Thanh Tùng - Thanh Hà
Thứ hai, ngày 12/09/2022 11:17 AM (GMT+7)
Nhiều năm gần đây, du học Hàn Quốc là ước mơ và lựa chọn của nhiều bạn trẻ trong hành trình thay đổi tương lai. Thế nhưng, "giấc mộng" ấy lại không mang màu hồng như nhiều người lầm tưởng...
Những năm gần đây, trào lưu du học Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Không ít người quyết định đi du học Hàn Quốc chỉ vì nhìn thấy bạn bè đi du học, hay đơn giản muốn đi du học để kiếm tiền.
Được hỏi về lý do tại sao chọn Hàn Quốc là quốc gia để du học, Anh Tuấn (du học sinh tiếng Hàn tại Hàn Quốc) chia sẻ: "Em quyết định đi du học Hàn Quốc vì nghe mọi người xung quay nói rằng, đi Hàn Quốc sẽ kiếm được rất nhiều tiền nhờ vào đi làm thêm và có khả năng đổi đời, có khi một tháng đi làm thêm tại Hàn, bằng cả năm em làm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có những ngày em phải làm việc từ 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Những ngày nghỉ em còn làm việc nhiều hơn, nhưng nghĩ về số tiền mình nhận được, em lại cố gắng đi làm. Cuộc sống của em chỉ xoay quay việc đi làm, đi học và ngủ".
Trước câu hỏi làm việc nhiều như vậy có đảm bảo sức khỏe cũng như thời gian học hay không, Tuấn chia sẻ: "Lương một giờ làm thêm khoảng 180.000 đồng, nếu đi làm "đúng luật" một tháng được 15-17 triệu đồng. Trong khi đó, học phí học tiếng Hàn một tháng khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, phí sinh hoạt hàng tháng rơi vào khoảng 15 triệu đồng. Đó là dành cho những người có mức sinh hoạt tiết kiệm, nếu như muốn mua sắm thì cần phải tiêu tốn nhiều hơn. Để đảm bảo chi tiêu hàng ngày và nộp học phí, du học sinh thường chọn cách làm thêm quá giờ quy định".
Theo Tuấn, là du học sinh, nếu như không có học bổng, gia đình không khá giả hay không được nhận trợ cấp từ tổ chức nào, thì hầu hết các du học sinh phải đi làm thêm, thậm chí là làm các công việc chân tay, nặng nhọc từ 12 – 15 tiếng một ngày.
Tuấn chia sẻ, có nhiều lúc em muốn buông xuôi, muốn về nước ngay, nhưng nghĩ đến việc xấu hổ với hàng xóm, về Việt Nam cũng không biết làm gì, không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ nên em đành cố gắng.
Đó là những bạn đang cố cầm cự để duy trì việc vừa học vừa làm. Bên cạnh đó còn có những bạn buông xuôi và chọn bỏ học, trốn ra ngoài làm. Thanh Tùng (21 tuổi, quê Thanh Hóa) là một trong số đó. Tùng tâm sự, anh làm việc từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau tại một nhà máy ở Busan, Hàn Quốc. Học hết THPT, nhận thấy khả năng không đỗ đại học, Tùng thuyết phục gia đình cho sang Hàn để vừa học vừa làm.
Thông qua trung tâm tư vấn du học, Tùng mất ba tháng học tiếng Hàn và nhờ bố mẹ lo liệu khoảng 300 triệu đồng để đến Hàn Quốc vào giữa năm 2019. Sau khi ở Hàn được 2 năm, Tùng đã quyết định bỏ trốn ra ngoài làm thêm. Mặc dù gia đình không phải dạng khó khăn, nhưng Tùng vẫn muốn ở lại 5 – 7 năm, kiếm vốn để về nhà làm ăn.
Từ khi bỏ trốn, cuộc sống của Tùng không khổ lắm nhưng rất cô đơn. Người ta thoải mái đi chơi, đi học, gặp gỡ bạn bè, còn Tùng chỉ có đi làm và ngủ. Cách giải tỏa duy nhất của Tùng là nhậu.
Việt Hoàng (20 tuổi), bạn của Tùng là du học sinh đang học tiếng Hàn Quốc cho biết, du học sinh sau khi bỏ trốn, thường làm việc trong các quán ăn, quán cà phê hoặc nhà xưởng, khu công nghiệp. Nếu bị cảnh sát phát hiện những người này làm chui, chủ thường không báo cảnh sát mà gây sức ép, cắt giảm một số quyền lợi như lương, thưởng, tăng giờ làm... Vì không còn giấy tờ tùy thân và không còn được pháp luật bảo vệ, người làm không thể phản kháng. Nếu bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ ngẫu nhiên khi đang đi trên đường hoặc bị tố giác, du học sinh sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Đồng thời, những lúc đau ốm, hay những lúc đi bệnh viện, không có giấy tờ, du học sinh bỏ trốn sẽ không nhận được bất cứ quyền lợi gì.
Dù biết những bất lợi và có những nguy cơ nhưng vì mức thu nhập hấp dẫn, nhiều người lựa chọn con đường bỏ trốn. Hiện, thu nhập một tháng của Tùng khoảng 60-100 triệu đồng, cao hơn du học sinh vừa học vừa làm 2-3 lần. Tùng chấp nhận việc sống trong nơm nớp lo sợ sẽ bị cảnh sát "sờ gáy" vì với trình độ chỉ tốt nghiệp THPT, ở Việt Nam Tùng không thể kiếm được số tiền đó trong một tháng.
Theo thống kê của Cục hợp tác quốc tế, hiện có khoảng 14.000 du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc và 800 lưu học sinh Hàn Quốc tại Việt Nam. Số lượng này thực tế có thể cao hơn nhiều lần. Lượng du học sinh Việt Nam tăng qua các năm cho thấy nền giáo dục Hàn Quốc ngày càng có sức hút.
Giải thích cho việc vì sao không lựa chọn đi xuất khẩu lao động, Hoàng, Tùng cũng như nhiều du học sinh khác cho rằng, cách đó khó đi hơn rất nhiều. Tuyển lao động xuất khẩu có nhiều quy định cũng như kỳ thi khó hơn, chỉ tiêu cho xuất khẩu cũng hạn chế và đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất định.
Những rủi ro có thể gặp
Chia sẻ với Dân Việt về thực trạng du học Hàn Quốc hiện nay, bà Nguyễn Thảo - Giám đốc Viện Giáo dục toàn cầu Eduline cho biết, hiện nay tại Hàn Quốc, sinh viên chỉ được phép đi làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong kỳ học. Vào ngày nghỉ, lễ tết, nghỉ giữa kỳ học thì không quy định giờ làm thêm. Mục đích của việc này nhằm đảm bảo chất lượng việc học cho sinh viên. Những sinh viên có thể cân bằng được việc đi làm và học tập vẫn hoàn thành tốt chương trình học tại trường.
Tuy nhiên đối với những trường hợp sang Hàn Quốc vì mục đích kinh tế, du học sinh phải chịu áp lực tài chính rất lớn vì chi trả toàn bộ chi phí du học của mình. Thậm chí có những trường hợp trước khi đi bố mẹ phải vay mượn để cho con đi du học nên các em phải trả cả khoản nợ cho bố mẹ cũng như trang trải học phí và sinh hoạt phí.
Hậu quả là các em bị cuốn vào công việc và không tham gia học tập đầy đủ, kết quả học tập sa sút, điểm kém phải học lại, lựa chọn phương án chuyển qua một trường có sự quản lý lỏng lẻo hơn hoặc trốn ra cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên hiện nay tất cả đều phải báo cáo số giờ làm thêm nên các du học sinh Việt Nam cũng gặp các rủi ro nếu bị phát hiện sẽ bị phạt, trục xuất về nước, kể cả chủ lao động vẫn bị phạt nên chủ lao động Hàn sẽ hạn chế thuê du học sinh làm quá giờ quy định.
Từ thực tế đó, bà Thảo mong muốn có những giải pháp phù hợp để có thể vừa hỗ trợ được học sinh trong quá trình làm hồ sơ cũng như học tập tại Hàn Quốc. Cụ thể, về phía Chính phủ Hàn Quốc có thể thực hiện một số giải pháp như tiến hành trực tuyến hóa một số quy trình, thủ tục để giảm bớt thời gian, chi phí cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, cần cường truy quét người cư trú bất hợp pháp, tăng chế tài phạt với những chủ cơ sở nhận người lao động bất hợp pháp.
Về phía Việt Nam, đại diện Viện Giáo dục toàn cầu Eduline cho rằng: "Ý thức vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, các tổ chức giáo dục Việt Nam cần tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lao động về nước đúng hạn, từng bước nâng cao ý thức của người lao động, nhằm xây dựng hình ảnh con người Việt Nam đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, không vì lợi ích mưu sinh cá nhân mà ảnh hưởng đến cả một địa phương, một đất nước.
Các trung tâm cũng cần minh bạch, không tiếp tay, bao bọc những trường hợp có ý định bỏ trốn. Đồng thời, mỗi học sinh, sinh viên du học Hàn Quốc nên hiểu rõ việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp sẽ không mang lại tương lai tốt đẹp, thậm chí là phải đối mặt với những rủi ro rất lớn cho thế hệ này và thế hệ mai sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.