Theo phản ánh của người dân sống trên địa bàn huyện Đan Phượng, việc lưu thông qua tuyến đường đê đoạn qua xã Song Phượng, huyện Đan Phượng thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận thực tế của PV Dân Việt cho thấy nguyên nhân là do một phần mặt đê được sử dụng trữ đất phục vụ công tác thi công, xây dựng. Đặc biệt, những ngày 13 – 14/3, mưa nhỏ kéo dài khiến phần đường còn lại trở nên trơn trượt và rất khó quan sát, chỉ một sơ suất nhỏ cũng đủ để sự cố có hậu quả khó lường xảy ra.
Theo tìm hiểu, khu vực này là công trường thi công gói thầu số 5, dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Đáy. Chủ đầu tư gói thầu số 5 là UBND huyện Đan Phượng, đại diện Chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện. Ngày 27/11/2023, UBND huyện Đan Phượng có Quyết định số 7856/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công, xây dựng công trình. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP đầu tư xây dựng và cơ khí Miền Bắc, giá trị trúng thầu 41,1 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 320 ngày.
Mục tiêu dự án nhằm cải tạo, nâng cấp mặt đường đê đã hư hỏng, đảm bảo an toàn tuyến đê, phục vụ công tác phòng chống thiên tai và các phương tiện lưu thông trên mặt đê. Tạo tuyến đường giao thông kết nối các xã phía Tây Nam của huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức với Quốc lộ 32 và Đại lộ Thăng Long,
Mặc dù Quyết định của UBND huyện bao gồm cả công tác đảm bảo giao thông, công trường thi công trên mặt đê nhỏ hẹp nên công tác cảnh báo, hạn chế rủi ro phải được hết sức chú ý. Tuy nhiên, ghi nhận của PV cho thấy dường như nhà thầu chưa đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, cảnh báo cho phương tiện.
Theo người dân địa phương, từ điểm đầu giao cắt giữa đường N16 - đê Đan Phượng - đê Hoài Đức, một số biển báo công trường đang thi công được nhà thầu đặt trước lối vào tuyến đê, nhưng vẫn chừa ra một lối nhỏ để phương tiện lưu thông để người dân vẫn đi vào, đồng nghĩa là dự án vừa được thi công vừa khai thác.
Vấn đề ở chỗ, do công trường lúc thông, lúc tắc vì xe cộ, máy móc thi công đang hoạt động khiến người dân chẳng biết đường nào mà lần. Dọc tuyến có khoảng 3, 4 lối lên đê nhưng lối chặn, lối không khiến nhiều người "việt vị", gây nhiều bức xúc.
Có khi, người điều khiển xe ô tô bỗng thấy xuất hiện ụ đất chắn ngang đường nên đành trở lui. Bởi mặt đường nhỏ hẹp, không thể quay đầu nên nhiều tài xế "tim đập chân run" vì phải đi lùi trên mặt đê ngoằn ngoèo, trơn trượt, sát rạt mép đê cao hơn 2 mét luôn chực chờ "hút" xuống một nạn nhân không may mắn.
Không rào chắn, không biển báo phản quang, không đèn xoay, chiếu sáng.. suốt quá trình nhiều ngày ghi nhận, PV cũng không thấy bóng dáng của nhân công do nhà thầu bố trí để phục vụ công tác điều tiết, hỗ trợ phương tiện lưu thông qua tuyến. Cùng lắm, khi có máy xúc hoạt động, nhà thầu đắp tạm một ụ đất để ngăn đường và sau đó lại sử dụng máy xúc để gạt thành lối ra.
Chia sẻ với PV, người dân bày tỏ mong muốn Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn giao thông nếu dự án này thực hiện theo hình thức vừa khai thác, vừa thi công. Hoặc đóng toàn tuyến cho tới khi dự án hoàn thành, tránh khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra mới "mất bò lo làm truồng".
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cơ khí Miền Bắc thành lập tháng 1/2007 tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Người đại diện doanh nghiệp là ông Trịnh Trung Thực, giữ chức danh giám đốc. Năm 2022, Xây dựng và Cơ khí Miền Bắc có bước nâng vốn điều lệ từ 1,9 tỷ đồng lên thành 30 tỷ đồng.
Theo hồ sơ đấu thầu, doanh nghiệp này tham gia rất mạnh vào các gói thi công xây lắp đê điều. Ví dụ như gói thầu số 10 thi công xây dựng công trình đoạn từ K10+200 đến K12+200, thuộc dự án thành phần số 13 hoàn thiện tuyến đê tả Đáy, giá trị 79 tỷ đồng; Gói thầu số 6 tu sửa, làm đường hành lang chân đê hữu Đuống, huyện Thuận Thành, giá trị hơn 7,3 tỷ đồng; Gói thầu số 04 thi công xây dựng công trình và điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, giá trị 20,6 tỷ đồng thuộc Dự án sửa chữa, khắc phục sự cố lún sụt, sạt lở kênh dẫn thượng lưu cống Cẩm Đình, Huyện Phúc Thọ.
Nhà thầu này hiện đang tham gia đấu thầu gói số 17, thi công xây dựng và cung cấp, lắp đặt thiết bị (bao gồm nội dung chi phí an toàn giao thông) giá trị 248 tỷ đồng, phục vụ phòng chống lụt bão, kết hợp giao thông đê tại tỉnh Hà Nam. Kết quả mở thầu cho thấy chỉ duy nhất liên danh của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cơ khí Miền Bắc tham gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.