Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép trên lòng hồ
Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Cưỡng chế, tháo dỡ công trình trái phép
Nha Mẫn
Thứ tư, ngày 19/04/2023 14:26 PM (GMT+7)
Xã Mã Đà đang cưỡng chế, xử lý các cơ sở du lịch tự phát dựng lều trại, các hạng mục phục vụ du lịch trên vùng bán ngập lòng hồ Trị An, trả lại hiện trạng an đầu.
Cưỡng chế lều trại du lịch tự phát trên lòng hồ Trị An
Liên quan đến tình trạng du lịch tự phát ven hồ Trị An mà Báo Dân Việt đã phản ánh, ngày 19/4, UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa Thủy điện Trị An đến cao trình 63,9m.
Đoàn cưỡng chế gồm có đại diện Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, đại diện lãnh đạo Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, lãnh đạo Trạm Kiểm lâm Bà Cai, Tổ Kiểm lâm Cơ động Hồ Trị An; Đại diện Công ty Thủy điện Trị An, đại diện Điện lực Trị An và Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND xã cùng các lực lượng chuyên môn...
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong sáng nay, việc cưỡng chế diễn ra tại các cơ sở du lịch Nắng Glamping, khu cắm trại Cây Dừa, Lạc Glamping.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đến nhắc nhở cơ sở Ema Glamping chấp hành các quy định trong thời gian chờ tháo dỡ.
Tại Nắng Glamping, lực lượng chức năng đã tháo dỡ lều, gỡ bóng đèn, cuốc đường đi, gỡ sân khấu... trả lại hiện trạng cũ. Tại khu cắm trại Cây Dừa các hạng mục như bóng đèn, trụ cây, xích đu... cũng bị tháo dỡ trả lại mặt bằng thông thoáng cho lòng hồ.
Tại Lạc Glamping, xe cuốc đã cuốc bờ kè, sân khấu kè bằng đá, sảnh đốt lửa trại,... đồng thời yêu cầu chủ cơ sở tháo dỡ lều trại cao cấp nằm ở vùng bán ngập.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Sơn - Chủ tịch UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu cho biết, trên địa bàn xã Mã Đà thời gian qua đã có trên 30 cơ sở du lịch theo hình thức cắm trại cao cấp.
Trong đó có trên 20 cơ sở có giấy phép hoạt động, trên 10 cơ sở tồn tại trên 10 năm. Đa phần lều trại du lịch được dựng trên đất nhận khoán của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, đất vùng bán ngập lòng hồ Trị An.
Trước tình trạng này, thời gian qua xã đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các cơ sở dựng lều trại trên vùng bán ngập lòng hồ Trị An (khu vực dưới code 62).
Xã cũng yêu cầu các cơ sở này tự động tháo dỡ những công trình vi phạm nhưng đến nay qua kiểm tra, lãnh đạo xã phát hiện còn nhiều cơ sở chưa chịu tháo dỡ nên quyết định cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu.
"Xã cương quyết xử lý các sai phạm nhất là khu vực bán ngập lòng hồ Trị An. Vì về nguyên tắc khu vực lòng hồ không được phát sinh bất kỳ hạng mục nào. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn có cơ chế đặc biệt cho người dân làm du lịch ven hồ. Bởi nhu cầu về du lịch là có thật và du lịch giúp mang lại lợi ích, tăng thu nhập cho người dân địa phương", ông Sơn nói.
Còn ông Trương Đình Minh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai nói rằng du lịch tự phát ở Mã Đà có 3 loại đất đó là đất vùng bán ngập; đất giao cho xã Mã Đà quản lý; đất khu bảo tồn giao khoán cho người dân. Việc phát sinh du lịch tự phát gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý ven hồ.
“Khu bảo tồn cùng với địa phương đã xin các sở ngành có những hướng dẫn cụ thể đối với du lịch khu vực. Khó khăn lớn nhất là đề án du lịch của khu bảo tồn chưa được phê duyệt vì nếu được phê duyệt mới xác định được điểm nào được hay không được làm du lịch. Đồng thời làm ra sao, phải có hướng dẫn cụ thể của các sở ban ngành. Trước mắt vận động bà con ngưng du lịch tự phát, chờ hướng dẫn...", ông Minh nhấn mạnh.
Người dân muốn được hướng dẫn làm du lịch
Là đơn vị bị cưỡng chế đầu tiên trong ngày, bà Nông Thị Thắm - chủ cơ sở Nắng Glamping nói rằng cơ sở bà chấp hành việc tháo dỡ hạng mục vi phạm. Tuy nhiên bà Thắm mong muốn Nhà nước có thể có đề án phát triển du lịch ở vùng nông thôn để bà con có cơ hội làm du lịch, phát triển du lịch ven hồ Trị An để bà con địa phương phát triển được đời sống.
Ông Ngô Đức Việt - chủ cơ sở cắm trại Cây Dừa nói rằng bản thân ông bị tai nạn, không còn khả năng lao động nên khi thấy bà con khác làm du lịch, ông cũng làm theo. Giờ đây trước lệnh tháo dỡ ông cũng chấp hành nhưng về lâu dài vẫn mong được làm du lịch.
"Tôi bị tai nạn, không làm được gì nặng nên trước đây có mở sạp bán nước. Khoảng 5 tháng nay gia đình có làm thêm du lịch, đón khách đến cắm trại nhưng do không rành công nghệ, không biết quảng bá nên cũng không có khách. Giờ chỉ mong được chính quyền và Khu Bảo tồn tạo điều kiện để kiếm kế sinh nhai", ông Việt mong muốn.
Tương tự, anh Nguyễn Thế Lâm - chủ cơ sở Ema Glamping cho biết, Ema đã hoạt động hơn nửa năm với con số đầu tư lên đến nhiều tỷ. Việc đón khách thời gian qua rất thuận lợi và thông qua du lịch, anh mong muốn quảng bá vẻ đẹp của khu vực Mã Đà đến bạn bè khắp nơi.
Hiện tại anh Lâm đã nhận được quyết định cưỡng chế và chấp hành quyết định này. Nhưng do anh Lâm lỡ ký hợp đồng với khách dịp lễ 30/4-1/5 nên đã có đơn xin tự tháo dỡ vào ngày 10/5 và đề nghị này cũng được địa phương đồng ý.
"Tôi đã đầu tư bài bản, mục đích tạo điểm đến cho khách du lịch từ TP.HCM, Biên Hòa, Bình Dương... và cũng chỉ dám dựng lều, nhà tôn... Khi có lệnh cưỡng chế chúng tôi chấp hành dù biết thiệt hại rất nặng. Giờ cũng chỉ mong sao ngành chức năng xem xét, có hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ để chúng tôi có thể làm du lịch", anh Lâm nói.
Còn chị Lê Thị Phương, người quản lý cơ sở Lạc Glamping nói rằng cơ sở hoạt động từ tháng 7/2022 đến nay, lượng khách tốt, ổn định. Đặc biệt từ đầu 2023 đến nay khách đến đây có những phản hồi rất tốt.
“Mã Đà có tiềm năng lợi thế du lịch vì có rừng và hồ tự nhiên nên chúng tôi mong muốn các đơn vị chức năng có hướng dẫn cụ thể để bà con ở đây có thể cùng làm du lịch”, chị Phương chia sẻ thêm.
Được biết trong chiều nay và ngày mai (20/4), việc cưỡng chế các cơ sở du lịch tự phát trên địa bàn xã Mã Đà tiếp tục diễn ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.