Sốc văn hóa, rào cản ngôn ngữ, khả năng tự lập kém, ít vốn sống... là những lý do khiến phụ huynh lo ngại về việc cho con đi du học khi con còn nhỏ tuổi.
Chị M.T (Hà Nội) chia sẻ rằng một số bạn bè của chị đều cho con đi học nước ngoài từ bậc phổ thông.
Trái với kỳ vọng của phụ huynh rằng các con sẽ sớm hòa nhập, học tiếng Anh tốt và giành được học bổng ở những bậc học tiếp theo, thì các con có cuộc sống khó khăn nơi xứ người khi không hòa nhập được với môi trường do kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng sống còn hạn chế, có con gặp vấn đề về tâm lý và sức khỏe không ổn định.
"Theo tôi, khi con còn "non", cho con đi du học cũng không tốt. Ở tuổi học sinh, kỹ năng sống của các con còn rất non nớt, khả năng tự lập hạn chế, lại đang trong giai đoạn khủng hoảng của sự phát triển nên rất khó để các con có thể sống và học tập xa bố mẹ.
Tất nhiên, tâm lý mỗi trẻ mỗi khác, có trẻ mạnh dạn, có trẻ nhút nhát, nhưng nhìn chung nếu phải sống trong một môi trường lạ và không hòa nhập được, các con thường hay cô đơn", chị T nhận định.
Đồng quan điểm với chị T, chị Thư Mai (Hà Nội) có con trai đang đi du học bậc đại học tại Anh bày tỏ, xu hướng cho con đi du học khi đang học cấp 3 hoặc sớm hơn ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, quan điểm của chị Mai là nói không với cho con du học sớm, bởi một số hậu quả tiềm ẩn.
"Độ tuổi từ cấp 3 trở xuống, theo tôi, không nên cho du học. Đó là độ tuổi có nhiều vấn đề về tâm sinh lý.
Các bạn trở về hòa nhập khó khăn, kỷ niệm thời trung học tươi đẹp thì bên "trời Tây" xa vời. Thời điểm các cháu tiếp thu văn hóa mạnh nhất, thì cái tiếp thu được là văn hóa phương Tây, trong khi văn hóa Việt Nam thì mất gốc.
Nên nếu chưa chuẩn bị thật tốt hành trang cho con đi du học, các bậc phụ huynh đừng vội nhận định hay ép buộc con mình đi theo lựa chọn của con người ta", chị Mai bày tỏ.
Dưới góc độ của du học sinh, T.V cho biết cảm thấy áp lực từ chính cha mẹ và người thân, nên không dám tâm sự dù gặp rất nhiều khó khăn khi du học ở tuổi 16.
T.V kể, thời điểm mới sang cơ thể chưa thể thích ứng với mùa đông nhiệt độ khoảng âm 15 độ C, nên sốc nhiệt nằm giường cả tuần.
T.V đã rất chật vật bởi tình trạng "4 không" của bản thân: không tiền, không người thân, không có phương tiện di chuyển, không có wifi. T.V không thể liên lạc với ai để nhờ giúp đỡ mà chỉ có thể tự mình đối mặt với khó khăn.
"Thời điểm đó, mình nghĩ dại dột khá nhiều lần nhưng điều duy nhất làm mình tự vực dậy được đó là mình cảm thấy không cam tâm", T.V hồi tưởng lại.
Nên cho con du học khi con trên 18 tuổi
Cho con đi du học thì có rất nhiều lợi ích vì con được giao lưu mở rộng kiến thức nhưng theo ý kiến cá nhân của chị Nga Đoàn (Đà Nẵng), các gia đình nên cân nhắc về độ tuổi tâm sinh lý thích hợp:
"Du học sau lớp 9 có lợi thế là con trẻ có thể nắm bắt nhanh ngôn ngữ bản xứ, làm quen dần với môi trường và tiếp cận phương pháp học tiên tiến, thuận lợi khi vào đại học.
Tuy nhiên, độ tuổi này chưa thực sự trưởng thành, chưa đủ bản lĩnh cho cuộc sống tự lập. Du học sau lớp 12, con trẻ đã trưởng thành, nền tảng văn hóa dân tộc vững vàng hơn, thuận lợi trong cuộc sống tự lập.
Đây cũng là lý do mà gia đình tôi tạo điều kiện cho con tới Mỹ học tập", chị Nga nói.
Ông Nguyễn Thi, chuyên gia tư vấn cho một công ty du học tại TPHCM cho biết: "Nhiều gia đình cho 16-17 tuổi đi du học nhưng vẫn gặp phải tình trạng không bắt nhịp được cuộc sống mới".
Ông Thi cho biết, nhiều học sinh du học sau lớp 9, tỏ ra tiếc nuối, thậm chí giận ba mẹ vì cho du học sớm.
Không những thế, một số gia đình còn gặp khó khăn trong việc giao tiếp và quản lý con do khoảng cách địa lý và xa cách tình cảm.
Để du học đạt hiệu quả cao nhất, các gia đình nên cho con đi du học khi con đã trưởng thành (trên 18 tuổi). Ở độ tuổi này, con đã có thể tự lo cho bản thân và biết hoạch định mục tiêu cho bản thân".
Tuy nhiên, ông Thi cũng lưu ý rằng, việc xác định thời điểm du học thích hợp cho các bạn trẻ vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ ở tuổi tác.
Cách tốt nhất là trước khi du học, con và bố mẹ cần có khoảng một năm để chuẩn bị về ngoại ngữ, tâm lý, sức khỏe. Đặc biệt phụ huynh cần xác định rõ ràng khả năng học tập và tự lập của con để có thể tự sinh sống tại nước ngoài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.