềnh bềnh, bung ra khắp nơi rồi che lấp các miệng cống. Để xử lý tình trạng này chúng tôi yêu cầu các phường thường xuyên kiểm tra, xử phạt. Đồng thời cho lực lượng thu gom rác, khơi thông các miệng cống để mưa xuống nước thoát được dễ dàng hơn", ông Lộc nói.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND TP.Biên Hòa và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các dự án để khắc phục tình trạng ngập nước tại các khu vực trên. 

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, mỗi khi có mưa lớn, người dân lại tiếp tục khổ sở vì ngập nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem