Du lịch đường sông TP.HCM: Du khách ăn uống nhiều hơn đi tour

Hữu Ký Thứ tư, ngày 23/11/2016 15:10 PM (GMT+7)
Với hơn 1.000km sông, kênh rạch chằng chịt, TP.HCM có nhiều điều kiện để phát triển đa dạng loại hình du lịch đường sông. Nhưng thành phố vẫn chưa khai thác hết thế mạnh này, khiến du khách có xu hướng ban đêm thích ăn uống trên tàu hơn là đi tour đường sông.
Bình luận 0

Nhận định trên được ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đưa ra tại hội thảo Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM chiều 22.11. Theo ông Bình, du lịch đường sông chưa đáp ứng được kỳ vọng khi thực khách sử dụng sản phẩm trên tàu nhà hàng ban đêm vẫn chiếm nhiều hơn du khách đi theo tour đường sông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Thiếu hệ thống cầu tàu, bến bãi, các điểm dừng chân; thiếu dịch vụ dọc hai bên bờ; độ tĩnh không thông thuyền một vài cầu thấp; cảnh quan môi trường, vệ sinh sông nước chưa hoàn thiện; giá tour đường sông cao hơn tour đường bộ nên chưa thực sự thu hút du khách... 

img

Đua thuyền trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, một trong những hoạt động du lịch đường sông thu hút du khách.

Để phát triển loại hình du lịch này, ông Bình cho rằng thành phố cần triển khai đồng bộ đề án phát triển du lịch đường sông, quy hoạch bến đỗ cho các phương tiện. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn, hệ thống kênh rạch nội đô, tạo cảnh quan sạch sẽ để hấp dẫn du khách. Đặc biệt thành phố cần phát triển du lịch gắn với đời sống sông nước, phát triển du lịch sinh thái, kết nối các làng nghề truyền thống, ẩm thực.  

Còn ông Huỳnh Văn Sinh, giảng viên Học viện cán bộ TP.HCM cho rằng điểm nhấn của thành phố là sông nước với hệ thống sông rạch đan xen chi chít dài hơn 1.000km, có thể khai thác các chương trình du lịch đường thủy đa dạng. Trong đó có các tour tầm ngắn (tour trên sông tuyến nội đô có bán kính từ 10 – 15km) như: Bạch Đằng – Bình Quới, Thanh Đa; Bạch Đằng – Làng nghệ nhân Hàm Long;  Bạch Đằng – kênh Tàu Hũ – Bến Nghé và Bạch Đằng – Nhiêu Lộc. Các tour  tầm trung (có độ dài 30 – 70km) kết nối thành phố với Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Ngoài ra, thành phố còn có thể kết nối nhiều điểm du lịch bằng đường bộ lẫn đường thủy như: địa đạo Bến Đình, Bến Dược, chùa Hội Sơn, Chùa Bửu Long, Bảo tàng áo dài, Công viên lịch sử văn hóa dân tộc. Theo ông, nếu làm được như vậy sẽ thúc đẩy sự phát triển của du lịch thành phố.  

Nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần cải tạo cảnh quan hệ thống sông, kênh rạch; có những chính sách ưu đãi, thu hút tư nhân đầu tư vào du lịch đường sông, đồng thời có những sản phẩm mới để thu hút du khách. Về điều này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận thành phố có tiềm năng du lịch đường sông nhưng còn nghèo về loại hình. Xác định du lịch đường sông là loại hình cần đầu tư phát triển, thành phố đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hình ảnh trên bến dưới thuyền, hình thành các chợ nổi, khai thác cảnh quan môi trường sông nước.

Ông cho biết thời gian tới, sở sẽ tham mưu Thành ủy, UBND TP.HCM hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, trong đó có đề án du lịch đường sông. Đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, sắp xếp các bến đỗ phù hợp, thuận lợi để thuận lợi phát triển loại hình du lịch này. Đặc biệt sở Du lịch đang phối hợp Sở NNPTNT tổ chức khai thác du lịch nhà vườn để có nhiều sản phẩm cho du khách chọn lựa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem