Do ảnh hưởng bởi khí hậu Lào, thời gian này, trong khi các địa phương khác ở Quảng Trị quay quắt bởi nắng nóng thì huyện vùng cao Hướng Hóa lại mưa lạnh. Nhưng những bất lợi của thời tiết không làm cho nạn buôn gỗ lậu quý hiếm ở đây hạ nhiệt, mà ngược lại, giới buôn gỗ lậu càng hoạt động điên cuồng hơn.
Chở gỗ lậu như... đi hội
Trong trang phục người dân tộc, nhá nhem tối, chúng tôi đội mưa men theo tuyến đường độc đạo nối từ đường 9 đi xuống dọc sông Rào Quán, cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (cổng B) khoảng 400m. Đây là một trong những điểm tập kết gỗ lậu khổng lồ ở Hướng Hóa.
|
Sau khi “ăn hàng” ở đường độc đạo dọc sông Rào Quán, xe khách kính dán đề-can chở gỗ lậu về xuôi. |
Dù đã nắm thông tin từ trước, nhưng khi đi vào tuyến đường này chúng tôi vẫn choáng ngợp trước cảnh hàng trăm người đi xe máy, nhiều xe không có biển số, chở những khúc gỗ trắc, hương, cẩm lai… lao bạt mạng trên những con dốc chết người. Đi tiếp khoảng 500m là đến địa điểm tập kết gỗ lậu. Khi chúng tôi có mặt, đã có đến 4 đống gỗ khổng lồ được tập kết ngay bên đường.
Có khoảng 50 người quần áo lấm lem hì hục bốc những đống gỗ này lên những chiếc ô tô khách 12 chỗ ngồi, kính xe dán đề - can màu đen kín bưng. Sau khi “ăn hàng”, những chiếc ô tô này lao ra phía đường 9 rồi chạy về xuôi. Phía sau, hàng chục xe máy vẫn tiếp tục chở gỗ về tập kết... Cứ thế, hoạt động vận chuyển gỗ lậu ở đây gần như diễn ra suốt đêm, bất chấp tiết trời mưa lạnh.
Gỗ lậu quý hiếm tập kết tại tuyến đường độc đạo dọc sông Rào Quán được vận chuyển về từ các địa phương của Lào nằm sát biên giới Hướng Hóa qua sông Sê Pôn. Trong đó, gỗ được đưa sang biên giới chủ yếu qua bến Nước, thuộc thôn Ho, xã Thanh và bến Tân Kim, thị trấn Lao Bảo.
Khi chúng tôi đến, mới đầu giờ trưa, nhưng việc vận chuyển gỗ lậu qua bến Nước đã diễn ra ồ ạt. Sau khi đưa qua sông, gỗ lậu được tập kết ở thôn Ho rồi cửu vạn vận chuyển bằng xe máy về xuôi trước khi tiêu thụ ra nước ngoài.
Bà A Mua - một người dân địa phương nói tiếng Kinh bập bẹ, cho biết, ngày nào cửu vạn cũng đưa gỗ lậu từ Lào qua bến Nước rồi chở về xuôi theo đường Lìa như đi hội nhưng chẳng thấy lực lượng nào bắt giữ, xử lý.
Ma túy “nóng” theo gỗ lậu
Pả Thoan, cửu vạn có thâm niên vận chuyển gỗ lậu thuê cho một trùm buôn gỗ lậu khét tiếng ở Lao Bảo cho biết, nhờ theo “nghiệp” chở gỗ này nhiều năm liền mà Thoan có tiền nuôi sống gia đình. Mỗi ngày, ít nhất Thoan chở một chuyến gỗ bằng xe máy từ Lào về Việt Nam và được chủ trả công 250-300 nghìn đồng, tùy theo khối lượng gỗ vận chuyển được.
Theo Thoan, nghề vận chuyển gỗ lậu là nghề cực kỳ nguy hiểm, bởi để vận chuyển được một lượng gỗ nhất định từ Lào qua biên giới về điểm tập kết, người chở phải lái xe máy vượt qua hàng nghìn con dốc chết người. “Mùa này nhiều mưa, đường rừng trơn trượt, vì vậy việc vận chuyển gỗ của cửu vạn là hết sức nguy hiểm” - Pả Thoan kể.
Theo cửu vạn này, vì để có sức khỏe và máu liều lĩnh “chiến đấu” với đường rừng, không ít cửu vạn đã cần đến sự “giúp sức” của ma túy. Nhiều người khác không tự tìm đến ma túy thì bị chủ buôn gỗ lậu dụ dỗ sử dụng để vừa tăng “hiệu suất lao động” vừa dễ bề sai khiến. Nhiều cửu vạn khác kể rằng, chuyện nghiện ngập đối với họ là bình thường, bởi không nghiện sẽ khó bám nghề lâu dài và sẽ ít nhận được ân sủng của ông “trùm”. Từ chỗ nghiện ngập, không ít cửu vạn đã tranh thủ mua “hàng trắng” từ Lào đưa về sử dụng và bán kiếm lời.
|
Một lượng lớn gỗ trắc lậu vừa được Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa bắt giữ tại đường độc đạo dọc sông Rào Quán. |
Ông Phạm Xuân San - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận, thở dài khi nói về vấn nạn ma túy ở 8 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa. Theo ông San, nạn ma túy tràn về Hướng Hóa từ lâu, nhưng mạnh nhất là từ khi cơn lốc buôn lậu gỗ trắc, gỗ hương, cẩm lai xuất hiện ở huyện này. “Để có sức khỏe chở một lúc mấy tạ gỗ, nhiều người đã phải sử dụng đến ma túy như một thứ thuốc tăng lực. Hậu quả của tình trạng này là tỷ lệ người nghiện ngập gia tăng ở huyện, khiến trật tự trị an đảo lộn”- ông San nói.
Trong quá trình đột nhập vào điểm tập kết gỗ lậu dọc sông Rào Quán, chúng tôi đã bị một nhóm cửu vạn nghiện hút là “vệ tinh” của “trùm” buôn lậu gỗ bám sát theo dõi. Thấy chúng tôi chăm chú quan sát hoạt động tập kết, vận chuyển gỗ, nhóm cửu vạn này liền chặn đường tra hỏi. Chúng tôi chưa kịp trả lời thì nhóm người này đã rút dao nhọn và bơm kim tiêm ra uy hiếp. Biết đang gặp phải những đối tượng nghiện hút máu lạnh, chúng tôi đành phải rút lui an toàn.
Thiếu sự phối hợp
Trên thực tế, những đối tượng buôn gỗ lậu từ Lào về Quảng Trị đã trở thành nỗi lo sợ của lực lượng kiểm lâm huyện Hướng Hóa. Ông Lê Văn Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, kể với chúng tôi hàng loạt vụ tấn công kiểm lâm của những đối tượng vận chuyển gỗ.
Mới đây nhất, ngày 2.8, khi ông Thành đang chỉ huy lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an bắt giữ vụ vận chuyển 5,5m3 gỗ trắc của hơn 50 đối tượng tại đường tiểu ngạch qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (cổng B) thì bị đội quân chở gỗ lậu tấn công bằng cách lăn đá. “May bữa đó có công an đi theo không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”- ông Thành nói.
Trước đó, năm 2010, lực lượng trinh sát của Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cũng từng bị các đối tượng buôn lậu gỗ tấn công bằng đá tại tuyến đường trên. Lần đó, một trinh sát của Hạt đã bị trúng đá và phải nhập viện cấp cứu.
Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã bắt giữ 133m3 gỗ lậu qua biên giới, trong đó có 18,3m3 gỗ quý hiếm, chủ yếu là gỗ trắc, gỗ hương, vận chuyển từ Lào về. Tuy nhiên, số gỗ được bắt giữ chỉ chiếm một phần nhỏ so với số gỗ lậu được vận chuyển qua biên giới.
Nhưng dã man nhất vẫn phải kể đến vụ các đối tượng vận chuyển gỗ lậu âm mưu sát hại các cán bộ Trạm Kiểm lâm Hướng Tân vào năm trước. Khi đó, sau khi bị lực lượng kiểm lâm của trạm “làm căng”, những đối tượng trên đã mang thuốc trừ sâu đổ vào giếng nước của trạm. Rất may, lực lượng kiểm lâm ở đây đã kịp thời phát hiện nên không sử dụng nước giếng.
Ông Lê Văn Thành thừa nhận nạn vận chuyển gỗ lậu qua biên giới ở các khu vực bến Nước, bến Tân Kim và tuyến đường độc đạo dọc sông Rào Quán vẫn hết sức nhức nhối. Ông Thành cho rằng, nạn buôn gỗ lậu chưa thể ngăn chặn do thiếu sự phối hợp của lực lượng hải quan và biên phòng.
“Nếu lực lượng biên phòng và hải quan chống buôn lậu làm triệt để thì làm sao gỗ lậu có thể tràn qua biên giới. Đằng này họ không làm, nên riêng lực lượng kiểm lâm không kham nổi”- ông Thành giãi bày.
Ông Thành còn nói rằng, ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chính nói trên, chính quyền các địa phương cũng phải góp sức, phải nhận thức được sự nguy hại của việc phá rừng Lào cũng như phá rừng Việt.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.