“Hẫng” vì làm việc ở vùng “3 không”
Nguyễn Tùng Linh (Sinh năm 1993) là người Hà Nội “gốc”. Tháng 7.2016, sau khi nhận bằng kỹ sư nông nghiệp, Linh lựa chọn vào làm việc tại dự án trồng tiêu ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai, thuộc Công ty Olam Việt Nam. Đây là khu vực bốn bề là rừng, cách trung tâm thành phố Pleiku 90km.
“Chưa bao giờ tôi hình dung ra vùng đất nơi mình sẽ phát triển sự nghiệp lại không có nhiều thứ như thế: Không có dân xung quanh, không có sóng điện thoại, không có mạng Internet. Tôi mất hơn 1 tháng trời để làm quen dần với điều này. Mọi thứ thật không dễ” – Linh mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Nguyễn Tùng Linh chia sẻ, trước đây không có Internet, công việc rất khó để vận hành.
Suốt hơn 1 tháng đó, chàng trai Hà Nội nhiều lần tự vấn tại sao lại lựa chọn vào nơi xa xôi này. “Hơn một năm trời, bố mẹ tôi không nhìn thấy mặt tôi, dù chỉ qua điện thoại. Tôi cứ làm việc xong là về ngủ, có muốn giải trí cũng không có gì hơn” –cậu kỹ sư 24 tuổi nói.
Dù sao nhu cầu giải trí với Linh vẫn là thứ yếu. Quan trọng hơn, khi không có mạng Internet, kỹ sư giám sát vườn cây tiêu mẹ gần 500ha Tùng Linh gọi đó là “thảm hoạ” trong công việc.
“Công việc đòi hỏi tôi phải báo cáo, gửi tài liệu liên tục cho cấp trên hay nhận tài liệu về. Ở đây không có mạng, tôi phải chạy xe máy 15km ra đường quốc lộ để gửi chuyển phát nhanh hàng ngày. Mùa khô thì đỡ, mùa mưa, không gì khổ bằng. 15km thôi nhưng ổ voi, ổ gà nhiều vô kể. Ra ngoài đó gửi một file tài liệu có dung lượng lớn cũng hết 30 phút” – Linh nhớ lại.
Ông Nguyễn Minh Hùng – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Dự án Olam Gia Lai cho hay: những người phải hàng ngày “chạy đi chạy lại” từ nông trường ra bưu cục để gửi tài liệu như Tùng Linhrất nhiều.
Ngoài khó khăn trong công việc, ông Hùng cũng băn khoăn vì hàng trăm công nhân, người lao động của dự án đến từ các vùng quê khácnhau (Quảng Bình, Đắk Lắk…),hầu hết là người trẻ, nhu cầu kết nối, giải trí, nâng cao kiến thức, phát triển nghề nghiệp rất lớn. “Không có Internet, cảm giác không thể chu toàn được với anh em công nhân, cán bộ” – ông Hùng chia sẻ.
Có Internet, nông nghiệp 4.0 “cập bến”
Tháng 7.2017, lãnh đạo Dự án Olam quyết định tìm đến chi nhánh Viettel Gia Lai đểlắp đặt đường truyền Internet. Ngay lập tức, một đội cán bộ kỹ thuật của Viettel Gia Lai lên đường khảo sát thực địa.
Ông Nguyễn Minh Hùng giới thiệu về hệ thống thiết bị hiện đại giúp theo dõi, giám sát “sức khoẻ” cây tiêu mẹ.
“Dự án có diện tích trên 500ha, nằm cách biệt so với khu dân cư, xung quanh toàn rừng núi. Khi đi vào hoàn thiện, lượng công nhân lên tới hàng nghìn. Nếu không có mạng di động, Internet, thì đúng là bị “cô lập”. Dù lúc đầu lãnh đạo Dự án chỉ đề nghị lắp Internet, nhưng sau khi khảo sát, chúng tôi đã quyết định dựng trạm phát sóng gồm sóng di động, 3G, Internet cáp quang…để cán bộ, người lao động và dân cư xung quanh có đường truyền tốt nhất, truyền về mọi nơi” – ông Lương Triệu Đại – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, chi nhánh Viettel Gia Lai - chia sẻ.
Hơn 2 tuần kéo cáp, dựng cột, tháng 9.2017, Trạm phát sóng Viettel đã có mặt tại Dự án Olam. Nhớ lại thời gian đó, Tùng Linh chia sẻ, lần đầu sau thời gian dài, Linh mới cập nhật lại facebooktrên điện thoại và “có quá trời những thông tin mới mẻ”. “Nhiều công nhân, cán bộ khác, tôi thấy họ còn gọi điện video về cho bố mẹ, người thân yêu để tâm sự. Cảm giác đó rất xúc động” – Linh nói.
Không chỉ cải thiện đời sống tinh thần, giải trí,Internet cònmở ra cơ hội tìm kiếm, nâng cao kiến thức, mang lại thu nhập cao cho những kỹ sư nông nghiệp yêu nghề như Linh. Giờ thì Linh có thể thoăn thoắt gửi ảnh, tài liệu, thông tin qua email trên điện thoại có wifi cho người phụ trách mà không phải chạy xe 15km hay chờ đợi nửa tiếng mới tải được một file dữ liệu.
Có Internet, công việc tại nông trường dự án trồng tiêu Olam Gia Lai vận hành thuận lợi.
Internet còn giúp dự án trồng tiêu Olam ứng dụng triệt để công nghệ nông nghiệp thông minh của thế giới. Dẫn chúng tôi vào một vườn cây tiêu mẹ, ông Hùng tự hào giới thiệu về hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại được nhậptừcông ty Phytech (Israel), dùng để theo dõi lượng nước mà cây trồng nhận, độ ẩm, nhiệt độ của đất và các dữ liệu khác như sự tăng trưởng,chất dinh dưỡng của cây, tốc độ gió…
Hơn nửa tháng lắp đặt, một trạm phát sóng Viettelđã được dựng lên, cải thiện đời sống tinh thần, giải trí, mở ra cơ hội học tập, tìm kiếm thông tin của cán bộ, công nhân dự án Olam.
“Một hecta ở đây có khoảng 1.660 gốc tiêu mẹ, chúng tôi lắp đặt một hệ thống thiết bị này. Thiết bị gồm một dây truyền, một được gắn vào thân cây, một đi ngầm dưới đất. Những cảm biến tại các khu vực trồng sẽ được tải và cập nhật thông tin qua sensor cảm ứng, truyền vệ tinh lên máy chủ đám mây.
Từ đó, những thông tin này sẽ được phân tích, gửi tới cán bộ giám sát qua một phần mềm thông minh. Như vậy, dù cán bộ không có mặt tại nông trường, dự án mà ở bất kỳ đâu cũng kiểm tra được tình trạng sức khoẻ của cây trồng và họ phải làm gì để nâng cao chất lượng của cây”– ông Hùng phân tích.
Đại diện Dự án trồng tiêu Olam tại Gia Lai chia sẻ, để ứng dụng được công nghệ nông nghiệp thông minh, đòi hỏi một đường truyền Internet ổn định, tốc độ cao. “Mà nếu không có Internet, chúng tôi mãi mãi cũng chỉ là người làm nông nghiệp thủ công” – ông Hùng nhấn mạnh.
Cuối tháng 11.2017, ngành Internet Việt Nam tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày mạng toàn cầu “cập bến” đất nước hình chữ S. Rất nhiều câu chuyện xúc động được kể lại, nhiều ví dụ thành công nhờ có Internet được chia sẻ, nhưng có lẽ những câu chuyện như đưa nông nghiệp 4.0 vào “vùng 3 không” tại Gia Lai sẽ không thể thiếu.
Internet đã tạo ra thay đổi lớn ở đô thị nhưng với vùng nông thôn, miền núi xa xôi như Gia Lai, nơi mà việc xây dựng hạ tầng kết nối băng rộng cực kỳ khó khăn thì sự thay đổi được tạo ra với công việc, cuộc sống của người dân còn lớn hơn rất nhiều. Giờ đây, hạ tầng Internet băng siêu rộng tại Phố Núi còn có sự thay đổi rất mạnh với sự góp mặt của 508 trạm 4G Viettel, phủ sóng hầu hết các diện tích người dân sinh sống. Và những câu chuyện mới về tác động của Internet của thời kỳ cách mạng 4.0 lại bắt đầu….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.