Động thái bất ngờ của Triều Tiên, Hàn Quốc ở khu phi quân sự 

Phương Đăng Thứ tư, ngày 22/08/2018 11:35 AM (GMT+7)
Triều Tiên và Hàn Quốc vừa nhất trí đóng cửa một số trạm gác dọc theo biên giới liên Triều, đánh dấu bước đột phá tiếp theo trong tiến trình cải thiện quan hệ.
Bình luận 0

Bước đột phá mới ở biên giới liên Triều

img

Triều Tiên, Hàn Quốc vừa đạt được bước đột phá mới ở biên giới liên Triều.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo cho biết, Seoul sẽ rút khoảng 10 trạm gác ở biên giới với Triều Tiên. Động thái này như một phần của các biện pháp xây dựng lòng tin giữa 2 bên sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in. 

"Hai miền nhất trí rút các trạm gác ở gần phía bên kia nhất.Bước đầu, chúng tôi sẽ rút 1 hoặc 2 trạm, kế hoạch này sẽ được mở rộng từ từ", ông Song phát biểu và cho biết phía Bình Nhưỡng cũng sẽ thực hiện các biện pháp tương tự. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, những trạm gác bị dỡ bỏ nằm trong khoảng cách 1 km từ trạm gác của phía bên kia. Khoảng 10 trạm gác của Hàn Quốc nằm trong diện được rút bỏ. Hiện Hàn Quốc và Triều Tiên có 2 trạm gác ở gần nhau nhất với khoảng cách 700 m. Tuy nhiên, thời gian cụ thể bắt đầu kế hoạch dỡ bỏ các trạm gác ở biên giới liên Triều không được tiết lộ.

Đường biên giới liên Triều nằm trong Khu vực Phi quân sự (DMZ) đã chia tách hai miền trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1953. Vùng đệm ngăn cách Triều-Hàn rộng khoảng 4km và được xem là khu vực được canh phòng cẩn mật nhất Trái đất với các bãi mìn dày đặc, các hàng rào dây thép gai cùng hàng nghìn vị trí đóng quân của cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc.  

Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc với một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình, do đó, về mặt kỹ thuật hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh. 

Chương trình hạt nhân của Triều Tiên

Trong bối cảnh Triều-Hàn đạt đột phá mới trong tiến trình cải thiện quan hệ, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc lại bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về việc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của nước này. 

Một báo cáo được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố đầu tuần này lưu ý rằng, mặc dù cơ quan vẫn đang theo dõi chương trình hạt nhân của Triều Tiên thông qua một loạt hình ảnh vệ tinh thường xuyên nhưng họ chưa được tiếp cận trực tiếp vào các cơ sở vũ khí của Triều Tiên. Do đó, thông tin họ thu thập được về những cơ sở này vẫn rất hạn chế.

IAEA cũng đính kèm báo cáo một danh sách chi tiết về các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân mà cơ quan này tin rằng, Triều Tiên đã tiến hành trong những tháng gần đây chủ yếu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, một trong những cơ sở hạt nhân lớn của Triều Tiên. 

Chẳng hạn, theo IAEA, có những dấu hiệu cho thấy Yongbyon vẫn tiếp tục phát triển một lò phản ứng nước nhẹ cũng như tiếp tục xây dựng và cải tạo các tòa nhà tại nhà máy chế tạo nhiên liệu hạt nhân tại đây.

Cơ quan này cũng phát hiện các hoạt động xây dựng tại sông Kuryong, có thể liên quan đến việc nâng cấp hệ thống làm mát cho các lò phản ứng.  Ngoài ra, còn có thêm thêm dấu hiệu cho thấy Triều Tiên tiếp tục vận hành lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt tại Yongbyon khi Triều Tiên tiếp tục khai thác và xử lý uranium.

"Việc tiếp diễn và phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân của Triều Tiên và những tuyên bố liên quan của Bình Nhưỡng là nguyên nhân gây ra những mối quan ngại nghiêm trọng", báo cáo nêu rõ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trước đó cho biết ông đã lên kế hoạch thảo luận các biện pháp khuyến khích phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc họp của các lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp Quốc vào tháng tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem