Phúc Thọ vui như... tếtVào thời điểm 4 ngày trước khi chính thức diễn ra Hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2014, thị trấn Phúc Thọ đã mang đậm không khí lễ hội với sự xuất hiện của rất nhiều cờ, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về sự kiện được đánh giá như một món ăn tinh thần tuyệt vời cho bà con nông dân trong dịp đầu xuân.
Chia sẻ với NTNN, anh Cấn Công Luyện-người dân Phúc Thọ, kinh doanh nhà hàng ăn uống bày tỏ: “Quán của tôi mới mở được khoảng 2 tháng và trong những ngày diễn ra lễ hội, hy vọng sẽ có nhiều khách tới thưởng thức những đặc sản của nhà hàng nói riêng và Phúc Thọ nói chung”.
Các công nhân gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị bên trong sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ.
Theo ghi nhận của NTNN, ngày hôm qua, thời tiết khá lạnh lại có mưa phùn nhưng một số chủ trâu vẫn dắt trâu tới sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ (địa điểm diễn ra hội chọi trâu) để tập luyện, làm quen sân bãi. Tại các quầy bán vé vào sân xem chọi trâu, các nhân viên bán vé tỏ ra khá hồ hởi khi trong 2 ngày qua, đã có khá đông người dân tới mua vé xe, vòng loại (100.000 đồng/chiếc) và vòng chung kết (150.000 đồng/chiếc).
Cầm trên tay đôi vé xem chung kết, chị Nguyễn Thị Tuyết (Phúc Thọ) cho biết: “Còn 4 ngày nữa mới tới hội chọi trâu nhưng nhà tôi bận nhiều việc, nên phải tranh thủ lúc rảnh đi mua vé luôn cho chắc. Tôi sợ tới ngày khai hội lại hết vé, lỡ dịp dự hội với hy vọng về một năm mới mạnh khỏe, may mắn, mùa màng thuận lợi thì tiếc lắm”.
Người dân có thêm thu nhập Trong ngày hôm qua, các công nhân cũng gấp rút hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng bên trong sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ: sửa sang lại khán đài, treo băng rôn, khẩu hiệu; chăm sóc lại mặt cỏ… Trong khi đó, các “ông trâu” cũng được chủ trâu chăm sóc vô cùng cẩn thận để sẵn sàng xung trận.
Anh Kiều Doãn Dự (quê Phúc Thọ) – người được xã Sen Chiểu thuê để chăm sóc trâu chọi của xã - tâm sự: “Thông thường trâu hay ăn nhiều vào ban đêm nên phải thức để cho trâu ăn cũng khá vất vả. Mỗi ông trâu thường ăn khoảng 200 ngọn mía và 2 tải ngô/ngày”.
Theo anh Dự, ngày thường khi không có hội chọi trâu, anh vẫn bận bịu với công việc đồng áng. Nhưng khi có hội chọi trâu, việc được trả tiền công chăm sóc trâu 4-5 triệu đồng/tháng đã giúp anh có thêm một khoản thu nhập để cải thiện đời sống gia đình. “Hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ thực sự có ý nghĩa rất thiết thực với đời sống của chúng tôi, cả về mặt vật chất và tinh thần. Tôi hy vọng hội sẽ diễn ra hàng năm để chúng tôi có thêm việc làm”- anh Dự hồ hởi nói.
Tuệ Minh (Tuệ Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.