Sau tất cả là… đổ nát
Bây giờ, những gì còn lại của siêu dự án, từng được hy vọng sẽ là “cánh kéo” để Hà Tĩnh đạt được nhiều mục tiêu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chỉ là một trang trại hoang vắng, đồi cỏ xác xơ, chuồng trại chỉ còn vài trăm con bò gầy yếu.
Khi mới lập đề án, những gì được vẽ trên giấy đẹp đẽ, hoành tráng đến mức người ta cứ tưởng chân trời mới sẽ đến với mảnh đất Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trong một ngày không xa, dù trước mắt là không ít người dân đã phải mất tư liệu sản xuất để nhường đất cho dự án.
Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà gần như chỉ nuôi bò cầm chừng, hệ thống chăn nuôi bị xuống cấp. Ảnh tư liệu
Chưa bao giờ một dự án chăn nuôi lại được cấp phép nhanh đến thế. Chỉ sau 6 tháng kể từ ngày được cấp phép, tháng 10.2015, những con bò đầu tiên đã nhởn nhơ trên đồng cỏ Cẩm Quan. Theo thiết kế, dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Bình Hà có quy mô 150.000 con, với tổng diện tích hơn 6.000ha, tổng vốn đầu tư 5.045 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 30.000 con, triển khai trên diện tích khoảng 968ha.
Vẽ trên giấy là vậy nhưng hiện tại, sau rất nhiều biến cố, toàn bộ khu chăn nuôi có 55 chuồng trại, công suất nuôi nhốt 33.000 con/lứa chỉ còn khoảng 3 chuồng có nhốt bò với 300 con. Từ tháng 6.2017 đến nay, công ty không nhập thêm bò. Được biết, Bình Hà dự kiến trồng chuối trên diện tích đất của dự án nhưng hiện mới trồng được khoảng 1ha và cỏ cũng đã cao lút đầu người. Sự nóng vội trong đầu tư, buông lỏng trong quản lý, chưa tính đến yếu tố hợp thổ nhưỡng, khí hậu đã đẩy một siêu dự án, từng được kỳ vọng đến “chết yểu”, trong khi một số cá nhân liên quan đến dự án đã dính vòng lao lý vì sai phạm.
Theo Bộ NNPTNT, 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã gia tăng đáng kể. Năm 2017, đã có 1.955 DN thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014 - 2016. Nếu tính tất cả các DN tham gia trong chuỗi giá trị nông sản, đến tháng 9.2018, cả nước có trên 49.600 DN, chiếm 8% tổng DN cả nước, trong đó có 8.635 DN trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy (chiếm hơn 1%), gấp 2,5 lần so với năm 2012.
|
Được biết, ở Bình Định cũng có một “phiên bản” Bình Hà tương tự như ở Hà Tĩnh được vẽ lên với quy mô 100.000 con bò, tổng vốn 3.600 tỷ đồng, tổng diện tích đất phục vụ dự án khoảng 5.000ha. Nhưng cho đến hiện tại, dự án vẫn nằm trên giấy.
Chủ trương đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang được Chính phủ khuyến khích nhưng việc xây dựng dự án không tính đến những yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, sự nóng vội có thể để lại trái đắng. Điển hình như dự án do Công ty TNHH Globe Farm Hàn Quốc làm chủ đầu tư được triển khai trên địa bàn huyện Yên Thành (Nghệ An), với tổng vốn đầu tư ban đầu 3 triệu USD, quy mô khoảng 100.000 tấn chuối xuất khẩu/năm. Nhưng sau đó, chuối phát triển không đều, giá bán thấp nên chủ đầu tư không mặn mà khiến hàng trăm hộ dân trong vùng cho chủ đầu tư thuê đất chưa được thanh toán tiền, 115 người dân địa phương được công ty thuê làm công nhân cũng bị nợ tiền lương. Nguyên nhân được đưa ra là do, khí hậu vùng đất đó không phù hợp với trồng chuối.
Dự án Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) cũng là một điển hình của sự vội vàng trong đầu tư. Quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng, với hy vọng trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học nhưng nhà máy này đã có nguy cơ chết yểu từ năm 2010, chim phượng hoàng đã gãy cánh, gần như chỉ còn “đống sắt vụn”.
Trăm dâu đổ đầu… dân
Một dự án thất bại có thể đẩy vài cá nhân vào vòng lao lý vì sai phạm nhưng hệ lụy mà nó để lại chỉ có người dân phải gánh chịu. Còn nhớ khi Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà mới đi vào hoạt động, giàu có đâu không thấy, chỉ thấy người dân Cẩm Quan vật lộn với vấn đề ô nhiễm. Những ưu đãi quá lớn trong đầu tư đã đưa một dự án chưa hoàn thành đầy đủ các hạng mục về bảo vệ môi trường đi vào hoạt động.
Hàng chục tấn phân bò được phơi trực tiếp trên nền đất ngoài trời không có lót chống thấm, hố chôn bò chết sơ sài, không có vôi khử trùng, nước giếng đột nhiên có mùi tanh và đổi màu đã thổi bùng nỗi bức xúc của người dân quanh dự án. Đến khi thanh, kiểm tra mới thấy, công ty này chưa hoàn thiện hệ thống kho chứa phân, chưa xây dựng khu chôn bò chết, công trình xử lý rác thải, chất thải rắn,… Chưa kể, đã có nhiều hộ dân mất đất, mất tư liệu sản xuất vì dự án.
Đó cũng là tình cảnh của nhiều nông dân nhường đất cho dự án trồng chuối ở Yên Thành (Nghệ An) hay nhà máy Ethanol Phú Thọ và nhiều dự án hoành tráng đầu tư vào nông nghiệp rồi vội vàng “chết yểu”.
Được biết, để có quỹ đất thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, hàng trăm hộ dân tại 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (Tam Nông) bị cưỡng chế thu hồi đất, nơi đây vốn là cánh đồng màu mỡ, bây giờ, hàng chục hecta đất bỏ hoang trong khi dân mất tư liệu sản xuất.
Vấn đề này cũng đã nóng lên tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII ngày 17.7 khi nhiều đại biểu chất vấn về hiệu quả của dự án chăn nuôi bò của Bình Hà. Tại cuộc họp này, ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, các cơ quan ban ngành của tỉnh đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, nếu công ty hoạt động không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án.
Từ những dự án trên có thể thấy, mở rộng cửa đón nhà đầu tư vào nông nghiệp là chủ trương đúng nhưng không thể bất chấp những đánh giá tác động môi trường, bất chấp nó có phù hợp với địa phương và thời điểm triển khai hay không. Bởi một dự án đổ vỡ, không chỉ một diện tích đất canh tác lớn của dân bị mất đi mà còn đẩy cuộc sống của nhiều nông dân vào chỗ khó khăn, để lại những hệ lụy khó lường.
Ông Đinh Ngọc Minh-Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Cần xây dựng luật nông dân cho thuê đất nông nghiệp
Nhằm tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, cần xác định DN đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp, Trung ương cần cho chủ trương để xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (hiện tuy đã có Nghị định 57/2018/NĐ-CP nhưng vướng các luật về thuế, Luật Đất đai không thể tháo gỡ nên bị nhiều giới hạn).
Cần rà soát lại chính sách đất đai, thay đổi quan điểm về an ninh lương thực, tính lại diện tích đất lúa cần giữ và sử dụng linh hoạt để nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời xây dựng Luật nông dân cho thuê đất nông nghiệp để đảm bảo việc tích tụ đất cho sản xuất quy mô lớn, đồng thời đảm bảo quyền "người cày có ruộng".
Thanh Nguyễn (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.