Dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024: Ai cũng cầu mong vào tác phẩm này
Dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024: Ai cũng cầu mong vào tác phẩm này
Tào Nga
Thứ ba, ngày 25/06/2024 10:31 AM (GMT+7)
Càng đến gần ngày thi tốt nghiệp THPT, càng nhiều thí sinh dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024, trong đó, nhiều thí sinh cầu mong đề thi sẽ vào tác phẩm quen thuộc.
Chỉ còn 2 ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức bắt đầu. Cũng như năm 2023, môn Ngữ văn là môn thi đầu tiên trong 9 môn và cũng là duy nhất theo hình thức tự luận. Trước ngày thi, nhiều thí sinh đã đưa ra dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024 vào bài gì.
Theo đó, nhiều tác phẩm, thể loại đã được nêu tên để dự đoán. Cụ thể, một tài khoản cho biết: "Năm nay chắc chắn là tác phẩm thơ". Trong khi đó, một dự đoán khác được đưa ra với hình ảnh của ca sĩ Đen Vâu mới đăng tải mới đây. Từ hình ảnh và tên bài của nam ca sĩ này, người này cho rằng, dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024 sẽ vào bài Đồng chí và Chiếc thuyền ngoài xa.
Tuy nhiên, có một tác phẩm được thí sinh nhắc tên nhiều nhất là Đất nước. Theo một bình chọn trên mạng xã hội cho thấy, nhiều thí sinh mong muốn và dự đoán đề thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ vào bài Đất nước (với tỉ lệ bình chọn cao nhất 41%). Rất nhiều dự đoán khác cũng vào bài Đất nước.
Một thành viên cũng mạnh dạn nêu ý kiến: "Dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024 chắc chắn sẽ vào 1 trong số các tác phẩm sau:
* Thể loại thơ ca
- Tây Tiến (Quang Dũng)
- Việt Bắc (Tố Hữu)
- Sóng (Xuân Quỳnh)
- Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).
* Thể loại văn xuôi
- Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
- Vợ nhặt (Kim Lân)
- Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)
- Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
- Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).
Như vậy, thí sinh học thật kỹ, xuyên đêm 3 bài này:
- Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
- Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).
- Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)".
Một tài khoản khác đưa ra dự đoán 10 vấn đề nghị luận xã hội có thể xuất hiện trong đề Văn thi tốt nghiệp năm nay như sau:
1. Tính tự chủ trong cuộc sống con người.
2. Thái độ tích cực trước những khó khăn trong cuộc sống.
3. Tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu đối với con người trong cuộc sống.
4. Ý nghĩa của sự thấu hiểu/sẻ chia trong cuộc sống.
5. Ý nghĩa của việc biết tạo ra cơ hội cho bản thân đối với mỗi người trong cuộc sống.
6. Hạnh phúc: Là đem đến niềm vui cho người khác? Hay chính là sự hài lòng của riêng bản thân mình?
7. Vai trò của quê hương trong cuộc đời mỗi con người.
8. Suy nghĩ về điều bản thân cần làm để tuổi trẻ có ý nghĩa.
9. Sự cần thiết của việc trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành.
10. Ý nghĩa sự phấn đấu không ngừng của con người trong cuộc sống.
Không chỉ dự đoán trên mạng, trước ngày thi tốt nghiệp THPT, một số học sinh, phụ huynh còn tìm đến những hoạt động tâm linh để mong nhận được thông điệp may mắn, tốt lành. Có em cho biết, ngay từ đầu tháng đã lên YouTube để xem các tarot reader trải bài tarot về chủ đề thi cử để "chọn một tụ" rồi xem phân tích để lấy động lực đi thi.
Ngoài việc xem tarot, có em còn lưu các đoạn nhạc trên TikTok hoặc hình ảnh được cho là may mắn để cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân. Thậm chí, có thí sinh còn theo mẹ đi quãng đường gần 60km đến nhà thầy bói, nhờ thầy dự đoán tình hình thi cử.
Có nên nghe theo dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024?
Chia sẻ về việc thí sinh dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM, nêu lý do: "Thí sinh hay dự đoán đề thi tốt nghiệp Ngữ văn 2024 một số nguyên nhân như giải trí, giảm căng thẳng trước kỳ thi. Nếu đoán trúng thì cũng có cái để "lên mặt" với bạn bè cho vui, tin vô lối với những trào lưu trên mạng xã hội; có chuyện học tủ bằng niềm tin...
Tuy nhiên, việc học lệch, học tủ sẽ gây hệ lụy cho bản thân vì các em không làm được bài; chỉ làm được một phần; đánh mất cơ hội xét tuyển vào đại học với những ngành có tổ hợp môn Ngữ văn. Hơn nữa, việc học tủ được thể hiện tường minh trên mạng xã hội sẽ kéo theo nhiều người học tủ".
Do vậy, thầy Hoài tư vấn, trước ngày thi, học sinh cần nghỉ ngơi, giải trí, chơi thể thao... Việc học đã kéo dài cả năm rất căng thẳng, nên thời gian này cố học nhồi nhét cũng không hiệu quả nhiều.
Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội cũng bày tỏ không quá bất ngờ, bởi sự lo lắng trước một kỳ thi quan trọng là điều không thể tránh khỏi với cha mẹ và học sinh.
"Có lẽ vì chưa tự tin, còn lo lắng và mong muốn con đạt kết quả tốt, phụ huynh và các em mới nảy sinh suy nghĩ và hành động đoán mò đề hoặc có suy nghĩ tâm linh xem bói", cô Thu nhận định.
Tuy nhiên, theo cô Thu, việc xem bói và tin vào bói toán có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người xem. Đó là chưa kể tới việc hao tốn tiền bạc, công sức, tâm trí, thời gian vào những điều vô ích gây lo lắng, tinh thần bất ổn, nảy sinh tâm lý hoang mang và lo sợ hơn. Điều đó cực kỳ tệ hại trong giai đoạn nước rút này.
Ngược lại, với những phụ huynh và học sinh được "tiên tri kết quả" rất tốt, lúc này, tâm lý chủ quan sẽ hình thành, các em thậm chí tin tưởng tuyệt đối lời bói toán mà lơ là học tập, dẫn đến kết quả không như ý muốn.
"Vẫn biết "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nhưng phụ huynh và học sinh đừng lạm dụng, coi nó như một tấm lá chắn trước cánh cổng tốt nghiệp và đại học. Ở giai đoạn cuối này, thay vì mất tiền, mất thời gian vào việc bói toán, kiêng kỵ, các em cần tập trung vào ôn bài, giữ sức khỏe, giữ tinh thần và ổn định phong độ.
Các bậc phụ huynh cũng cần động viên tinh thần của các con để có một kỳ thi thắng lợi, đồng thời hướng các con đến điều hay, lẽ phải, biết phân biệt đâu là niềm tin tốt - xấu. Nếu không có kế hoạch học tập, ôn thi một cách nghiêm túc, không có tiên tri, kiêng kỵ nào có thể mang lại kết quả tốt được", cô Thu nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.