Giá lúa tăng từng ngày, động thái của doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra sao?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 25/07/2023 13:23 PM (GMT+7)
Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa hè thu ở ĐBSCL tăng từng ngày và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do một số nguyên nhân, trong đó có giá lúa tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngại đàm phán ký hợp đồng mới, chỉ tập trung lo trả các đơn hàng cũ.
Bình luận 0

Nguyên nhân giá lúa tăng cao

"Hiện nay, giá lúa tăng từng ngày. Cụ thể, giá lúa tăng từ 100-200 đồng/kg/ngày" - ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (viết tắt là Công ty Phước Thành IV; trụ ở ở Vĩnh Long) nói.

Động thái của doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra sao khi giá lúa tăng từng ngày? - Ảnh 1.

Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá lúa hè thu ở ĐBSCL tăng từng ngày và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Thành, nguyên nhân giá lúa tăng là do vụ lúa hè thu nguồn cung ít (lúa hè thu năng suất thấp, chất lượng gạo không tốt bằng vụ đông xuân, chi phí sản xuất tăng nên nông dân giảm vụ) trong khi nhu cầu thị trường tăng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

"Gần đây, nguồn cung gạo khan hiếm cộng với thông tin gạo Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, thành ra nhiều khách hàng đặt vấn đề đàm phán mua gạo nhiều hơn từ Việt Nam" - ông Thành cho hay.

Ông Thành cho rằng, thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được thị trường quốc tế cập nhật nhanh, sau đó, thương gia sang Việt Nam đàm phán mua đón đầu. Nếu Ấn Độ tiếp tục giữ chính sách này thì chắc chắn giá lúa tăng tiếp tục nữa.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (viết tắt là Công ty Trung An; trụ sở ở TP.Cần Thơ) cho biết, việc khách hàng nước ngoài tập trung sang nguồn cung gạo từ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

"Diện tích trồng cây lương thực sụt giảm rất nhiều nên doanh nghiệp lúa gạo các nước muốn thủ sẵn, tăng mua để đề phòng rủi ro. Đây chính lý do khiến giá lúa gạo của Việt Nam tăng cao" - ông Bình nói thêm.

Theo ghi nhận từ các thương lái và nông dân ở ĐBSCL, hiện giá lúa hè thu được bán tại ruộng từ 7.000 - 7.500 đồng/kg (tùy giống lúa) trong khi đó cách nay khoảng một tuần, chỉ ở mức khoảng 6.800 đồng/kg. Còn hồi đầu tháng 7, giá lúa hè thu chỉ ở mức 6.200- 6.400 đồng/kg.

Động thái của doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra sao khi giá lúa tăng?

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, lượng đơn hàng đã ký trước đó còn nhiều, trong khi giá lúa tăng cao từng ngày và doanh nghiệp chưa sẵn sàng lượng hàng tồn kho nên ngại đàm phán ký hợp đồng mới.

Động thái của doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra sao khi giá lúa tăng từng ngày? - Ảnh 2.

Nguyên nhân giá lúa tăng là do vụ lúa hè thu nguồn cung ít (lúa hè thu năng suất thấp, chất lượng gạo không tốt bằng vụ đông xuân, chi phí sản xuất tăng nên nông dân giảm vụ) trong khi nhu cầu thị trường tăng khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Ảnh: Huỳnh Xây

"Bây giờ chào hàng xuất khẩu cũng không doanh nghiệp nào dám vì không có hàng tồn kho để bán, mà đa phần chỉ trả các đơn hàng cũ thôi" - Tổng Giám đốc Công ty Phước Thành IV nói.

Còn Tổng Giám đốc Công ty Trung An thì cho hay, hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang đau đầu vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa hè thu của nông dân. Vì vậy, doanh nghiệp hiện nay hạn chế, thậm chí dừng ký hợp đồng mua bán mới, tập trung lo hợp đồng cũ đã ký.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác ở ĐBSCL cũng thông tin, đang lo trả đơn hàng đã ký trước đó. Đồng thời cho hay, không dám ký hợp đồng mới vì sợ gặp rủi ro lớn khi giá lúa tăng liên tục như hiện nay và không có lượng gạo tồn kho.

Trước tình hình nêu trên, được biết, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và yêu cầu phải duy trì lượng dự trữ lưu thông theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, giá gạo tăng mạnh trong thời gian qua, hồi đầu tháng 7 vừa qua chỉ từ 508 USD/tấn thì hiện đã vọt lên mức 533 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và từ mức giá 488 USD/tấn tăng lên mức 513 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,27 triệu tấn với trị giá đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,2% về lượng và 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 có khả năng đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn, thậm chí nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem