Du xuân hồ Động Đình

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một chuyến du xuân hồ Động Đình để khám phá không gian phát tích nước Việt cổ, tại sao không?
Bình luận 0

Đến năm 2010 mới lác đác vài công ty du lịch Việt Nam nhìn ngắm hồ Động Đình cho một tuyến du khảo văn hóa tiềm năng, nhưng trong thực tế, họ đã không thể tổ chức tuyến thường xuyên vì nhiều lý do, trong đó sự thiếu hiểu biết về nguồn cội cố xứ của phần lớn du khách là lý do chính.

img
Hồ Động Đình nhìn từ Nhạc Dương lâu - nơi Nguyễn Du đã đến thăm và làm bài "Đăng Nhạc Dương lâu" (Lên lầu Nhạc Dương) trong chuyến đi sứ Trung Quốc (1813 - 1814). Ảnh: Vĩnh Quyền

Thực ra từ trước đó, đã có những tốp 5, 10 người Việt - thậm chí mỗi một người đơn độc - từ Việt Nam, và cả từ ngoài Việt Nam như Pháp, Mỹ đã tự tìm đường đến với hồ Động Đình. Hầu hết họ gặp nhau ở mục đích tận mắt nhìn ngắm không gian một nước Việt cổ trong huyền sử và lang thang khảo chứng những dấu tích có thật của nước Việt cổ ấy trên mặt đất, hiển hiện dưới ánh mặt trời hoặc ẩn tàng rải rác trong thư tịch cổ Trung Quốc.

Sử Việt khẳng định người Việt tôn Lạc Long vua nước Văn Lang và nàng Âu Cơ làm Quốc tổ, Quốc mẫu của mình. Khái niệm "con Rồng, cháu Tiên" cũng đã ăn sâu trong tâm khảm tự hào người Việt bao đời. Cổ sử cho biết, nước Văn Lang bấy giờ - Bắc tới hồ Động Đình, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Mối tình Rồng - Tiên và công cuộc kiến tạo đất nước của Vua Lạc Long đều gắn với địa danh "Động Đình hồ".

Hồ Động Đình nhận nước từ 9 con sông, trong đó đáng kể nhất là sông Trường Giang (Dương Tử), sông Tương, sông Tư, sông Nguyên và sông Lễ... Diện tích mặt hồ 2.820km2, lớn thứ hai của Trung Quốc sau hồ Bà Dương, mùa lũ diện tích dâng rộng gấp 10 lần như thế. Trường Giang và Tương là hai con sông nổi tiếng.

Điều thú vị là sau khi thăm hồ Động Đình có thể xuôi theo sông Tương về Nam, trở lại thủ phủ Trường Sa. Tần số xuất hiện của sông Tương trong thơ cổ Trung Quốc, và cả Việt Nam, rất cao như một điển cố tiêu biểu về không gian biệt ly sầu, mà nơi chốn cụ thể có lẽ là bến Tiêu Tương, điểm giao thủy trùng phùng giữa sông Tiêu và sông Tương ở ngoài thành Trường Sa, tất nhiên cũng là điểm từ đó, con người bao đời theo hai nhánh sông đôi ngả, hay phân ly kẻ ở người đi...

Sách sử cũng cho biết cuộc chia ly Rồng - Tiên cùng "trăm con", 50 theo cha lên non, 50 theo mẹ xuống biển, đã diễn ra ở một nơi có tên "Tương Đài", hay cánh đồng Tương gần hồ Động Đình. Đó cũng là nơi Lạc Long hẹn gặp lại Âu Cơ hàng năm mỗi dịp xuân về.

Đến hồ Động Đình với mục đích du lịch thuần túy thì sẵn có nhiều đơn vị dịch vụ tiếp đón, nhưng nếu có ý định du khảo dấu tích một nước Việt cổ thì hiện nay phải tự thân vận động. Cái khó lại ló cái thú giang hồ bất định, bất ngờ và nhất là được hưởng trọn vẹn rung cảm phát hiện dấu vết lịch sử 5.000 năm, tìm kết huyền thoại với hiển hiện và với cả bản thân.

Cùng du khách bốn phương ngắm cảnh hồ Động Đình nhưng người Việt với hành trang lịch sử của mình đang như chạm vào thế giới tâm linh riêng có, như đang theo lời dặn Quốc tổ Lạc Long ngày xuân mỗi năm "trăm con" lại về gặp nhau trên cánh đồng Tương bên hồ Động Đình...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem