Dự án Phước Kiển: "Nuốt" không trôi Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty con
Dự án Phước Kiển: "Nuốt" không trôi Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty con, sa lầy trong vòng xoáy lợi nhuận sụt giảm
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 01/07/2021 10:30 AM (GMT+7)
Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển được thành lập từ năm 2015, với mục tiêu để thực hiện dự án Phước Kiển và sẽ mang về doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai. Nhưng dự án này dường như là sự bắt đầu cho vòng xoáy lợi nhuận sụt giảm của công ty này.
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố thông tin về việc giải thể công ty con là Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển. Thông tin tại BCTC quý 1/2021, QCG đang sở hữu 80% vốn của Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển (vốn điều lệ 6 tỷ đồng).
Dù được thành lập từ năm 2015, nhưng tính đến năm 2020, Bất động sản Quốc Cường Phước Kiển vẫn chưa ghi nhận hoạt động doanh thu.
Nguyên nhân là vì từ khi bắt tay vào dự án hơn 91,6 ha này, Quốc Cường Gia Lai đã bắt đầu xúc tiến đền bù và lên kế hoạch phát triển trọng điểm, dự kiến mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho QCG (60.000-70.000 tỷ đồng). Năm 2017, dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 4/2017.
Đến tháng 4/2019, Quốc Cường Gia Lai đã nhận được chấp thuận đầu tư hạ tầng (dự án lớn với tổng mức đầu tư 63.000 tỷ đồng, QCG phải ký quỹ 10%, tương ứng với 6.300 tỷ đồng). Nhưng từ khi nhận được chấp thuận đến nay, QCG vẫn chưa thể thực hiện được dự án này.
Liên quan đến dự án này, vào năm 2016, Tập đoàn cho Sunny Island đã bắt tay với Quốc Cường Gia Lai để triển khai dự án bằng một thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó, phía Sunny Island sẽ "rót" cho QCG 50 triệu USD để công ty này có tiền tất toán khoản vay 1.600 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đổi lại, Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng cho Sunny Island 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Bắc Phước Kiển – Nhà Bè. Số tiền 50 triệu đô la mà Sunny Island ứng trước sẽ được cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng trong tương lai.
Theo thỏa thuận giữa 2 bên, đến hết tháng 10/2017, nếu Quốc Cường Gia Lai không giải tỏa mặt bằng xong, không giao được đất sạch ở dự án Bắc Phước Kiển - Nhà Bè thì QCG sẽ phải đền bù 100 triệu USD hoặc giao toàn bộ dự án này cho Sunny Island.
Tuy nhiên, tháng 4/2017, Quốc Cường Gia Lai đã vội vàng thanh lý biên bản thỏa thuận trên với lý do chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và còn phải đàm phán thêm về giá chuyển nhượng. Đáng chú ý, dù đã thanh lý biên bản thỏa thuận nhưng QCG vẫn nhận tiền từ phía Sunny Island.
Cụ thể, đến cuối năm 2017, số tiền mà Quốc Cường Gia Lai nhận từ Sunny Island là 2.882,8 tỷ đồng (tương đương 126,5 triệu USD).
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp đã làm được 5/7 bước tại dự án Phước Kiển, tuy nhiên do các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thủ tục, dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Như vậy, tính đến hiện tại, Sunny Island vẫn đang bị "giam" số tiền 2.883 tỷ đồng tại QCG trong gần 4 năm.
Dù vẫn "giam" tiền của đối tác hơn 2.883 tỷ đồng nhưng hồi đầu năm 2021, Quốc Cường Gia Lai cũng khởi kiện Công ty CP đầu tư Sunny Island tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Hiện tại VIAC đã ra thông báo thụ lý số 1320/VIAC và chưa tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp.
Ngoài dự án 91,6 ha, Quốc Cường Gia Lai gần đây còn bị hủy hợp đồng liên quan đến dự án đất vàng 32ha cũng ở Phước Kiển, do sai phạm của nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và một số lãnh đạo UBND TP.HCM.
Cụ thể, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, thành lập năm 2004, trụ sở đặt tại quận 7. Công ty Tân Thuận này đã bán chỉ định hơn 32ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho QCG với giá 1,29 triệu đồng/m2. Giá này được cho là rẻ bất thường, nếu bán theo thị trường có thể thu cho ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.
Sau khi khu đất đã được bán, ngày 5/12/2017, Văn phòng Thành ủy đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đánh giá lại giá trị khu đất. Kết quả xác định khu đất phần lớn là đất nông nghiệp, chỉ hơn 480m2 là đất ở. Trong trường hợp nhà nước thu hồi đất thì đơn giá bình quân hơn 1,7 triệu đồng/m2, tổng giá trị toàn khu đất hơn 574 tỷ đồng. Theo cách tính này, Công ty Tân Thuận gây thất thoát hơn 150 tỷ đồng.
Thường trực Thành ủy TP sau đó chỉ đạo dừng việc chuyển nhượng, yêu cầu đàm phán lại và báo cáo chi tiết. Sau đó, hợp đồng đã bị hủy bởi lẽ đây là tài sản kinh tế Đảng nhưng tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM không biết việc ký chuyển nhượng vào thời điểm giao dịch.
"Sức khỏe" tài chính của Quốc Cường Gia Lai ngày càng yếu, cổ phiếu lao dốc
Theo BCTC kiểm toán 2020, tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận hơn 10.048 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm xuống mức 7.122 tỷ đồng, chiếm phần lớn là bất động sản dở dang với giá trị 6.242 tỷ đồng (chủ yếu bao gồm các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án…).
Nợ phải trả của QCG ở mức hơn 5.790 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải trả ngắn hạn khác. Trong đó, khoản phải trả lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai đến từ việc nhận tiền của Sunny Island cho Dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn khoản 1.234 tỷ đồng tiền mượn của các bên liên quan như Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, Bất động sản Quốc Cường Thuận An, bà Nguyễn Thị Như Loan, bà Nguyễn Ngọc Huyền My...
Tại thời điểm cuối năm 2020, tiền và các khoản tương đương tiền của QCG là 40,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai là âm 43,3 tỷ đồng.
Sang quý 1/2021, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng gấp 4,3 lần cùng kỳ lên 346,7 tỷ đồng nhờ bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tuy nhiên, trong kỳ Quốc Cường Gia Lai không còn phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn góp như cùng kỳ năm trước (36 tỷ đồng) trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Kết quả, doanh nghiệp này báo lãi giảm tới 36% so với cùng kỳ, xuống 19,4 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm, các dự án trọng điểm ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) lần lượt bị hủy hoặc trì hoãn bởi pháp lý khiến cổ phiếu QCG liên tục lao dốc. Hiện cổ phiếu QCG đang giao dịch ở mức giá dưới mệnh giá, ở mức 7.440 đồng/CP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.