Dòng tiền cạn kiệt, VN-Index giảm gần 4 điểm

Quốc Hải Thứ ba, ngày 21/03/2023 13:00 PM (GMT+7)
VN-Index giảm 3,82 điểm, về mốc 1.019 điểm (-0,37%) với chỉ hơn 3.000 tỷ đồng rót vào HoSE trong phiên sáng nay (21/3).
Bình luận 0
Dòng tiền cạn kiệt, VN-Index giảm gần 4 điểm - Ảnh 1.

Toàn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay (21/3). Ảnh: Vietstock

VN-Index giảm gần 4 điểm, dòng tiền cạn kiệt

VN-Index mở cửa phiên sáng nay tăng hơn 5 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện. Theo đó, đà phục hồi chủ yếu đến từ các cổ phiếu trụ trong rổ VN30 với 21 mã tăng, 9 mã giảm. 

Cụ thể, sắc xanh lan tỏa ở nhóm trụ gồm: VHM tăng 2,2%; PLX tăng 1,1%, STB tăng 1%, TPB tăng 0,9%, VCB tăng 0,9%... góp phần kéo mạnh cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, PDR và VRE giảm mạnh nhất với tỷ lệ mất giá lần lượt là 2,1% và 1,6%, cùng với VIC giảm 1,3%, VJC giảm -1,1%, các mã còn lại giảm dưới 1% là những lực cản chính.

Thời điểm 9h40, VN-Index tăng 3,35 điểm (0,33%) lên 1.026,45 điểm, HNX-Index tăng 0,97 điểm (0,48%) đạt 202,59 điểm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,18%) đạt 76,15 điểm.

Càng về cuối phiên sáng, lực bán càng mạnh, trong khi dòng tiền yếu khiến chỉ số lùi sát về tham chiếu. Lúc 10h40, VN-Index giảm 0,77 điểm (0,08%) về 1.022,33 điểm, VN30-Index giảm 1,5 điểm (0,15%) còn 1.023 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh tính đến thời điểm này khá thấp, chỉ đạt gần 1.600 tỷ đồng.

Tâm điểm của thị trường trong phiên sáng nay là mã VHM của "họ Vingroup". Cụ thể, VHM đang đóng góp nhiều nhất vào VN-Index với mức đóng góp 1,1 điểm khi đang tăng 2,35% lên mốc giá 43.550 đồng/CP. Doanh nghiệp này đang rộ lên tin đồn đang thương lượng bán sỉ gần 1,5 tỷ USD dự án bất động sản cho một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu khu vực.  Đây cũng là nguyên nhân khiến mã này tăng trong phiên sáng nay, trong khi hai mã cùng họ là VIC và VRE đều đang giảm.

Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng nay, VN-Index giảm 3,82 điểm (0,37%) về mốc 1.019 điểm. Trong khi HNX vẫn giữ được sắc xanh nhẹ, tạm dừng tại 201,6 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên sáng khá yếu với khoảng 3.000 tỷ rót vào HoSE, trong khi có khoảng hơn 340 tỷ đồng rót vào HNX.

Dòng tiền cạn kiệt, VN-Index giảm gần 4 điểm - Ảnh 3.

Các mã chứng khoán ảnh hưởng mạnh đến chỉ số VN-Index. Ảnh: Vietstock

Theo SSI Research, dòng tiền dài hạn sẽ bước vào giai đoạn tận dụng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn chọn lọc và tích lũy dần cổ phiếu để hướng đến kỳ vọng phục hồi vào năm 2024 khi các thách thức vĩ mô giảm dần. 

Các yếu tố có thể sẽ tác động tích cực lên thị trường trong ngắn hạn cần theo dõi bao gồm rủi ro thanh khoản trên thị trường TPDN có thể được hạn chế nhờ các biện pháp điều hành của Chính phủ, cụ thể là Nghị định 08/2023 sửa đổi Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về phát hành TPDN riêng lẻ vừa được ban hành.

Ngoài ra, một yếu tố cần lưu ý là FED có duy trì bước tăng lãi suất 25 điểm trong cuộc họp chính sách ngày 21-22 tháng 3 này hay không.

"Trạng thái kỹ thuật hiện tại của chỉ số chính cũng cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng trong ngắn hạn. Nếu các nhịp hồi phục hiện tại đối diện với lực bán quanh MA 20 ngày thì đây chỉ là các nhịp "pull back" (mang tính chất tạm thời, chưa thể đảo ngược xu hướng) trong xu thế giảm ngắn hạn và nhiều khả năng VNIndex sẽ tiếp diễn pha điều chỉnh với vùng hỗ trợ gần là quanh mốc 1.000 điểm", SSI Research nêu quan điểm.

Trong kịch bản khả quan hơn, SSI Research dự báo chỉ số VN-Index chinh phục trở lại MA20 ngày đi cùng với sự cải thiện của thanh khoản, khi đó nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là vùng 1.082 – 1.100 điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem