Du học sinh Việt bật mí cách chi tiêu ở đất nước thuộc top đắt đỏ nhất thế giới

Thứ bảy, ngày 26/03/2022 11:13 AM (GMT+7)
Với kinh nghiệm du học Anh hơn nửa năm, Trung Sơn, sinh viên trường Manchester Metropolitan, đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về chi tiêu khi du học tại Anh.
Bình luận 0

Khi nói đến du học Anh, nhiều người cho rằng đây là một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới nên chỉ những người có điều kiện mới theo được. Tuy nhiên, Trung Sơn, sinh viên năm nhất ngành Quản trị kinh doanh thể thao, trường Manchester Metropolitan, thành phố Manchester, Anh, cho biết chi phí du học tại nước này không quá đắt đỏ như nhiều người nghĩ.

Bằng chính những trải nghiệm của mình, Trung Sơn đã chia sẻ cách chi tiêu khi đi du học.

Chi tiêu tiết kiệm

Trung Sơn cho biết điều kiện để được cấp visa du học là phải chứng minh tài chính. Du học sinh phải đảm bảo có đủ 1.023 bảng Anh mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt, tức 9.207 bảng cho một năm học (9 tháng), tương đương khoảng 285 triệu đồng. Học ở London, du học sinh phải đảm bảo có đủ 1.330 bảng mỗi tháng. Sơn đã chứng minh được mức chi tiêu của mình thấp hơn so với mức tài chính yêu cầu.

Du học sinh Việt bật mí cách chi tiêu ở đất nước thuộc top đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh 1.

Ngày Sơn lên đường du học. Ảnh: NVCC.

Theo đó, Sơn phân loại các khoản chi phí sinh hoạt thành 3 nhóm chính: chi phí bắt buộc; chi phí ăn uống; chi phí mua sắm, di chuyển và tận hưởng.

Chi phí bắt buộc bao gồm tiền nhà, giặt đồ, điện thoại là những khoản chi cố định hàng tháng và khó thay đổi. Vì thế, để tiết kiệm tiền nhà, Sơn chọn ở ký túc xá với mức 460 bảng mỗi tháng (rẻ hơn so với mức 550-650 bảng nếu thuê nhà bên ngoài). Như vậy mỗi tháng Sơn tốn khoảng 486 bảng cho những chi phí cố định.

Về chi phí ăn uống, để tiết kiệm, Sơn chọn đi chợ mua đồ về nấu thay vì ăn hàng quán. Chi phí mua thực phẩm rơi vào 115 bảng mỗi tháng, tính ra mỗi ngày chỉ hết 1,3 bảng, đây là mức chi phí chấp nhận được. Sơn bày tỏ siêu thị ở Anh có những đồ rẻ hơn hoặc bằng Việt Nam như thịt, sữa, trứng, trái cây.

Cuối cùng, Sơn gộp chi phí mua sắm, di chuyển và tận hưởng vào một nhóm vì khoản này phụ thuộc vào thói quen, sở thích và điều kiện tài chính của mỗi người. Trung bình mỗi tháng Sơn chi từ 20-30 bảng cho những món đồ thiết yếu.

Về di chuyển, Sơn chọn những phương tiện như tàu điện, xe điện, bus và đi bộ. Nếu một tháng không đi liên thành phố, chi phí chỉ rơi vào khoảng 20-30 bảng. Chi phí tận hưởng là khoản không được coi thiết yếu nên nhiều người thường bỏ qua. Tuy nhiên, với Sơn việc tận hưởng là cách cân bằng giữa học tập, làm việc và cuộc sống. Mỗi tháng cậu dành ra khoảng 20-30 bảng để đi chơi, ăn uống với bạn bè, chơi thể thao.

Du học sinh Việt bật mí cách chi tiêu ở đất nước thuộc top đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh 2.

Sơn trải nghiệm mùa tuyết ở Anh. Ảnh: NVCC.

Sau khi cộng lại tất cả các khoản chi thì phí sinh hoạt trung bình ở Anh, mỗi tháng của Sơn rơi vào khoảng 700 bảng. Đây là mức chi phí khá hợp lý khi đi du học và cũng thấp hơn nhiều so với mức chứng minh tài chính ban đầu.

Ngoài ra, nếu du học sinh đi làm thêm thì có thể trang trải đến 80% chi phí sinh hoạt. Sơn được cấp học bổng khi du học nhưng không đáng kể, nam sinh đang làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt.

"Mình biết du học cần tiền, đó là điều không thể chối cãi, nhưng chúng ta cũng đừng quá ám ảnh rằng du học Anh là đắt đỏ nhất, nếu chi tiêu hợp lý thì cũng như những đất nước du học khác thôi", Sơn kết luận.

Việc chi tiêu tiết kiệm khi du học được Sơn đúc rút từ kinh nghiệm của chính bản thân. Theo cậu một nguyên tắc cơ bản là mức chi không bao giờ được vượt quá mức thu.

Du học là hành trình trưởng thành

Rẽ ngang sang hướng du học, Sơn cho biết đây là cơ hội để cậu bước ra khỏi vùng an toàn, rời xa vòng tay bao bọc của gia đình. Một mình học tập ở đất nước xa lạ, Sơn buộc phải độc lập hơn, biết cách sử dụng những nguồn tài nguyên như tiền, sức khỏe, thời gian một cách hợp lý. Việc du học Anh đã cho du học sinh những cơ hội và trải nghiệm độc nhất, và đây chính là hành trình đi để trưởng thành.

Sơn cho biết cậu chọn du học Anh do đặc thù ngành học về thể thao, là cái nôi của bóng đá. Tại đây, cậu có cơ hội đến những sân vận động lớn, tận mắt xem những đội bóng đá hàng đầu thế giới thi đấu trong bầu không khí cuồng nhiệt.

Du học sinh Việt bật mí cách chi tiêu ở đất nước thuộc top đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh 3.

Sơn đi xem bóng đá ở Manchester.

Trải qua thời gian du học, Sơn cũng nghiệm ra một một điều rằng: "Có thật nhiều thời gian để nhận ra rằng chúng ta không có nhiều thời gian đến vậy". Thời gian học trên trường của Sơn rất ít, chủ yếu là tự học. Một ngày ngoại trừ thời gian ăn, ngủ thì còn lại 12-14 tiếng nên chọn làm gì trong khoảng thời gian này là điều rất quan trọng.

Khi mới sang Anh, dù rất tự tin vào vốn ngoại ngữ của mình, song Sơn vẫn mất một khoảng thời gian đầu để thích nghi vì người bản xứ dùng nhiều từ địa phương và tiếng lóng. Việc cân bằng giữa đi làm, đi học và cuộc sống cũng là một thử thách.

Đối với những người đang có ý định du học, Sơn khuyên các bạn nên có sự chuẩn bị chu đáo từ thành tích học tập, điều kiện tài chính, tìm hiểu về đất nước mà bạn dự định tới.

"Mình xem du học như một khoản đầu tư của gia đình vì không chỉ bỏ rất nhiều tiền mà còn là thời gian và rất nhiều công sức. Khi ý thức được mục tiêu và nỗ lực hết mình thì chuyến du học sẽ trở nên rất đáng nhớ và ý nghĩa", Sơn chia sẻ.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại



Hằng Nga (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem