Đột quỵ não dễ tái phát, làm thế nào để phòng ngừa?

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 23/02/2024 06:09 AM (GMT+7)
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai đã chỉ cách phòng ngừa tái phát đột quỵ não.
Bình luận 0

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều đó có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát.

"Để giảm tỷ lệ đó, chúng tôi khuyến khích bệnh nhân quay trở lại với lối sống bình thường như trước khi bị đột quỵ não. Người bệnh nên hoạt động thể chất, quan hệ tình dục và quay trở lại làm việc nếu có thể", PGS Tôn nhấn mạnh. 

Nhà là nơi phục hồi đột quỵ não tốt nhất

Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, 10% những người bị đột quỵ não phục hồi gần như hoàn toàn; 25% phục hồi với những khiếm khuyết nhỏ và 40% khác trải qua các khiếm khuyết từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.

Đột quỵ não dễ tái phát, làm thế nào để phòng ngừa? - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị đột quỵ não có thể do tắc mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não. Ảnh BSCC

PGS Tôn cho biét, phục hồi chức năng giúp những người sống sót sau đột quỵ não học lại các kỹ năng bị mất sau khi một phần não bị tổn thương. 

Liệu pháp phục hồi chức năng bắt đầu trong bệnh viện ngay giai đoạn cấp, sau khi tình trạng chung của bệnh nhân đã ổn định (thông thường là trong vòng 24 đến 48 giờ sau đột quỵ não). 

Thời gian nằm viện trung bình trong giai đoạn cấp cho bệnh nhân đột quỵ não là từ 4 ngày (thiếu máu cục bộ) và 7 ngày (chảy máu não). Những người sống sót sau đột quỵ thường được chuyển từ chăm sóc cấp tính đến một cơ sở phục hồi chức năng nội trú, một cơ sở điều dưỡng lành nghề hoặc một bệnh viện chăm sóc sau giai đoạn cấp dài hạn. 

Sau đột quỵ não, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn trong việc tập trung hay thực hiện các hoạt động thể chất.

Người bệnh nên bắt đầu trở lại với công việc bằng việc làm bán thời gian, sau đó xem xét hiệu quả công việc để quyết định. Cuối cùng, người bệnh chính là người đánh giá tốt nhất về việc có nên quay lại làm việc hay không (trừ khi, họ bị suy giảm nhận thức và tàn tật nặng).

PGS. Mai Duy Tôn

"Nhà là nơi tốt nhất cho các bệnh nhân đột quỵ não trong tiến trình phục hồi. Bệnh nhân phục hồi sau đột quỵ não nên được đưa về nhà càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất để phục hồi sau đột quỵ não là trong một vài tháng đầu tiên. 

Bệnh nhân sẽ dần ổn định sau 3 đến 6 tháng và một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân vẫn có cơ hội phục hồi trong một đến hai năm tiếp theo. Phục hồi sau đột quỵ não là một quá trình cần phải kiên trì và tập luyện liên tục", PGS Tôn nhấn mạnh. 

Sau đột quỵ não vẫn nên chơi thể thao

Theo PGS Tôn, tập thể dục, chơi thể thao hay bất kỳ hoạt động nào đòi hỏi nỗ lực thể chất luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, việc luyện tập và cường độ luyện tập ra sao thì mỗi người bệnh nên lắng nghe cơ thể mình.

"Tập thể dục là một phần quan trọng của phục hồi chức năng đột quỵ não. Người bệnh cần dành thời gian khởi động 5 – 10 phút (kể cả khởi động với các bài tập trên giường). 

Các môn thể thao phù hợp: đi bộ ngoài trời hoặc đi bộ trên máy; đạp xe tại chỗ; đi theo đường kẻ vạch có sẵn hoặc đi cầu thang. Tần suất tập luyện tối thiểu 3 lần/tuần (tốt nhất là hầu hết các ngày trong tuần). 

Về cường độ, nếu tính theo thang điểm 10 thì người bệnh nên tập ở mức độ 4 – 5. Thời gian lý tưởng cho mỗi lần luyện tập là 20 – 30 phút", PGS Tôn khuyến cáo. 

Sinh hoạt tình dục không sau đột quỵ não

PGS Tôn cho biết, các bệnh nhân được khuyến khích nối lại hoạt động tình dục sau đột quỵ não. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cần mất một thời gian để lấy lại ham muốn tình dục. 

Một số khác cảm thấy ảnh hưởng của đột quỵ não (ví dụ như tê liệt chân tay hoặc cứng khớp) có thể gây khó khăn trong hoạt động âu yếm với bạn tình. Những vấn đề này có thể được khắc phục với sự giúp đỡ và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. 

Một số nam giới gặp vấn đề trong việc duy trì sự cương cứng do ảnh hưởng của đột quỵ não bởi các nguyên nhân thứ phát như tiểu đường, hút thuốc hoặc tác dụng phụ của một số thuốc được sử dụng để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não (ví dụ như thuốc hạ huyết áp). 

Tuy nhiên, y học hiện nay đã có những giải pháp để giải quyết vấn đề này. Người bệnh nếu có khó khăn, nên liên hệ với bác sĩ của bạn.

Đột quỵ não dễ tái phát, làm thế nào để phòng ngừa? - Ảnh 2.

PGS.TS Mai Duy Tôn (đứng giữa) thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ não đang điều trị tại Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau khi bị đột quỵ não

PGS Tôn cho biết, sau đột quỵ não, người bệnh nên ăn chế độ ăn kiêng nhiều rau và trái cây, thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ; 

Đồng thời giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ; Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, tốt nhất chọn cá giầu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ.

Tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường; Chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị không có muối hoặc hạn chế muối.

Hạn chế rượu bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não. Lạm dụng rượu bia sẽ gây tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát. 

Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề gì với lượng rượu ở mức độ vừa phải (tức là khoảng 1 – 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn mỗi ngày; tương đương 100 ml rượu vang hay một chén rượu mạnh 30ml). 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem