Đông Nam Bộ lúng túng chống ngập

HỮU KÝ Thứ hai, ngày 21/09/2015 05:46 AM (GMT+7)
Trong khoảng 1 tháng qua, nhiều nơi ở Đông Nam Bộ như TP.Biên Hòa, TP.HCM bị ngập nặng khiến cuộc sống của người dân khốn khó. Mặc dù các cơ quan chức năng đã từng báo cáo nhiều thành tích chống ngập nhưng ngập vẫn cứ ngập và ngày một nặng hơn.
Bình luận 0

Ngập nặng nhất trong 20 năm qua

Từ cuối tháng 8 đến nay, cứ mỗi khi trời mưa hơi lớn một chút là người dân TP.Biên Hòa nháo nhào chạy ngược chạy xuôi. Bà Võ Thị Yến có cửa hàng bán đồ điện máy ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa than thở: “Cả tháng nay tiệm tôi chẳng làm ăn được gì cả. Trời cứ 2, 3 hôm là mưa, nước tràn ngập vào nhà đến cả đầu gối. Cả nhà phải lội bì bõm hết chuyển đồ lên cao đến chuyển đồ xuống lại. Ngoài đường thì nước còn ngập sâu hơn, không có ai đến mua hàng cả”.

img

Mãi đến sáng ngày 16.9 nhiều đường phố TP.HCM vẫn còn ngập sâu trên 0,3m.  Ảnh: H.K

Đỉnh điểm là trận mưa lớn ngày 9.9 trong suốt 2 tiếng đồng hồ đã gần như nhấn chìm TP. Biên Hòa trong biển nước. Đường phố khắp nơi ngập nặng lên đến hơn cả mét khiến ùn tắc cả đêm. Nước nhanh chóng tràn vào nhà dân, khiến người dân trở tay không kịp, gây thiệt hại nặng về tài sản, đồ đạc trong nhà. Theo các cơ quan chức năng, đây là trận ngập nặng nhất lịch sử 20 năm qua của TP.Biên Hòa.

Tại TP.HCM tình trạng cũng không khá hơn khi cơn mưa kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ chiều tối ngày 15.9 cũng khiến nhiều đường phố của thành phố bỗng chốc hóa thành những dòng sông và gây tắc đường nghiêm trọng. Anh Nguyễn Thanh Tú ở quận Bình Thạnh cho biết, hôm đó anh tan sở lúc 17 giờ 30 nhưng mãi đến gần 22 giờ anh mới “bò” về được đến nhà. “Chưa bao giờ thấy ngập nặng như vậy, tôi từ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) về chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức) chỉ hơn 5km nhưng đi từ 5 giờ chiều, đến gần 12 giờ khuya mới tới nhà” - chị Nguyễn Thị Phương (ngụ P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cho biết. Đây cũng là trận ngập nặng nhất của TP.HCM trong vòng 7 năm qua.

Càng chống thì càng ngập

 Trung tâm Chống ngập đang thực hiện quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết trên địa bàn thành phố để chống ngập. Trong giai đoạn 2016 – 2020 Trung tâm sẽ thực hiện thí điểm 3 hồ điều tiết là Bàu Cát, Khánh Hộ, Gò Dưa với tổng vốn khinh phí gần 1.000 tỷ đồng.  

Lý do các cơ quan chức năng của 2 thành phố này đưa ra đều là bởi mưa lớn quá, kết hợp với triều cường gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Chống ngập TP.HCM, giải thích rằng cống thoát nước lớn nhất hiện nay ở TP.HCM chỉ được thiết kế tương ứng với lượng mưa 85,36mm và đỉnh triều 1,32m. Nhưng cơn mưa chiều tối ngày 15.9 mực nước cao đến 1,42m. Ngoài ra còn do biến đổi khí hậu, tình trạng đô thị hóa quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng của hệ thống thoát nước ở nhiều nơi bị xuống cấp, không kịp đáp ứng.

Trong khi TP.HCM trước đó từng “khoe” nhiều thành tích chống ngập với các dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng, như dự án Cải thiện môi trường kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè hay dự án Nâng cấp đô thị thành phố... Ông Trần Nhân Nghĩa- Phó Chi cục trưởng Chi cục  Thủy lợi phòng, chống lụt, bão TP.HCM, khi phóng viên Dân Việt gặp phỏng vấn về các giải pháp chống ngập của thành phố trong tuần trước, đã khẳng định rằng công tác phòng chống triều cường thời gian qua được các quận, huyện thực hiện khá tốt. Các địa phương trước đây thường xuyên ảnh hưởng triều cường như quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và Hóc Môn hiện không còn ngập úng. Ấy thế mà, đây lại là một những địa phương ngập nặng nhất trong chiều tối ngày 15.9.

Ông Long cho biết, sau trận ngập ngày 15.9, Trung tâm Chống ngập TP.HCM đang thực hiện cấp bách 57 hạng mục để hỗ trợ các công trình thoát nước trong lúc chờ các dự án chống ngập lớn hoàn thành. Bên cạnh đó Trung tâm đang khảo sát đưa ra các giải pháp chống ngập tại các điểm ngập, đồng thời ký kết với Công ty Thoát nước đô thị tăng cường công nhân khơi thông dòng chảy, trực mưa,…

Về lâu dài, giai đoạn 2016 -2020 thành phố sẽ cải tạo 200km cống khu vực nội đô, nạo vét một số kênh, rạch như: Xuyên Tâm, Bàu Trâu, Tham Lương – Bến Cát… để đảm bảo tiêu thoát nước. Bên cạnh đó thành phố sẽ làm 7km đê bao ngăn triều, xây 8 cống ngăn triều lớn, 68 cống nhỏ. “Tại các cống ngăn triều đều có các trạm bơm, ngoài việc đảm bảo ngăn triều còn đảm bảo bơm nước ra ngoài để chống ngập trong trường hợp có mưa lớn kết hợp triều cường như hôm 15.9. Dự kiến đến năm 2020 thành phố cơ bản hết ngập”- ông Long cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem