Để đảm bảo giá cả tiêu thụ cho người dân, chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại hướng đến đảm bảo tiêu thụ vải thiều ổn định.
Những ngày này vải thiều ở tỉnh Bắc Giang đang vào chính vụ, chín rộ. Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, vùng vải nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm nay, do rét đậm, rét hại kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả cùng với việc nhiều diện tích vải chính vụ ra lộc nên dự kiến sản lượng thấp hơn năm trước. Tuy vậy, chất lượng quả vải được nâng lên bởi quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được nhân rộng.
Tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang (Ảnh: Internet)
Ông Báo cho hay, năm 2016, diện tích vải thiều Lục Ngạn là 16.293 ha, dự kiến ước khoảng 70.000 - 75.000 tấn, giảm hơn năm 2015 gần 50.000 tấn. Các cơ quan chuyên môn của phòng nông nghiệp tổ chức tập huấn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức bản tỉnh tại thôn bản để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao chất lượng quả. Chất lượng vải thiều tăng lên vì diện tích vải thiều VietGap 15.500 ha, tăng trên 1.000 ha vải thiều VietGap so với năm ngoái.
Nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân và người dân tiêu thụ vải thiều, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, bến đỗ, điểm thu mua… Vào mùa, toàn tỉnh có khoảng 3.000 điểm chuẩn bị thu mua với hơn 1.500 thương nhân tham gia.
Bên cạnh đó, lực lượng công an tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho thương nhân nước ngoài tham gia tiêu thụ vải thiều. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chống ép giá, ép cân, tiêu thụ tiền giả.
Để bảo đảm nguồn cung chất lượng, một số doanh nghiệp đã chủ động ký kết hợp đồng thu mua vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các hộ sản xuất, hợp tác xã. Do vậy, vải thiều không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước, được doanh nghiệp chú trọng thu mua.
Dự báo năm nay vải thiều sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60% (chủ yếu là vải tươi), tập trung tại các đô thị lớn như: thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; xuất khẩu khoảng 40%.
Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, Bắc Giang phối hợp Bộ Công thương và một số tỉnh tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tổ chức các chương trình kết nối sản xuất tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản cho bà con nông dân đã và đang được tỉnh Bắc Giang chú trọng, đây là cách làm thiết thực nhằm từng bước giúp nông dân phát triển mô hình kinh tế điểm tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Thu Hằng (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.