Đồng rút nước đi xúc tép làm ra thứ nhút tốn thịt ba chỉ thế này

Chủ nhật, ngày 03/11/2019 19:30 PM (GMT+7)
Lệ Thủy được gọi là vựa lúa của Quảng Bình với những cánh đồng mênh mông đến tận chân trời. Đây chính là điều kiện sống lý tưởng của loài hải sản nước ngọt đặc biệt mà không phải vùng, miền nào cũng có đó là tép. Bao đời nay, người dân Lệ Thủy đã chế biến con tép thành nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng trong đó phải kể đến món Nhút tép đồng.
Bình luận 0

Ngày xưa nhút là món ăn dân dã làm thức ăn chính trong mùa rét của nhà nông. Có nhà làm cả vại to cất ăn dần vài tháng sau Tết. Ngày nay, nhút tép Lệ Thủy đã trở thành đặc sản nổi tiếng có thương hiệu, được du khách tìm mua làm quà mỗi khi du lịch Quảng Bình.

Nhút – tiếng địa phương gọi là dút – được làm từ tép. Mỗi năm đến khoảng tháng 11 âm lịch , khi ngoài đồng rút nước chuẩn bị vụ đông xuân cũng là lúc vào vụ tép. Trước đây, do phương tiện đi lại khó khăn, số tép bắt được ăn không xuể, bán không hết nên người dân Lệ Thuỷ mới nghĩ ra nhiều cách chế biến và bảo quản chúng. Trong vô số các cách chế biến đó có một cách chế biến mà nhiều người ưa thích, đó chính là món nhút tép.

Tép sau khi người dân đem về, được rửa sạch và phân loại: Tép to, người ta thường phơi khô và cho vào bao bì cất ở gác bếp làm thức ăn hàng ngày, còn tép nhỏ thì chế biến thành nhút.

img

Con tép đồng làm nhút phải thật đều, tươi rói.

Cách chế biến món nhút tép đồng này khá công phu. Đó là phải lựa loại tép đồng thật đều, tươi rói, đang còn nhảy tanh tách. Đem rửa thật sạch, để ráo, trộn đều tép với muối hạt rồi cho vào vại sành để ướp. Nhút tép đồng muốn ngon phải lựa cái vại sành loại tốt. Vại sành được làm từ đất sét nung lửa. Một cái vại tốt thì thành vại phải đều, mặt láng mịn, độ dày mỏng không chênh nhau, không bị nung cháy quá. Khi gõ ngón tay lên thành vại, phải có tiếng kêu vang và trong. Loại muối dùng muối tép đồng phải là loại muối hạt trắng tinh, sạch sẽ, không có tạp chất. Lượng muối dùng để ủ tép phải vừa đủ. Thiếu, nhút sẽ không chín. Thừa, nhút sẽ quá mặn, nặng mùi.

Sau khi đã ủ tép vào vại xong, dùng nẹp tre và đá lèn phía trên mặt cho thật chặt, sau đó đem ra phơi nắng một thời gian cho tép chín. Khi tép đã chín tới, người ta thường bỏ vào rá tre rồi dùng tay chà cho thật mịn.

Tiếp đó người ta đem trộn tép với thính gạo hoặc bắp rang vàng giã mịn. Trộn hỗn hợp đó thật đều, thêm vào một số loại gia vị khác như ớt bột, riềng củ, gừng củ cắt chỉ… Cho hỗn hợp đó vào chai, lọ thủy tinh hoặc thố sành loại nhỏ rồi tiếp tục đem ra phơi nắng. Cho đến khi tép chín ngấu, màu của nhút chuyển thành màu đỏ au, thơm nức, khi nếm có vị thanh, vị ngọt chua, cay… rất đậm đà là dùng được thời gian khoảng 1 tháng. Cách làm trên gọi là dút éo. Ngoài ra còn có Dút chua thời gian chế biến từ 3 – 5 ngày ăn có vị chua chua cũng rất ngon miệng.

img

Nhút có màu đỏ au, thơm nức, khi nếm có vị thanh, vị ngọt chua, cay… đậm đà

Cách làm nhút cũng tương tự cách làm mắm tép (ngoài bắc còn gọi là mắm tôm), mắm ruốc. Tuy nhiên, mắm nhút tép đồng khác mắm tôm, mắm ruốc ở chỗ nó thanh hơn, có vị chua hơn và mùi thơm hơn do được trộn với thính chứ không mặn chát và nặng mùi như các loại mắm tôm, mắm ruốc bình thường.

img

Nhút tép chấm cùng thịt ba chỉ luộc xắt mỏng là ngon nhất.

Nhút tép đồng ăn kèm với món gì cũng ngon. Thường người ta ăn nhút tép đồng với cơm nóng, hoặc dùng để chấm với quả sung, quả vả, quả bầu luộc hoặc các loại rau ráng khác như đọt lá sung, lá xoài, lá két non, đặc biệt chấm cùng thịt ba chỉ luộc xắt mỏng là ngon nhất. Cái béo của vi thịt,vị dậm đà của nhút,vị cay của ớt quện với mùi thơm của rau tạo ra một vị ngon khó tả,ai ăn củng một lần nhớ đời. Ngày Tết trên mâm cổ người Lệ Thủy giửa các món ngon bao giờ củng có chén nhút.

PV (Phong Nha Explorer)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem