Sáng ngày 27/1 (mùng 6 Tết), hàng vạn người đã đổ về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), huyện Mỹ Đức, Hà Nội vãn cảnh, lễ chùa.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, dòng người nô nức đi thuyền đò trải dài xuôi về suối Yến.
Rất đông người xuống động Hương Tích vái vọng, thắp hương khấn phật ngày khai hội chùa Hương. Ảnh: Gia Khiêm
Lối từ trên bậc thềm xuống đông nghịt. Ảnh: Gia Khiêm
Nhiều người thành tâm làm lễ. Ảnh: Gia Khiêm
Tại khu vực động Hương Tích trong ngày khai hội, rất nhiều du khách đổ về động để tham quan cũng như thắp hương khấn phật. Sau khi thắp hương khấn phật xong, nhiều người đua nhau đưa tay ra hứng những giọt nước từ thạch nhũ trên cao rơi xuống. Những cánh tay giơ cao, mong muốn hứng được những "dòng sữa mẹ" nhỏ giọt rớt xuống.
Nhiều người đua nhau đưa tay ra hứng những giọt nước từ thạch nhũ trên cao rơi xuống cầu may. Ảnh: Gia Khiêm
Có người còn mang tiền ra hứng để cầu mong nhiều tài lộc đầu năm mới. Ảnh: Gia Khiêm
Thậm chí xoa tiền lên mặt. Ảnh: Gia Khiêm
Trong quan niệm của nhiều người, chỉ cần hứng được nước ở đây rớt trúng tay mình thì đó là may mắn, được trời phật ban lộc, và may mắn cả năm. Thậm chí, còn có người ngửa cổ lên, há miệng chờ "nước thánh" rơi xuống. Có người sau khi may mắn hứng được giọt nước đã vột vàng xoa tay lên mặt để lấy lộc.
Có người sau khi may mắn hứng được giọt nước đã vột vàng xoa tay lên mặt để lấy lộc. Ảnh: Gia Khiêm
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lê Văn Hữu (ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, gia đình anh có hơn 20 người thân đi từ nhà lúc 1h sáng. Sau khi lễ chùa cầu bình an, tài lộc… anh Hữu cùng người thân đến đây hứng những giọt nước mát lành nhỏ giọt xuống để lấy may.
Du khách đua nhau hứng "dòng sữa mẹ", xoa tiền hũ gạo lấy may ngày khai hội chùa Hương. Clip: Gia Khiêm
"Tôi mong muốn một năm mới nhiều sức khoẻ, làm công việc gì cũng thuận lợi và hy vọng một năm đầy mát lành", anh Hữu nói.
Gia đình anh Phạm Nogjc Luân ở Thái Bình hứng nước "lộc". Ảnh: Gia Khiêm
Vượt quãng đường gần 100km từ TP Thái Bình đến chùa Hương trẩy hội, gia đình anh Phạm Ngọc Luân (50 tuổi) vẫn háo hức đến động Hương tích cầu bình an. "Gia đình tôi đi từ hôm qua rồi ở lại chùa Thiên Trù, sáng lên sớm. Năm mới, tôi cầu cho quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc, con cháu học tập giỏi. Tôi lựa chọn đi sớm để tránh đông đúc, chen chúc", anh Luân nói.
Nhiều người tâm linh còn xoa tiền lên tường để cầu no ấm. Ảnh: Gia Khiêm
Cùng suy nghĩ trên, bà Đỗ Thị Út (56 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay, dù có mộy chút "tín" nhưng hy vọng hứng những giọt nước "dòng sữa mẹ" để cảm thấy mát mẻ tâm hồn, đi chùa thanh thản, an nhàn. "Tôi mong muốn các con đi đâu làm thiện, điều hay, tốt trước cho bản thân, năm nào tôi cũng cho con đi cùng cầu phúc cầu tài", bà Út cho hay.
Cầm tiền xoa lên tường, chị Nguyễn Thị Thoa (ở Hưng Yên) cho biết: "Tôi làm vậy để cầu mong một năm gia đình nhiều sức khoẻ, dư giả để cuộc sống an nhàn".
Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, trong ngày khai hội chùa Hương đón hơn 3 vạn du khách thập phương, 3 ngày trước đó nơi đây đón 10,2 vạn khách.
Ông Cảnh cũng dự báo, lễ hội chùa Hương năm nay số lượng du khách về trẩy hội sẽ đông vì 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.