Cách trung tâm Hội An chừng 3km, mất tầm 15 phút di chuyển bằng xe đạp, băng qua những con đường thơm mùi nhựa cỏ, cánh đồng rau bạt ngàn của làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) hiện ra trước mắt mọi người. Khung cảnh đồng quê yên ắng trở nên nhộn nhịp bởi những tiếng nói cười rôm rả của du khách khi được nông dân hướng dẫn quy trình trồng rau, và thú vị hơn hết là màn cưỡi trên lưng trâu.
Cole Penkett (11 tuổi, người Canada) cùng bố mẹ sang Hội An du lịch và rất thích thú với màn cưỡi trâu ngay trên đồng ruộng (Ảnh: Tấn Vũ)
Khách Tây tập làm nông dân
Sau một vòng khám phá phố cổ Hội An, nhóm du khách đến từ Anh và Ucraine quyết định thuê xe “hành quân” xuống Trà Quế để được thấy, nghe và thực hành làm nông dân chính hiệu. Vừa đến làng vào 4g chiều, cả nhóm thuê một khu nhà homestay cách khu trồng rau chừng 300m, tiện cho việc di chuyển vào lúc sáng sớm để kịp “bái sư học đạo”.
Ở đây việc đồng áng bắt đầu từ khá sớm. Buổi sớm ở làng quê bắt đầu từ 3g, khi ngoài đồng loáng thoáng ánh đèn pin của những nông dân đi tưới rau và hái rau sớm để kịp bỏ mối cho các chợ.
Sau khi nghe ý định của nhóm về làng để học trồng rau, cô chủ nhà đã cho mượn những chiếc áo nông dân màu xám đậm để mặc lên người cho có chút gì... chuyên nghiệp. “Thật tuyệt vời. Vậy tôi đã trở thành nông dân được chưa?”, cô bạn Dana (31 tuổi, du khách Canada) hồ hởi hỏi. “Chưa đâu, phải hết buổi sáng này, và trải qua nhiều công đoạn khác nhau, vất vả lắm” - một nông dân trả lời.
Nhờ quen biết, cả nhóm may mắn được cô Lê Thị Hoa, một nông dân với hơn 30 năm gắn bó nghề trồng rau của làng, nhận hướng dẫn. Cô Hoa kể rằng rau ở Trà Quế thơm là nhờ đất, nước, nắng và chính bàn tay chăm sóc của con người.
Đặc biệt, rau ở vùng đất giáp biển này nổi tiếng hơn bởi mùi thơm nhờ phương thức canh tác hữu cơ. Giữa cái nắng chang nhưng ai cũng hớn hở thực hành từng thao tác ngay trên luống rau. Cả nhóm luân phiên nhau thực hành việc ra sông vớt rong về ủ đất, cuốc đất, gieo mầm, cắt rau...
Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, nhưng Richard (27 tuổi, người Anh) vẫn nở nụ cười rất tươi khi được tự tay mình làm thuần thục những công đoạn của người nông dân.
“Khó nhất là việc cầm cuốc để cuốc đất sao cho đều từng luống nhưng mình đã làm được, thật thú vị. Đến đây mới hiểu được Việt Nam, hiểu được người nông dân siêng năng, cần cù và dễ thương” - Richard chia sẻ và cười rôm rả khi được cả nhóm bình chọn... trở thành nông dân “chính hiệu”.
Một du khách được người dân làng rau Trà Quế hướng dẫn kỹ năng tưới nước trên những luống rau (Ảnh: Phan Thành)
Trải nghiệm... cưỡi trâu
“Về Hội An để trải nghiệm tour cưỡi trâu và điều khiển một con trâu biết vâng lời là điều không nên bỏ qua” - một du khách nước ngoài đã từng bình luận. Và ngoài chuyện làm nông dân, nhóm du khách này cũng không thể bỏ qua cơ hội được cưỡi một con trâu. Ông Lê Viết Nhiên (TP Hội An), người sở hữu đàn trâu làm du lịch, cho biết con trâu từ nhỏ đã được chủ dạy cách đi đứng, đồng thời truyền lại “khẩu lệnh” cho du khách thông qua phiên dịch.
Sau khoảng 15 phút được các hướng dẫn viên thông dịch “khẩu lệnh”, các du khách bắt đầu thực hành, dù ban đầu cũng không ít nghi ngại. Richard là thành viên trong nhóm xung phong cưỡi trâu đầu tiên. Khi Richard vừa ngồi trên lưng trâu cũng là lúc cả nhóm cười ngặt nghẽo và xúm xít chụp hình cảnh trâu cõng người bì bõm dưới ruộng.
Lần lượt các thành viên trong nhóm ai cũng háo hức và được cưỡi. Tuy nhiên không phải vị khách nào cũng thực hiện thuần thục. Do vậy, mặc cho du khách hét lên “stop” (dừng lại), con trâu cứ lao đầu bước thẳng cho đến khi chủ ra lệnh trâu mới dừng lại.
“Đúng là một trải nghiệm không thể nào quên trong đời đối với chúng tôi. Tại sao mọi người không đến đây một lần, thử và sẽ cảm nhận. Tuyệt vời” - Richard nói. Theo các chủ nuôi trâu du lịch, khó khăn nhất là việc dạy chúng biết nghe lời, tập cày bừa thuần thục trên các cánh đồng để nghe được các “khẩu lệnh” của con người mà làm theo.
Theo ông Trần Văn Khoa, giám đốc điều hành Công ty lữ hành Khoa Tran Eco-Tour, người đầu tiên đưa tour du lịch này vào khai thác, việc đưa trâu vào làm du lịch là một thông điệp gần gũi nhất từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam với quốc tế, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cưỡi trâu là loại hình du lịch độc đáo mà Hội An khai thác rất hiệu quả, một ngày đón vài chục đến hàng trăm khách tùy thời điểm.
“Bản thân cách làm của người dân đã quảng bá được hình ảnh du lịch. Chủ trương của thành phố giữ lại diện tích ruộng lúa nguyên vẹn để hướng đến nông nghiệp dịch vụ, phục vụ cho du lịch. Việc này vừa giúp nông dân có thể sản xuất để bán ra thị trường, vừa bán được vé cho du khách, đem lại nguồn thu nhập ổn định” - ông Sơn cho hay.
|
Phan Thành - Tấn Vũ (TTO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.