Đồng Nai: Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng vì chi phí tăng cao

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 23/09/2022 10:13 AM (GMT+7)
Do chi phí đầu tư tăng cao nên nhiều nông dân tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai bỏ ruộng, ngưng gieo trồng lúa vụ hè thu, chỉ gieo trồng vụ đông xuân.
Bình luận 0

Nông dân trồng lúa bỏ ruộng

Thời gian gần đây, theo phản ánh của nhiều nông dân trồng lúa ở Đồng Nai, hiện chi phí sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao bởi giá vật tư, giống, thuốc bảo vệ thực vật,… đều tăng. Hiệu quả kinh tế mang lại thấp, lợi nhuận không nhiều vì thế nhiều nông dân e ngại, không mặn mà với việc xuống giống gieo trồng vụ lúa hè thu.

Đồng Nai: Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng vì chi phí đầu tư tăng cao - Ảnh 1.

Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trong số đó, nhiều nông dân bỏ hoang đất ruộng từ 1 - 3ha không gieo trồng và chuyển hướng sang làm thuê làm mướn tạm thời để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Phùng Văn Tiến ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, gia đình ông có hơn 2 sào đất trước đây chuyên trồng lúa và bắp. Nhưng hiện nay ông bỏ đất không canh tác vì giá thành sản xuất quá cao, đầu tư mạnh nhưng thu về ít.

Đồng Nai: Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng vì chi phí đầu tư tăng cao - Ảnh 2.

Nhiều ruộng lúa bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Tuệ Mẫn

“Làm lúa cực lắm nhưng giá thuê máy cày, mắt gặt cao, tiền giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng phi mã. Có loại tăng gần gấp đôi nên tôi và nhiều bà con khác chán nản không muốn gieo trồng. Hơn nữa mùa này mưa nhiều, đôi khi thường có gió lốc nên lúa dễ bị ngã đổ, năng suất không cao, giá bán cũng hay bị ép ở mức thấp. Suy đi tính lại sợ thu không đủ bù chi nên cả nhà quyết định treo ruộng, đi làm thuê làm mướn để kiếm thu nhập”, ông Tiến nói.

Ông Tiến trải lòng, trước đây mỗi năm gia đình ông sẽ canh tác 3 vụ nhưng năm nay chỉ làm một vụ lúa đông xuân vì vụ đông xuân ít sâu bệnh, thời tiết phù hợp, cây lúa phát triển tốt, năng suất cao.

Đồng Nai: Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng vì chi phí đầu tư tăng cao - Ảnh 3.

Ruộng lúa bị bỏ hoang thời gian dài. Ảnh: Tuệ Mẫn.

Tương tự gia đình bà Hoàng Thị Mai, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ cũng đành bỏ đất trống, không trồng lúa để chờ thời. 

“Tôi nghĩ giờ chỉ có cách Nhà nước có phương án làm sao để giảm giá giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, nhân công,… thì chúng tôi mới thuận lợi trong gieo trồng lúa. Cứ đà này kéo dài có khi sau này bà con ở đây đành bỏ ruộng hết”, bà Mai chia sẻ.

Bà Mai cho hay, hiện xã Sông Ray của bà có khoảng 20ha đất lúa bị bà con nông dân bỏ không. Một số diện tích khác bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang dâu tằm, bắp... 

“Mùa này năng suất lúa rất thấp, lại hay có sâu bệnh, đạo ôn, vàng lá, dễ bị ngập úng lúa do mưa nhiều nên bà con bỏ ruộng chờ sang đông xuân đầu tư, chăm sóc để vớt vát lại”, bà Mai nói thêm.

Đồng Nai: Nhiều nông dân trồng lúa bỏ ruộng vì chi phí đầu tư tăng cao - Ảnh 4.

Các đại lý vật tư nông nghiệp cũng gặp khó khăn vì nông dân bỏ ruộng, hạn chế đầu tư. Ảnh: Tuệ Mẫn

Giá vật tư không ngừng tăng

Còn ông Nguyễn Duy Sáu, đại lý phân bón tại huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện nay giá các loại vật tư, phân bón vẫn ở mức cao và tiếp tục cho xu hướng tăng trong thời gian tới. Các mặt hàng như phân bón u-rê, NPK tổng hợp, đạm… đều tăng gấp đôi. Các loại giống cây trồng tăng 20%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 20 - 50%....  

Giá tăng quá cao nên nông dân cũng hạn chế sử dụng, số khác bỏ ruộng không đầu tư nên lượng sản phẩm bán ra thị trường trong thời gian gần đây cũng bị giảm. 

“Ở đây là miền quê đa số bà con quen biết nhau hết nên thường khi xuống giống đại lý sẽ bán nợ cho bà con nông dân. Khi họ thu hoạch, bán lúa có tiến sẽ mang đến thanh toán cho đại lý. Hiện chúng tôi cũng đang lo ngại vì giá vật tư nông nghiệp tăng khiến nông dân bỏ ruộng khiến đại lý trở thành chủ nợ nhưng đòi mãi không được tiền”, ông Sáu lo lắng nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ xác nhận hiện trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất trồng lúa nằm ở khu vực trũng bị bỏ hoang. 

Địa phương đã hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng để tránh tình trạng bỏ ruộng trống như hiện nay. 

Còn đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, từ đầu năm đến nay giá các loại vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật,… đang ở mức cao khiến cho việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

Sở đã liên tục tập huấn, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư. "Nhưng đây là câu chuyện còn dài lâu chứ không thể ngày  một ngày hai là có thể làm được", đại diện Sở NNPTNT Đồng Nai nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem