Tiết lộ nghề có mức lương cao nhất thế giới: "Ngoài đam mê, kiên trì, cần giỏi và... rất giàu"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 27/07/2024 06:05 AM (GMT+7)
Trải qua 4 giai đoạn trong khoảng 11-15 năm, tổng chi phí lên tới 22,7 tỷ đồng, bạn đã có thể hành nghề bác sĩ ở Mỹ - một nghề có mức lương cao nhất thế giới.
Bình luận 0

Chị Võ Thị Hải Châu, từng là bác sĩ ở Việt Nam đã sang Mỹ sinh sống 3 năm và hiện là đồng sáng lập Tri Academy. Chị Hải Châu chính là vợ của GS Đỗ Đình Thuấn, giáo sư bậc 1 tại Đại học Mount Union, bang Ohio, giảng viên người Việt trở thành giáo sư tại Mỹ sau 1,5 năm. 

Tiêu chí gắt gao của trường Y top đầu Mỹ

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Hải Châu cho biết: "Chỉ tầm 1/4 các trường đại học Y ở Mỹ có tuyển du học sinh nhưng chỉ tiêu rất hạn chế cho sinh viên nước ngoài muốn theo học. 

Ví dụ như Johns Hopkins University School of Medicine xếp hạng top 2 trong bảng xếp hạng các trường Y khoa của Mỹ, nổi tiếng với quy trình tuyển sinh cực kỳ cạnh tranh. Trường chỉ nhận khoảng 120 sinh viên mỗi năm, trong đó số lượng sinh viên quốc tế thường rất hạn chế, chỉ khoảng 1-2 người. Tỉ lệ cạnh tranh để vào là khoảng 2-4%, với khoảng 5.000 đơn đăng ký mỗi năm, nghĩa là chỉ có 1 trong 40 ứng viên được chấp nhận. 

Du học trở thành bác sĩ ở Mỹ: Ngoài đam mê, kiên trì, cần giỏi và... rất giàu- Ảnh 1.

Chị Võ Thị Hải Châu, vợ GS Đỗ Đình Thuấn - giảng viên người Việt trở thành giáo sư tại Mỹ sau 1,5 năm. Ảnh: NVCC

Đối với sinh viên quốc tế, tỉ lệ này còn thấp hơn do số lượng chỗ rất hạn chế. Để được nhận, sinh viên quốc tế cần có thành tích học tập xuất sắc GPA trung bình 3.94/4, điểm MCAT trung bình 521, cùng với kinh nghiệm nghiên cứu và lâm sàng đáng kể và các thư giới thiệu mạnh mẽ. Học phí tầm 77.000 USD (gần 2 tỷ đồng) mỗi năm, với tổng chi phí lên đến 107.000 USD (2,7 tỷ đồng). Trường có mối quan hệ chặt chẽ với Bệnh viện Johns Hopkins, một trong những bệnh viện hàng đầu thế giới, mang lại cơ hội thực hành lâm sàng chất lượng cao. Tuy nhiên, chi phí học tập cao và tỉ lệ cạnh tranh khốc liệt là những nhược điểm đáng lưu ý. 

University of Louisville School of Medicine xếp hạng 85, có quy trình tuyển sinh ít cạnh tranh hơn, điểm trung bình các sinh viên được nhận vào GPA 3.68/4 , MCAT 506. Trường nhận khoảng 150-160 sinh viên mỗi năm vào chương trình MD, trong đó khoảng 5-10 sinh viên quốc tế. Tỉ lệ chấp nhận vào khoảng 3-4%, từ tổng số đơn đăng ký vào khoảng 4.000 - 5.000 mỗi năm. Học phí cho sinh viên quốc tế vào khoảng 70.000 USD (gần 1,8 tỷ đồng) mỗi năm, với tổng chi phí khoảng 100.000 USD (hơn 2,5 tỷ đồng). Trường có chương trình đào tạo chất lượng với cơ hội thực hành lâm sàng qua các bệnh viện liên kết, nhưng danh tiếng không mạnh mẽ như các trường hàng đầu và tỉ lệ cạnh tranh vẫn khá cao.

4 giai đoạn từ du học sinh trở thành bác sĩ ở Mỹ: Lên tới 15 năm và 22,7 tỷ đồng

Làm thế nào để một du học sinh trở thành bác sĩ ở Mỹ? Dưới đây là hành trình 4 giai đoạn mà sinh viên, bố mẹ có thể hình dung con đường mình phải trải qua để có sự kiên trì, nổ lực và chuẩn bị tài chính.

Giai đoạn 1 (4 năm): Pre-med

- Học xong trung học và được nhận vào một trường đại học.

- Chọn chuyên ngành liên quan đến y khoa, như sinh học, hóa học, hoặc khoa học sức khỏe.

- Hoàn thành các môn học tiền y khoa (pre-med) yêu cầu, bao gồm sinh học, hóa học, vật lý, và toán học.

Giai đoạn này có nhiều trường cấp học bổng hoặc hỗ trợ tài chính với sinh hoạt phí và học phí mỗi năm từ 20.000 - 80.000 USD (khoảng hơn 500 - hơn 2 tỷ đồng, tùy trường và tùy mức hỗ trợ tài chính cũng như học bổng).

Tổng chi phí cho 4 năm: 80.000 - 400.000 USD (hơn 2 tỷ đồng - hơn 10 tỷ đồng)

Trong giai đoạn này, bạn phải làm gì?

- GPA > 3.7/4 (với du học sinh thì cần cao hơn nữa).

- Tham gia nghiên cứu với giáo sư, cố gắng xuất bản bài báo có chất lượng.

- Điểm MCAT (Medical College Admission Test): Điểm MCAT là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Bạn cần chuẩn bị kỹ để đạt điểm cao trong kỳ thi này.

- Thư giới thiệu (Letters of Recommendation): Bạn cần có thư giới thiệu từ các giáo sư, nhà nghiên cứu, hoặc bác sĩ có uy tín, nêu rõ khả năng học tập, nghiên cứu và phẩm chất cá nhân của bạn.

- Kinh nghiệm làm việc và ngoại khóa: Có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế, chẳng hạn như làm tình nguyện viên tại bệnh viện, tham gia các nghiên cứu khoa học, hoặc làm việc tại phòng khám.

- Bài luận cá nhân (Personal Statement): Viết một bài luận cá nhân ấn tượng, nêu rõ lý do bạn muốn trở thành bác sĩ, kinh nghiệm và mục tiêu nghề nghiệp.

Giai đoạn 2 (4 năm): Trường Y (Med School)

Bạn xin vào trường Y mà bạn mong muốn (hồ sơ càng mạnh, bạn càng dễ được mời phỏng vấn). Nếu vượt qua vòng phỏng vấn, bạn sẽ được chấp nhận vào trường Y. Để được nhận vào trường Y ở Mỹ rất khó, kể cả đối với sinh viên Mỹ. Với du học sinh thì còn khó hơn nhiều vì trên toàn nước Mỹ có gần 200 trường Y, nhưng chỉ có khoảng 50 trường Y nhận học sinh quốc tế. (Giai đoạn để được nhận vào trường Y là một trong những giai đoạn khó nhất.)

Thông thường, tỷ lệ chấp nhận vào trường Y từ 3% - 10% (mỗi trường trung bình tuyển khoảng 200 sinh viên ngành Y mỗi năm).

Chi phí: Trường Y gần như không cấp học bổng. Học phí và sinh hoạt phí để học trường Y của du học sinh trung bình từ 100.000  – 130.000 USD/năm (2,5 - 3,2 tỷ đồng). Trung bình 4 năm là khoảng 500.000 USD (12,6 tỷ đồng).

Sinh viên Y khoa bắt đầu chuẩn bị và thi USMLE vào năm thứ hai và năm thứ ba của chương trình y khoa của họ.

Cụ thể:

USMLE Step 1: Đây là kỳ thi đánh giá kiến thức y khoa cơ bản, bao gồm các môn như sinh lý học, bệnh lý học, dược lý học, và các khoa học cơ bản khác. Thường thì sinh viên sẽ bắt đầu chuẩn bị và thi USMLE Step 1 vào cuối năm thứ hai hoặc đầu năm thứ ba của chương trình y khoa.

USMLE Step 2 CK (Clinical Knowledge) và Step 2 CS (Clinical Skills): Sau khi hoàn thành học kỳ thực tập lâm sàng, sinh viên sẽ chuẩn bị và thi USMLE Step 2 CK và CS. Step 2 CK kiểm tra kiến thức lâm sàng, trong khi Step 2 CS đánh giá kỹ năng giao tiếp và thực hành lâm sàng. Thông thường, sinh viên thi USMLE Step 2 CK và CS vào năm thứ ba hoặc thứ tư của chương trình y khoa.

Du học trở thành bác sĩ ở Mỹ: Ngoài đam mê, kiên trì, cần giỏi và... rất giàu- Ảnh 2.

Theo chị Châu, 4 giai đoạn từ du học sinh trở thành bác sĩ ở Mỹ lên tới 15 năm và 22,7 tỷ đồng. Ảnh: Hopkinsmedicine

Giai đoạn 3: Residency Positions

Sau khi hoàn thành 4 năm ở trường Y, bạn sẽ xin vào chương trình bác sĩ nội trú (với du học sinh, bạn phải xin vào chương trình nào có hỗ trợ H1B). Giai đoạn này bạn có lương, tuy nhiên mức lương chỉ đủ sống, khoảng 60.000 USD/năm (1,5 tỷ đồng). Trung bình, một bác sĩ nội trú phải làm 80 giờ/tuần.

Chương trình bác sĩ nội trú ở Mỹ thường kéo dài từ 3 đến 7 năm, tùy thuộc vào chuyên ngành y khoa mà bạn lựa chọn.

Cụ thể:

Chương trình nội trú chung (Internal Medicine Residency): Thường kéo dài 3 năm. Đây là chương trình chuyên sâu về bệnh lý nội khoa, giúp bác sĩ học hỏi và thực hành trong các lĩnh vực như bệnh nội khoa tổng quát, truyền nhiễm, điều trị đặc biệt, và chẩn đoán hình ảnh.

Các chuyên ngành y khoa khác (Specialty Residencies): Các chương trình nội trú cho các chuyên ngành khác như phẫu thuật, sản khoa, y học khẩn cấp (emergency medicine), và các chuyên ngành lâm sàng khác có thể kéo dài từ 3 đến 7 năm tùy thuộc vào yêu cầu của chuyên ngành và cơ sở đào tạo.

Giai đoạn 4: Nhận giấy phép y tế (Medical License)

Ở mỗi tiểu bang (state), bạn cần nộp đơn xin cấp giấy phép y tế tại tiểu bang mà bạn muốn làm việc. Mỗi tiểu bang có các yêu cầu riêng về đào tạo và thực tập để đảm bảo bạn đáp ứng các tiêu chuẩn y tế của tiểu bang đó.

Hội đồng y tế quốc gia (National Medical Board): Ngoài yêu cầu của mỗi tiểu bang, bạn cũng cần đạt các tiêu chuẩn của hội đồng y tế quốc gia. Bạn có thể cần cung cấp bằng chứng học vấn, kinh nghiệm thực tập và thông tin khác để xin giấy phép.

"Trải qua 4 giai đoạn này, bạn đã có thể hành nghề bác sĩ ở Mỹ. Tổng thời gian 11 - 15 năm. Tổng chi phí là 580.000 – 900.000 USD (14,6 - 22,7 tỷ đồng).

Mức lương của bác sĩ từ 200.000 - 800.000 USD/năm (5 - 20 tỷ đồng, tùy chuyên ngành). Để trở thành một bác sĩ ở Mỹ, bạn cần hội tụ 4 yếu tố: Giỏi, giàu, kiên trì và đam mê.

Nếu đã trải qua 4 giai đoạn trên, xin chúc mừng bạn đã trở thành bác sĩ ở Mỹ. Nghề mà có lẽ có mức lương cao nhất thế giới, dễ kiếm việc tại Mỹ và quan trọng là rất rất ít bị sa thải", chị Hải Châu cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem