Dự án chăn nuôi LIFSAP "triệu đô" tan hoang, dân nuôi lợn Thủ đô lâm nợ, thất vọng

Trần Quang Thứ sáu, ngày 22/05/2020 08:43 AM (GMT+7)
Từng được kỳ vọng là giải pháp hoàn hảo cho chăn nuôi nông hộ, nhưng đến giờ Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Dự án LIFSAP) do Ban Quản lý các dự án nông nghiệp đã làm cho các hộ chăn nuôi ở Hà Nội vô cùng thất vọng.
Bình luận 0
Dự án LIFSAP kết thúc, dân nuôi lợn Thủ đô cũng "vỡ mộng" làm giàu - Ảnh 1.

Dự án chăn nuôi LIFSAP có tổng vốn đầu tư lên tới gần 80 triệu USD (khoảng trên 1.800 tỷ đồng), nhưng nhìn cơ sở chuồng trại của gia đình bà Ngô Thị Thu chả khác gì ổ chuột

Chuồng trại dự án triệu đô chả khác gì... ổ chuột

Sau 6 năm kể từ khi dự án LIFSAP được đưa về xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chúng tôi đã trở lại nơi đây. Mọi thứ ở đây đã và đang khiến hàng chục hộ dân nuôi lợn bị thiệt hại nặng vì dịch tả lợn châu Phi chúng tôi thấy mọi thứ ở đây đều vắng lặng lạ thường, chạy xe máy đi khắp làng trên, xóm dưới cũng không còn nghe thấy tiếng lợn réo, kêu inh tai như trước. Gặp người làng hỏi về chuyện nuôi lợn VietGAHP, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu đầy vẻ thất vọng.

Là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào Dự án LIFSAP, nhưng đến giờ gia đình ông Bùi Văn Thuần ở thôn Hạ, xã Hồng Phong cũng không còn lợn. Mang tiếng là trại lợn tham gia dự án chăn nuôi lớn nhưng khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông nom chả khác gì khu ổ chuột. 

Bên cạnh tấm biển hiệu cũ nát mèm đề "Khu vực chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP" là toàn bộ các ô chuồng mái ngói, kèo gỗ, và một số thiết bị, đồ dùng phục vụ chăn nuôi lợn của gia đình ông Thuần đang xuống cấp, xập xệ nghiêm trọng. 

Hôm chúng tôi đến, ông Thuần đang phụ vợ ngồi đan lát đồ thủ công mỹ nghệ (một nghề phụ ở địa phương). "Hết lợn nên chúng tôi phải xoay nghề khác để mưu sinh thôi", ông Thuần ngậm ngùi.

Đầu năm 2012, khi được địa phương vận động và tuyên truyền tham gia vào Dự án LIFSAP sẽ giúp chăn nuôi an toàn, hiệu quả kinh tế cao nên vợ chồng ông Thuần và bà con ở thôn đã nhiệt tình tham gia ngay. "Khi vào dự án chúng tô được hỗ trợ thiết bị, tập huấn chăn nuôi lợn khá nhiều và kết quả cũng gặt hái được một số thành công, nhưng đến giờ thì hết rồi", ông Thuần nói.

Dự án LIFSAP kết thúc, dân nuôi lợn Thủ đô cũng "vỡ mộng" làm giàu - Ảnh 2.

Được đầu tư tới cả gần 80 triệu USD, nhưng chuồng trại chăn nuôi lợn của người dân tham gia dự án LIFSAP xập xệ, nát bươm như thế này.

Thời điểm tháng 5/2019, khi dịch tả lợn châu Phi tấn công một hộ chăn nuôi ngoài dự án ở ngay sát nhà, vợ chồng ông Thuần cũng chủ quan vì nghĩ các chuồng lợn nhà đang trong dự án nên dịch khó có thể tiếp cận được. Nhưng nào ngờ, mấy ngày sau, thấy lợn nái của nhà có dấu hiệu ốm, bỏ ăn, vợ chồng ông Thuần mới tá hỏa, cuống cuồng tìm thuốc chạy chữa cho vật nuôi. 

"Cũng may trước đó, chúng tôi đã bán chạy được hết các con lợn nhỡ nên gia đình cũng đỡ thiệt hại. Còn nhiều hộ trong nhóm GAHP của tôi bị thiệt hại nặng lắm", ông Thuần kể.

Ông Thuần nhẩm tính, trong số 20 hộ thuộc nhóm GAHP thôn Hạ đến giờ còn khoảng 7 hộ vẫn cầm cự trong tình trạng "chết dở, sống dở".

Dù đang rất muốn quay lại tái đàn nuôi lợn nhưng vợ chồng ông Thuần cũng bất lực vì thiếu vốn và điều kiện chăn nuôi. "Chúng tôi đang định tái đàn nhưng giờ tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, giá con giống lại quá cao mà chúng tôi cũng chưa biết bắt dầu từ đâu", ông Thuần bộc bạch.

Thê thảm hơn gia đình ông Thuần, hộ gia đình bà Ngô Thị Dung ở thôn Mới đến giờ mới thực sự "ngấm đòn" đại dịch. Từng là trại nuôi lợn nhiều nhất, nhì ở xã Hồng Phong nhưng sau khi đại dịch quét qua cũng đã tiêu diệt hết đàn lợn của trưởng nhóm GAHP 2.

Sau khi đàn của, tài sản trị giá tiền tỷ bị chôn vùi theo đất, mới đây, chồng bà Dung cũng đột ngột qua đời càng khiến cho gia đình thê thảm hơn. Bố mất, con trai là anh Nguyễn Văn Tính lại lên thay nhận chức trưởng nhóm GAHP 2, nhưng do quá kiệt sức, không có vốn tái đàn, anh Tính lại phải bỏ đi làm thợ xây để kiếm tiền nuôi gia đình.

Ngày 19/5 đến thăm nhà, chúng tôi bắt gặp bà Dung đang thu dọn trong các ô chuồng trắng xóa vôi bột. Thấy có người đến hỏi chuyện lợn, bà Dung lại khóc nức nở. "Toàn bộ tài sản của gia đình đổ vào nuôi lợn VietGAHP nhưng đến giờ dịch tả lợn châu Phi đã cướp đi hết, gia đình tôi thực sự trắng tay rồi".

Dự án LIFSAP kết thúc, dân nuôi lợn Thủ đô cũng "vỡ mộng" làm giàu - Ảnh 3.

Chúng tôi không thể tin chuồng trại nuôi lợn theo Dự án LIFSAP của ông Bùi Văn Thuần ở thôn Hạ, xã Hồng Phong xuống cấp, xập xệ sau khi dịch tả lợn châu Phi quét qua.

Dự án đã mất hút, giải thể?

Dự án án chăn nuôi lợn VietGAHP từng là niềm tự hào của xã Hồng Phong và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi chúng tôi mang vấn đề này ra trao đổi với một số cán bộ, lãnh đạo địa phương trên thì ai cũng lắc đầu bảo: "Không biết rõ" và cáo bận, đẩy trách nhiệm thông tin cho ông Vũ Văn Công- Trưởng ban chăn nuôi và thú y xã Hồng Phong.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Công cho hay: "Thời gian đầu tham gia vào dự án, các hộ được hỗ trợ khá nhiều từ việc tập huấn kiến thức, thiết bị chăn nuôi và tiền mặt để sửa chuồng trại, xây dựng bể biogas để xử lý chất thải... nên bà con cũng rất phấn khởi và yên tâm chăn nuôi.

"Trong số các mô hình, dự án thì LIFSAP được bà con đánh giá cao và hoàn hảo nhất nhưng đến khi dịch tả lợn châu Phi tràn đến thì mọi thứ đã thay đổi, nhiều trại, nhiều hộ đã bị dịch và thiệt hại nặng nề", ông Công nói.

Ông Công cho biết, trong số 80 hộ tham gia chăn nuôi lợn trong Dự án Chăn nuôi cạnh tranh và an toàn thực phẩm (LIFSAP), có gần 20 hộ bị thiệt hại trực tiếp và hàng chục hộ khác bị ảnh hưởng liên lụy đến giờ đã kiệt sức nên phải treo chuồng hoặc chuyển đổi chăn nuôi, có hộ chuyển việc khác để mưu sinh.

Dự án LIFSAP kết thúc, dân nuôi lợn Thủ đô cũng "vỡ mộng" làm giàu - Ảnh 4.

Trại lợn áp dụng quy trình nuôi lợn VietGAHP của gia đình ông Vũ Văn Công là trường hợp hiếm hoi còn sót lại sau dịch tả lợn châu Phi, nhưng chuồng trại thì vô cùng sơ sài.

Theo ông Công, như trong kế hoạch thì Dự án LIFSAP bắt đầu triển khai ở xã từ đầu năm 2012 và tính đến tháng 6/2018 là kết thúc. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi dự án kết thúc, đơn vị cấp trên đã xin gia hạn thực hiện dự án thêm 6 tháng nhưng về sau mọi thứ cũng rơi vào im lặng không rõ lý do.

"Khi đó, thấy các đầu mối của dự án mất hút nên tôi có gọi điện thắc mắc thì được cán bộ cấp trên giải thích là dự án đã giải thể nên không thể tiếp tục triển khai làm thêm. Đến đầu năm 2019, khi các hộ chăn nuôi lợn ở xã bị dịch tả tấn công, chúng tôi cũng chỉ nhận được một vài cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình thôi", ông Công khẳng định.

Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện bởi Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ. Giải pháp này được cho là hoàn hảo cho chăn nuôi quy mô nông hộ ở Việt Nam.

Dự án LIFSAP được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng. Trong năm đầu tiên, dự án sẽ được triển khai thử nghiệm trên địa bàn 4 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sau khi tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại.

Tổng vốn dự kiến của dự án: 79,03 triệu USD. Trong đó: Vốn ODA 1.109,9 tỷ VNĐ, tương đương 65,26 triệu USD. Vốn đối ứng: 57,8 tỷ VNĐ, tương đương 3,4 triệu USD. Vốn khác: 176,29 tỷ VNĐ, tương đương 10,37 triệu USD từ nguồn vốn của tư nhân. Chủ dự án là Ban Quản lý các dự án nông nghiệp.

Tính đến tháng 12/2017, sau 6 năm thực hiện, Dự án LIFSAP Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng là 4 huyện thực hiện áp dụng chăn nuôi Viet GAHP gồm: Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai và Thường Tín, hình thành được 70 nhóm liên kết hợp tác sản xuất chăn nuôi (gọi tắt là nhóm GAHP) với gần 1.400 hộ tham gia.

*Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem