Tỷ phú trồng lúa trên cánh đồng thẳng cánh cò bay ở Long An được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"

Trần Đáng Thứ tư, ngày 14/09/2022 05:35 AM (GMT+7)
Hơn 20 trước, với 2 bàn tay trắng, chị Trương Thị Hương (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) vào Đồng Tháp Mười tìm “miền đất hứa”. Giờ chị Hương đã là tỷ phú nông dân có đến 70ha đất trồng lúa, thu lời 1,5 tỷ đồng/năm và được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Bình luận 0

Ông Lê Đình Bắc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hà hăng hái dẫn chúng tôi đến nhà chị Hương. Trên đường đi, ông Bắc cứ khen nức nở: "Chị Hương là "người phụ nữ số 1" trồng lúa ở đây. Chị dám nghĩ, dám làm".

Nữ nông dân vùng biên cơ giới hóa trồng lúa bạt ngàn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 1.

Chị Trương Thị Hương (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) và cánh đồng trồng lúa vùng biên. Chị Trương Thị Hương là một trong 100 nông dân tiêu biểu được bình chọn "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Ảnh: Trần Đáng

Tìm "người phụ nữ số 1" trồng lúa ở vùng biên

Ở Đồng Tháp Mười, tôi quen không ít đại điền chủ có diện tích trồng lúa 70-100ha. Nhưng đó là những người đàn ông lực điền. Việc một nữ nông dân trồng 70ha đất lúa như chị Hương lần đầu tiên tôi biết.

Mùa này, biên giới Tây Nam khu vực xã Hưng Hà nước lũ mới về ngấp nghé bờ ruộng. Một số nông dân tranh thủ ra ruộng giăng tay lưới, đặt cái dớn bắt cá, tôm… cải thiện bữa ăn. Những cánh đồng lúa đã thu hoạch còn trơ gốc rạ. Thi thoảng, vẫn bắt gặp một vài mảnh ruộng làm vụ 3 trong khu đê bao đang trổ mạ xanh rờn.

Vượt qua chiếc cầu gỗ xập xình bắt ngang con kênh, nhà chị Hương nằm lọt thỏm giữa đồng lúa hiện ra trước mắt. Ngôi nhà trông khá đẹp được xây cất kiểu nhà sàn Nam bộ hòng đối phó mỗi khi con nước lũ tràn đồng.

Chị Hương cho biết, nghe theo lời bạn bè, chị từ TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) vào khu vực này sinh sống từ hơn 20 năm trước, đúng vào cơn lũ năm 2000 ngập đến đầu người. Lúc ấy, khu vực này chỉ vài nóc gia. Đường bộ gần như không có. Bà con quanh năm đi lại bằng ghe, xuồng.

Nữ nông dân vùng biên cơ giới hóa trồng lúa bạt ngàn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 2.

Chị Hương đi thăm cánh đồng trồng lúa ngay trong mùa lũ. Ảnh: Trần Đáng

Sức người sỏi đá cũng thành cơm, sau thời gian gom góp tiền làm thuê, làm mướn, vay mượn thêm tiền bạn bè, chị Hương mua được 1ha đất. Từ khi có đất, chị Hương mới thành "người số 1" ở vùng đất này. Chỉ trong vòng 20 năm bám đất, từ chỗ số 0, chị Hương đã biến mình thành điền chủ với 70ha đất.

Ông Bắc cho biết, "bí quyết" của chị Hương là bắt đất "đẻ" ra đất. Theo đó, để có tiền mua thêm đất, thay vì cho thuê đất lấy lời, chị Hương lấy đất thế chấp vay tiền ngân hàng mua đất, rồi nỗ lực trồng lúa lấy lời trả nợ ngân hàng.

Chị Hương kể, năm 2008, chị đã thế chấp 10ha đất cho ngân hàng để lấy tiền mua 20ha đất. Trong vòng 3 năm, lợi nhuận từ "cú làm ăn này" cho chị hơn 6 tỷ đồng.

Khi đất còn ít, chị Hương xắn tay áo xuống đồng trồng lúa. Nhưng từ khi số diện tích đất tăng lên hàng chục ha, chị Hương đã thay đổi cách thức trồng lúa từ truyền thống sang cơ giới hóa hoàn toàn các khâu sản xuất. Bản thân chị Hương từ trực tiếp trồng lúa chuyển sang làm quản lý sản xuất.

"Tôi không thể nào ra đồng như trước mà chuyển sang làm quản lý, ra kế hoạch cho sản xuất mỗi vụ mùa vì diện tích trồng lúa quá lớn", chị Hương thổ lộ.

Nữ nông dân vùng biên cơ giới hóa trồng lúa bạt ngàn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 4.

Sở hữu diện tích trồng lúa lên tới 70ha buộc chị Hương phải chuyển sang công việc quản lý chứ không trực tiếp sản xuất. Ảnh: Trần Đáng.

Theo đó, 50ha đất trồng lúa sẽ được lên kế hoạch trồng trước khi vụ lúa diễn ra. Từng thời điểm trong vụ mùa sẽ được các công ty, dịch vụ nông nghiệp thực hiện đúng quy trình, như: Cày xới đất, cung cấp giống, phân, thuốc; máy bay không người lái phun, xịt phân thuốc ra sao; máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa lúc nào…

Trước đây, nhiều nông dân trồng lúa quả quyết với tôi rằng trồng lúa mà đi thuê hết tật tần tật sẽ không có lời, thậm chí thua lỗ, nhưng chị Hương lại cho rằng, chị thuê cơ giới hóa hết vẫn có lời 1,2-1,5 tỷ đồng/năm.

Theo chị Hương, trong vụ lúa phân, thuốc buộc phải sử dụng đúng, đủ. Nếu khéo chỉ giảm được chi phí tỉa dặm và nhổ cỏ. Ngoài ra, trồng lúa phải làm sao cho lúa nặng ký. Phải cho cây lúa ra nhiều hạt nhất, hạt phải căng, chắc. Nếu người khác trồng có 50kg/bao lúa, thì chị phải được 55kg/bao.

"Trồng lúa có 2 cữ rất quan trọng là trước trổ và sau trổ. Nếu 2 cữ này phun, xịt thuốc, phân đúng chuẩn là "lụm lời", chị Hương khẳng định.

Chị Hương bộc bạch, đấy là những kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lúa. Nhìn cây lúa chị biết có bệnh gì, thời điểm nào có khả năng sinh bệnh; 70ha đất lúa chỗ nào lún, trũng, chổ nào gò để phun xịt phân, thuốc cho đúng…

Clip: Chị Hương chia sẻ phương cách quản lý 70ha trồng lúa cho lợi nhuận 1,5 tỷ đồng/năm. Clip: Trần Đáng

Ông Bắc cho biết, năm 2021, chị Hương khởi động trồng thử 15ha khoai lang. Khoai thu hoạch năng suất khá cao. Tuy nhiên, vụ khoai thua lỗ do thị trường Trung Quốc đóng cửa, thuê mướn nhân công quá nhiều, phân thuốc tăng cao…

"Tôi tính đưa loại cây trồng mới về làm, vừa thăm dò sản xuất, giúp giải quyết lao động địa phương, vừa giúp bà con cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao, nhưng bất thành", chị Hương tiếc nối.

Mê trồng lúa, say việc xã hội

Trong phòng làm việc của chị Hương treo đầy những bằng khen, giấy khen của tỉnh, huyện. Ông Bắc cho biết, điều chị Hương được chính quyền, bà con ở xã khen nhất là sẵn lòng chia sẻ với họ những khó khăn.

Theo ông Bắc, khi chính quyền cần gần như tất cả mọi hoạt động xã hội ở địa phương chị Hương đều tham gia, như đóng góp tiền làm nhà văn hóa, xây dựng giao thông nông thôn, làm cầu, góp quỹ khuyến học, nhà tình nghĩa, tình thương…

Nữ nông dân vùng biên cơ giới hóa trồng lúa bạt ngàn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 6.

Từ việc trồng lúa, mỗi năm chị Hương giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ảnh: Trần Đáng

Ngoài ra, mỗi năm chị Hương còn tạo việc làm cho 30-40 lao động ở địa phương, như: Rải phân, nhổ cỏ, bơm nước, sạ giống, tỉa dặm… Mỗi vụ lúa, một lao động có thu khoảng 20 triệu đồng. Chị Hương còn chia sẻ với người nghèo giúp họ vượt qua những khó khăn nhà ở, vốn sản xuất…

"Tôi chỉ nghĩ làm được cho xã hội điều gì cứ làm", chị Hương bộc bạch.

Với thành tích đạt được trong sản xuất và chia sẻ với xã hội, chị Hương được UBND tỉnh Long An tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, huyện Tân Hưng công nhận gương người tốt, việc tốt và giấy khen đạt thành tích trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Nữ nông dân vùng biên cơ giới hóa trồng lúa bạt ngàn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Ảnh 7.

Dù một mình, chị Hương quán quán xuyến tốt 70ha trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Và vừa qua, chị Hương vinh dự được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"..

Chúng tôi rời vùng biên giới khi chiều buông, vẫn thấy bóng dáng chị Hương thấp thoáng trên đồng lúa. Chính cây lúa đã biến người phụ nữ đồng quê thành nông dân Việt Nam xuất sắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem