Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gieo mầm trên đất cằn
Năm 2012, Triệu Thị Múi hăm hở khoác ba lô lên nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách kinh tế tại xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng. Vừa về xã, Múi đã tham mưu cho xã làm đường giao thông cho bản Khâu Cưởm - một bản nghèo nằm cách trung tâm xã hơn 10km. Do đường sá đi lại khó khăn, nhiều vực sâu, cua gấp, giao thương không thuận lợi nên 70% số hộ trong bản là hộ nghèo. Cũng đã có người thiệt mạng trên tuyến đường đó. Cuối tháng 11.2012, sau 3 tháng thi công với sự nỗ lực của tổ thợ, có sự đóng góp rất nhiều ngày công của bà con trong việc phát tuyến, dọn đá, khơi rãnh... con đường được hoàn thành với tổng chiều dài 4km, mặt đường rộng 3,5m. Giao thông thuận tiện cũng giúp việc giao thương, buôn bán của bà con tốt hơn.
Cán bộ trí thức trẻ mang kiến thức khoa học kỹ thuật về cho bà con (ảnh chụp tại xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu).Ảnh: Lê San
Ngoài ra, Múi tham mưu cho xã đưa cây thuốc lá và cây dong riềng vào sản xuất. Hiện xã đã có 5ha cây thuốc lá. Cây dong riềng vẫn đang bén duyên với vùng đất mới. “Vận động bà con trồng nhưng chủ yếu vẫn phải tìm đầu ra. Em đang xúc tiến một số nơi để tìm nguồn tiêu thụ cho bà con” – Múi chia sẻ về những dự định sắp tới của mình.
Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là một xã miền núi rẻo cao nằm sát biên giới Việt - Lào. Người dân ở đây phần lớn là người dân tộc Khùa, Mày có đời sống vô cùng khó khăn, lạc hậu. Năm 2012, Phạm Văn Bắc cũng không quản ngại khó khăn, xung phong lên Trọng Hóa làm PCT xã. Để hòa nhập với bà con ở các bản làng xa xôi, Bắc đã cùng ăn, cùng ở, cùng lên rẫy để hướng dẫn bà con dân tộc thay đổi các thói quen lạc hậu và đưa vào nuôi trồng những giống cây, con mới cho năng suất cao. Bắc cho biết: “Trước đây, bà con dân tộc Khùa, Mày thường có tục “mẹ chết chôn theo con” rất man rợ, ốm đau cũng không cho đi trạm xá mà chỉ ở nhà cúng bái và không muốn cho con cái đến trường học chữ. Mình phải thường xuyên bám bản, cùng ăn, ngủ, sản xuất với bà con để tạo sự tin tưởng. Nhờ đó bà con mới nghe, mới dần thay đổi tập tục” - Bắc nói.
Còn Hà Ngọc Thành – PCT xã Yên Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), sau gần 3 năm nhận nhiệm vụ đã đôn đốc người dân biến 12ha đất trống thành những vạt rừng cao su xanh tốt, xen kẽ các cây trồng ngắn ngày. Nhờ đó, hàng trăm người dân, đặc biệt là thanh niên trong xã có việc làm, thu nhập ổn định.
Cánh cửa hẹp…
" Hiện còn hơn 1 năm nữa mới kết thúc dự án nhưng huyện cũng đã có kế hoạch đưa các cán bộ trẻ này vào bầu cấp ủy, đưa vào biên chế một số đội viên xuất sắc tạo nguồn cán bộ cho huyện. Tuy nhiên, đây là dự án của Chính phủ nên huyện phải chờ những quyết định từ cấp trên. Còn hiện tại, do biên chế đã kín nên việc bố trí cho hết tất cả số PCT xã sau khi kết thúc dự án cũng là một vấn đề nan giải”. |
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, trong khi 94% PCT xã của Dự án 600 trí thức trẻ được đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng tại Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ có chưa tới 25% PCT xã được bầu vào cấp ủy. Câu chuyện “đầu ra” cho các PCT xã tình nguyện đang là một thực tế đáng quan tâm ở nhiều địa phương hiện nay.
Kỳ Đại hội Đảng bộ xã vừa qua, Bùi Thị Lập - trí thức trẻ về làm PCT xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, Lai Châu đã trúng cử vào cấp uỷ. Lập cũng được xã tạo điều kiện cho đi học trung cấp lý luận chính trị. Nhưng cô rất băn khoăn về tương lai của mình. Lập tâm sự: “Nguyện vọng của em vẫn muốn gắn bó với xã nghèo, bởi còn rất nhiều việc dang dở cần phải làm. Xã em có một bản người Mảng với 100% hộ nghèo, người nghiện chiếm tỷ lệ rất cao. Vừa qua huyện cũng đã ra nghị quyết quyết tâm “xoá cái nghèo, đuổi cái nghiện” ở bản này. Em muốn được tiếp tục thực hiện dự án này, giúp bà con chủ động trong sản xuất, thoát khỏi những hủ tục, lạc hậu đang còn đeo bám, tiến kịp với sự phát triển chung của xã. Xã cũng muốn giữ em ở lại nhưng vì địa phương đã đủ biên chế, muốn bố trí công việc phải chờ chỉ đạo từ cấp trên”.
Khác với Lập, Hồ Thị Hồng – PCT xã Tân Hóa, huyện Minh Hoá, Quảng Bình càng lo lắng hơn khi kỳ Đại hội Đảng vừa qua, cô không đủ điều kiện để được bầu vào cấp uỷ vì chưa được vào Đảng. Hồng cho biết, qua việc kết nối thông tin giữa các đội viên cô được biết rất nhiều đội viên đã lập gia đình, mua nhà tại địa phương, họ đều mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất ấy, nhưng do chính sách chưa rõ ràng nên họ không biết khi dự án kết thúc họ sẽ đi đâu, về đâu…
Ông Nguyễn Chí Sử - Phó Bí thư thường trực huyện Mường Khương, Lào Cai cho biết, huyện có 7 PCT xã trẻ. Họ có trình độ, am hiểu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, có kỹ năng nên làm việc hiệu quả. Tuy nhiên để bố trí công việc cho các đồng chí này sau khi hết dự án cũng rất khó khăn khi hiện tại huyện đã đủ biên chế.
Còn ông Trần Bình Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La chia sẻ, Sơn La có 49 PCT xã thuộc dự án. Sau này, tỉnh sẽ tiếp tục sử dụng cán bộ này trong Chương trình 30a về xóa đói giảm nghèo. Sơn La hy vọng sẽ tìm được cơ chế hợp lý để giữ lại đội ngũ này cho các xã nghèo.
Như vậy, dù làm được việc, nhiệt tâm nhưng do chậm đưa ra quyết sách cụ thể nên sau khi kết thúc dự án, các PCT xã đi đâu, về đâu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải...
Ông Vũ Đăng Minh (ảnh) –Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội Vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã nghèo: Sẽ bố trí công việc phù hợp Hiện nay, 94,08% phó chủ tịch xã của dự án được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 31%. 90% các em cũng đã được kết nạp Đảng. Kết quả bầu cấp ủy địa phương vừa qua có 152 đội viên được tham gia cấp ủy (gần 25%). Các em cũng đã có nhiều sáng kiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đề xuất nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế, xã hội, mang lại lợi ích cho địa phương, được chính quyền và người dân ghi nhận. Ví dụ có phó chủ tịch xã đề xuất chuyển đổi mô hình, từ trồng cây ngô chuyển sang trồng cây dược liệu. Trước đây, người dân trồng ngô chỉ thu được 7 triệu đồng/ha nhưng nay thu nhập cao gấp 5 lần. Còn ở huyện Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận), đất đai khô hạn, khó trồng trọt, đời sống người dân khó khăn, 1 phó chủ tịch xã thuộc dự án đã đưa cây đậu tương trồng trên đất khô cạn về xã, gieo trồng thành công. Đến nay, huyện Bắc Ái đang nhân rộng cây đậu tương này, thu nhập của người dân cả xã, cả huyện đều tốt hơn. Có phó chủ tịch xã ban hành được quy chế của UBND trong việc cưới, quy định đám cưới không được thách quá 10 triệu đồng hay không được thách quá bao nhiêu trâu, bò… Hiện nay, một số em còn lo lắng về việc khi dự án kết thúc sẽ không biết “đi đâu về đâu”. Tuy nhiên, chúng tôi đã có tham mưu cho địa phương xem xét bố trí công việc phù hợp với năng lực và trình độ của từng em. Vị trí sẽ từ công chức cấp xã trở lên. Các địa phương cũng đã có phương án cụ thể về vấn đề này. Một số em chưa vào được cấp ủy vì chưa vào Đảng. Sau này, khi được kết nạp, số đội viên được bổ sung vào cấp ủy sẽ tăng lên. Đích cuối cùng là thông qua dự án này thu hút được trí thức trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có hoài bão cống hiến lâu dài cho những xã thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước. Tuấn Kiệt (ghi) |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.