Dù vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ tranh chấp, Trung Nguyên vẫn lọt “Top 40” thương hiệu có giá trị nhất

Khải Huyền Thứ tư, ngày 01/08/2018 13:25 PM (GMT+7)
Ngoài những “ông lớn”, sừng sỏ, nhiều năm liền nằm trong danh sách những thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, năm nay ngành nông nghiệp góp mặt thêm 2 doanh nghiệp, gồm Thành Thành Công và Tập đoàn Trung Nguyên. Điều đáng nói, câu chuyện vợ chồng "vua cafe Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ đang tranh chấp, nhưng giá trị thương hiệu "Trung Nguyên" vẫn tăng lên.
Bình luận 0

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam. Theo xếp hạng này, Vinamilk tiếp tục dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 2,28 tỷ USD. Đây cũng là lần thứ ba Vinamilk nắm giữ vị trí này, chiếm gần 30% tổng giá trị của 40 thương hiệu, tăng hơn 30% so với giá trị được xác định năm 2017 và hơn 50% so với năm 2016.

Đặc biệt, trong top 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam năm nay, ngành nông nghiệp có thêm 2 thành viên mới, xếp ở vị trí 32 và 35.

Ở vị trí 32, Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Legend) được Forbes đánh giá là có giá trị 42 triệu USD. Đây là lần đầu tiên Trung Nguyên được xếp hạng vào Top 40 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, vượt qua những lùm xùm về “49 ngày thiền” của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ và những rắc rối trong hôn nhân với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

img

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - ông chủ tập đoàn Trung Nguyên lần đầu tái xuất sau nhiều năm "ở ẩn".

Trong những năm từ 2015 đến nay, hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên trải qua nhiều biến động, trồi sụt liên tục do những ồn ào xung quanh việc "vua cafe Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ tập trung cho việc thiền định, “giải cứu thế giới” và những tranh chấp quyền lực trong gia đình.

Báo cáo tài chính của Trung Nguyên trong giai đoạn 2014 – 2017 cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn Trung Nguyên gần như giậm chân tại chỗ khi chỉ tăng chưa đầy 62 tỷ đồng (từ 3.889 tỷ đồng năm 2014 lên 3.950,7 tỷ đồng năm 2017). Suốt 4 năm này, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này chỉ loanh quanh ở mức 1.500 tỷ đồng.

Doanh thu thuần không có sự cải thiện nào đáng kể, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh trong khi các khoản chi phí lại có biến động tăng khiến lợi nhuận trước thuế của Trung Nguyên cũng giảm mạnh qua các năm: 808,5 tỷ đồng năm 2015, xuống còn 768 tỷ đồng năm 2016 rồi 681 tỷ đồng năm 2017. Dẫu vậy, mức lợi nhuận của Trung Nguyên được đánh giá là vẫn khá lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và nhiều khó khăn.

img

Top 40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam vừa được Forbes công bố.

Ngoài Trung Nguyên, xếp ở vị trí thứ 35 và cũng là lần đầu góp mặt trong danh sách 40 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm nay là Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành. Đây là một doanh nghiệp khởi đầu và lớn mạnh trong ngành mía đường.

Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành hiện kinh doanh đa ngành, trong đó, Thành Thành Công Sugar là thành viên và là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước ngành mía đường hiện nay, chiếm khoảng 30% thị phần đường cả nước.

Báo cáo của Thành Thành Công Sugar (TTCS), cho biết, sau khi sáp nhập với Công ty Đường BIên Hòa và mua lại Công ty mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai,  doanh thu trong 6 tháng gần nhất của TTCS đạt 4.848 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 327 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cả năm 2017 – 2018, TTCS đặt mục tiêu doanh thu 8.353 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 674 tỷ đồng.

img

Với 30% thị phần đường cả nước, Thành Thành Công Sugar được xem là doanh nghiệp ngành mía đường lớn nhất cả nước hiện nay. 

Hiện TTCS có 8 nhà máy với công suất 30.000 tấn mía/ngày, tương đương 20% công suất cả nước. Sản lượng đường khoảng 540.000 tấn/năm. Công ty cũng sở hữu diện tích trồng mía khoảng 49.000ha, chiếm 16% diện tích cả nước. Sản lượng mía hàng năm ước đạt 3,4 triệu tấn, tương đương 22% tổng sản lượng cả nước.

Ngoài hai doanh nghiệp ngành nông nghiệp lần đầu góp mặt trong Top 40 năm nay thì Tập đoàn Lộc Trời lại bị loại khỏi danh sách. Năm ngoái, Lộc Trời được Forbes định giá 13,1 triệu USD và xếp vị trí thứ 40 trong danh sách, thua xa so với mức 26,7 triệu USD của doanh nghiệp xếp cùng vị trí là HD Bank trong năm nay.

Giá cổ phiếu của Lộc Trời cũng liên tục sụt giảm trong năm qua, kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn UPCom. Ban đầu, giá tham chiếu của cổ phiếu Lộc Trời ở mức 55.000 đồng, trong phiên giao dịch đầu tiên, giá tăng lên mức hơn 59.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng có lúc giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng kỷ lục, được giao dịch ở mức 72.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu Lộc Trời sau những ngày đầu “nóng râm ran” đã liên tục hạ nhiệt, đến sáng nay (1.8), giá tham chiếu cổ phiếu này chỉ còn 38.100 đồng.

Theo Forbes Việt Nam, giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem