Geleximco và cuộc “dấn thân” vào cảng biển
Mới đây, Tập đoàn Geleximco đã đưa ra đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Bến cảng Cái Mép Hạ lưu thuộc phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Với tổng vốn đầu tư 30.616 tỷ đồng (khoảng 1,32 tỷ USD), Dự án có diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168 ha, trong đó, khu bến cảng 105 ha, khu trung tâm logistics 1.000 ha.
Trước đó, ngày 21/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ.
Hệ thống cảng biển và logistics của Việt Nam cần được đầu tư phát triển bài bản để đáp ứng những mục tiêu mà các chiến lược phát triển kinh tế biển đã đề ra. Ảnh minh họa
Theo đó, đối với Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn Tập đoàn Geleximco về thủ tục đầu tư, thuê đất, giao đất và thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật để sớm triển khai một trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Đối với Dự án Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ, do đây là dự án đã được giao chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu), nên Tập đoàn Geleximco chủ động trao đổi, thỏa thuận với chủ đầu tư để có thể liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác sử dụng hiệu cảng, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Để triển khai dự án này, Tập đoàn Geleximco sẽ liên danh đầu tư cùng Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và logistics tại TP.HCM. Ngoài ra, Geleximco cho biết, còn có nhiều đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics sẵn sàng chung tay đầu tư, hợp tác và ủng hộ để khai thác Dự án hiệu quả nhất.
Đại diện Geleximco cho biết, Dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh, kho khác với quy mô có khả năng thông quan khoảng 3 triệu TEU hàng container mỗi năm (1 TEU bằng một thùng container tiêu chuẩn thể tích 39 m3).
Cụm cảng Cái Mép hiện hữu nhiều năm gần đây liên tục nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo chủ đầu tư, Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Bến cảng Cái Mép là dự án phức hợp, khép kín. Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả của Trung tâm logistics, ngược lại, Trung tâm logistics sẽ hỗ trợ hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan, giảm chi phí xuất nhập khẩu...
Đối thủ xứng tầm cạnh tranh quốc tế
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định, Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Trong đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra là phát triển hệ thống cảng biển, logistics cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện Việt Nam có 44 cảng biển và 263 bến cảng với tổng chiều dài khoảng 89 km. Trong đó, cảng biển nước sâu, cảng cửa ngõ kết hợp với bến cảng trung chuyển quốc tế có thể tiếp nhận tàu 100.000 - 200.000 tấn đã được đầu tư xây dựng tại miền Bắc, miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư tại miền Trung. Với năng lực thông qua khoảng 550 - 570 triệu tấn/năm, hằng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam thông qua đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Như vậy, hệ thống cảng biển và logistics sẽ phải đầu tư phát triển bài bản để đáp ứng được kỳ vọng mà các chiến lược về biển và phát triển kinh tế biển đã đề ra.
Dựa trên quy hoạch phát triển ngành hàng hải, thời gian tới, 3 cảng cửa ngõ chính của quốc gia sẽ được hình thành, gồm: Cảng quốc tế Hải Phòng gắn liền với trục phát triển Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); Cảng quốc tế Đà Nẵng gắn với trục phát triển Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - Savanakhet (Lào); Cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu gắn với trục Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh - Phnom Penh (Campuchia). Khi hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, dịch vụ hỗ trợ được phát triển đồng bộ, các cảng biển trên sẽ trở thành những cửa ngõ chính, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và vị thế của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), định hướng của ngành hàng hải là tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược biển theo từng khu vực. Với miền Nam, các hạ tầng hỗ trợ khai thác cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM bao gồm trung tâm logistics Cái Mép hạ, các cảng cạn tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh sẽ được chú trọng đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với cảng biển Vũng Tàu, trong đó có đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường liên cảng, cầu Phước An và tuyến luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu container trọng tải 18.000 TEU.
Theo dự báo tại Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam có nhu cầu thông qua hàng hóa bằng đường biển khoảng 640 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 1,1 tỷ tấn.
Trên cơ sở đó, nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ước tính khoảng 80.000 - 100.000 tỷ đồng. Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến chiếm 30 - 40%, còn lại là nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân trong và ngoài nước
Hiện Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đều mong muốn huy động vốn xã hội hóa, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoại đầu tư hạ tầng cảng biển theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, hầu hết các cảng biển đều chưa có tư nhân tham gia, ngoại trừ một số cảng do doanh nghiệp tư nhân làm chủ như Cảng Chu Lai của Thaco...
Do đó, sự tham gia của các “ông lớn” tư nhân vào lĩnh vực này được cho là tín hiệu rất tốt với ngành logistics. Ngoài việc phát triển theo đúng chiến lược quy hoạch, “miếng bánh” thị trường logistics ngày càng phình to gắn với tốc độ phát triển của dòng hàng hóa tiêu dùng luân chuyển nhanh và thương mại điện tử toàn cầu cũng là lý do để các nhà đầu tư tư nhân mạnh tay bơm vốn.
Ngoài ra, các công ty logistics đang hoạt động cũng giảm bớt lo lắng về việc khai thông luồng lạch tại một số cảng biển hiện nay. Bởi việc luồng hàng hải không đạt độ sâu so với chuẩn thiết kế khiến doanh nghiệp gặp khó trong vận chuyển.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là được sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp trong nước như Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hoá xuất nhập khẩu cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistics của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiến xa hơn là của cả nước và khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.