ĐT Italia đang gặp vấn đề giống ĐT Việt Nam thời HLV Troussier?

Trần Oánh Thứ sáu, ngày 21/06/2024 16:22 PM (GMT+7)
Trong mọi tình huống, khi cướp được bóng, các cầu thủ Italia luôn tìm cách phối hợp nhỏ, kiểm soát bóng, và không có ý định tổ chức phản công. Cả hiệp 1, ĐT Italia chỉ có 1 pha phản công vào phút thứ 45, và từ pha bóng đó có cú dứt điểm nguy hiểm đầu tiên.
Bình luận 0

ĐT Italia đang gặp vấn đề giống ĐT Việt Nam thời HLV Troussier?

Thắng ĐT Italia 1 – 0, ĐT Tây Ban Nha đã giành vé vào vòng sau, trong 1 trận đấu mà nhiều người chờ đợi là cuộc đối đầu của 2 gã khổng lồ của bóng đá châu Âu, đại diện cho 2 lối đá khác nhau này. Vào trận, các cầu thủ Tây Ban Nha thi đấu đúng với bản sắc của mình. Họ dâng cao đội hình, phối hợp nhỏ, kiểm soát bóng, kiểm soát khu vực giữa sân. Pressing tầm cao, áp đặt thế trận, chủ động nhịp độ thi đấu, tạo ra và thực hiện các tình huống dứt điểm. Hiệp 1, bóng chủ yếu lăn trên phần sân ĐT Italia.

ĐT Italia đang gặp vấn đề giống ĐT Việt Nam thời HLV Troussier?- Ảnh 1.

ĐT Tây Ban Nha. Ảnh: UEFA.

Về cơ bản, những gì ĐT Tây Ban Nha thực hiện trước vòng cấm địa ĐT Italia giống hệt với những gì mà người ta hình dung về lối đá Tiki-taka của Barcelona hay ĐT Tây Ban Nha thời Vicente del Bosque. Thứ bóng đá điệu nghệ làm say lòng biết bao người hâm mộ, thứ bóng đá mà nhiều người cho rằng sau 1 thời gian hoàng kim làm chao đảo bóng đá thế giới, đã trở nên lạc hậu, bị đối phương bắt bài, trở nên thiếu hiệu quả và đã bị khai tử.

Hầu hết các đường tấn công vào tới vòng cấm địa ĐT Italia của ĐT Tây Ban Nha đều được thực hiện sau ít nhất là 10 đường chuyền kể từ khi cướp được bóng từ chân các cầu thủ Italia. Điều này khá giống với quy tắc "15" của Pep Guadiola năm xưa, đó là đội bóng phải thực hiện tối thiểu 15 đường chuyền trước khi cuộc tấn công thực sự diễn ra. Đôi khi trong quá trình đó, cầu thủ Italia cướp được bóng, thì ngay lập tức, các cầu thủ Tây Ban Nha thực hiện counter-press, họ tổ chức quây người và lập tức cướp lại bóng hoặc đẩy các cầu thủ Italia đưa bóng lùi về phía cầu môn đội nhà.

Có lẽ lối đá giống với tikt-taka của ĐT Tây Ban Nha sẽ không hiệu quả như vậy nếu thiếu sự đóng góp của 2 tiền đạo cánh trẻ tuối, "thần đồng bóng đá" 16 tuổi Lamine Yamal mang áo số 16 và số 17 Nico Williams, 21 tuổi. Chính sự đóng góp của 2 cầu thủ này đã tạo ra nhiều phương án tấn công hơn cho đội bóng. Trong hiệp 1, có tới gần 10 pha dứt điểm về phía khung thành đội tuyển Italia, được thực hiện bằng mọi cách thức, từ phối hợp bật tường trung lộ, đột phá cá nhân, sút cận thành, lật cánh đánh đầu, sút xa … Với những gì ĐT Tây Ban Nha thể hiện ở trận này, dường như lối đá Tiki-taka đã tiến hóa để thích nghi với đòi hỏi của tính hiệu trong bóng đá hiện đại quả chứ chưa hề bị khai tử.

Về phía ĐT Italia, hiệp 1, cho dù thế trận không tốt nhưng họ phòng ngự khá hiệu quả nếu tính trên tỷ số trận đấu. Mặc dù không thể ngăn cản các cầu thủ TBN dứt điểm nhưng bằng mọi cách, các cầu thủ Ý cùng thủ môn Gianluigi Donnarumma cản phá thành công các pha dứt điểm của ĐT Tây Ban Nha. Có 1 điều khá khó hiểu, đó là mặc dù trên thế trận thực tế, ĐT Italia đá phòng ngự, nhưng dường như họ không có ý định tổ chức phản công.

ĐT Italia đang gặp vấn đề giống ĐT Việt Nam thời HLV Troussier?- Ảnh 2.

ĐT Italia. Ảnh: UEFA.

Trong mọi tình huống, khi cướp được bóng, các cầu thủ Italia luôn phối hợp nhỏ, kiểm soát bóng. Gần như trong cả trận họ không phá bóng bao giờ. Trong hiệp 1 rất ít chuyền dài lên tuyến trên. Nếu cướp được bóng ở khu vực gần giữa sân, họ thường xuyên quay lưng lại cầu môn Tây Ban Nha để đưa bóng về tuyến dưới, thoát khỏi sự truy cản quyết liệt của cầu thủ đối phương ở khu vực nóng bỏng này. Rồi sau đó, họ phối hợp đưa bóng dần lên để tấn công. Đây là cách phản ứng của 1 đội bóng muốn triển khai lối đá tấn công áp đặt, nó không giống với bản sắc vốn có là phòng ngự phản công của ĐT Italia. Cả hiệp 1, ĐT Italia chỉ có 1 pha phản công vào phút thứ 45, và từ pha bóng đó có cú dứt điểm nguy hiểm đầu tiên. Con số thống kê không có pha bẫy việt vị nào trong trận từ phía cả 2 đội nói lên hàng phòng ngự đội Italia tổ chức phòng ngự rất thấp, và dương nhiên, từ vị trí thấp như vậy để tổ chức phối hợp đưa bóng lên là một quãng đường rất dài. Góp phần dẫn đến số đợt tấn công của họ rất ít và không hiệu quả.

Sau giờ nghỉ giữa 2 hiệp, trong khi người xem chờ đợi sự thay đổi chiến thuật của ĐT Italia để lấy lại thế trận, thì ĐT Tây Ban Nha đã điều chỉnh trước. Có cảm giác rằng khi đã hoàn toàn yên tâm là ĐT Italia sẽ không sẵn sàng tổ chức phản công, HLV HLV De la Fuente cho các tiền đạo Tây Ban Nha pressing cao hơn và quyết liệt hơn hiệp 1. Họ mạo hiểm đưa người tổ chức áp sát trung vệ và thủ môn Italia khi các cầu thủ này có bóng. Và kết quả là các hậu vệ ĐT Italia liên tục để xảy ra lỗi chuyền bóng hỏng. Kết quả là 1 trong nhiều cơ hội mà các cầu thủ Tây Ban Nha tạo ra đã thành bàn thắng.

Trước trận đấu, trả lời phỏng vấn, HLV Luciano Spalletti của ĐT Italia nói: "Chúng tôi muốn thử thách bản thân trước đội bóng hàng đầu như Tây Ban Nha. Chúng tôi sẽ cố gắng thi đấu một thứ bóng đá tích cực trước Tây Ban Nha, Italia sẽ nỗ lực để kiểm soát bóng trước đối thủ".

Có vẻ ĐT tuyển Italia đang cố gắng từ bỏ lối đá phòng ngự phản công truyền thống của mình, xây dựng lối đá tấn công,"kiểm soát", đang là xu hướng của bóng đá hiện đại, thứ "bóng đá tích cực" như trong câu trả lới phỏng vấn. Phải chăng ĐT Italia của HLV Luciano Spalletti đang gặp phải vấn đề giống với ĐT Việt Nam thời HLV Troussier khi nỗ lực thay đổi lối đá của đội bóng?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem