Đưa rau, củ sạch sang Nhật Bản

Thứ tư, ngày 12/09/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nắm bắt được nhu cầu của người Nhật, một doanh nghiệp ở Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà máy chuyên chế biến các sản phẩm này để xuất khẩu sang Nhật Bản theo tiêu chuẩn sạch tuyệt đối.
Bình luận 0

Muối cũng phải sạch

Người đi đầu trong việc đầu tư chế biến các mặt hàng nông sản sạch xuất khẩu ở Hải Dương là ông Đoàn Bá Đàm- Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông, lâm sản MTĐ. Ban đầu, ông Đàm mới chỉ chế biến các mặt hàng nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước là chính.

img
Công nhân Công ty MTĐ chế biến dưa muối xuất khẩu.

Đến năm 2001, nhận thấy thị trường Nhật có nhiều tiềm năng, ông Đàm đã chuyển qua làm các sản phẩm hàng muối để đưa đi tiêu thụ tại thị trường này với số lượng lúc đầu là 200 tấn hàng. Những năm kế tiếp, sản phẩm muối cứ tăng dần và năm 2011, công ty của ông Đàm đã xuất được hơn 2.000 tấn sản phẩm không chỉ thị trường Nhật, mà còn sang một số thị trường khác như Đài Loan và một số nước châu Âu.

Các sản phẩm nông sản mà ông Đàm xuất khẩu gồm rất nhiều loại, từ khoai môn, đu đủ, dưa hấu non, dưa bao tử đến các loại rau như rau cải, rau lang… thậm chí cả ngọn su su cũng có thể xuất khẩu được. Gần đây, ông Đàm còn đang tìm hiểu công nghệ sơ chế lá tre để xuất khẩu sang Nhật.

Bà Nguyễn Thị Hợi, ở xã Gia Lương (huyện Gia Lộc, Hải Dương) cho biết: “Ở nhà, chúng tôi cũng thường muối cà, muối dưa, nhưng không phải ai cũng muối được ngon. Còn bây giờ, do được công ty hướng dẫn về kỹ thuật, nhất là về quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chúng tôi có thể muối rất nhiều các sản phẩm khác nhau từ dưa chuột, dưa hấu non, xoài, măng… với tiêu chuẩn gần như nhau”.

Còn thiếu nguyên liệu

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn Bá Đàm cho biết: “Dù đã có thị trường, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Bởi nhìn chung, các vùng nguyên liệu của chúng ta chủ yếu vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Nếu muốn mở rộng, lại thiếu diện tích hoặc có nơi đất thì dư thừa, nông dân lại thiếu vốn và chưa có kinh nghiệm để sản xuất một số loại nông sản theo hướng hàng hóa”.

Ông Nguyễn Dương Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Với các mô hình như của Công ty MTĐ, trong thời gian tới sẽ được tỉnh ưu tiên quy hoạch, phát triển các loại cây trồng tập trung, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, thủ tục hành chính và vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh”.

Theo ông Đàm, sản phẩm nông sản của nước ta chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản (chiếm 70% sản lượng). Song ngược lại, Nhật lại là thị trường rất khó tính, muốn xuất khẩu sang Nhật cần phải tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt, nhất là yêu cầu về đảm bảo chất lượng ATVSTP. Để đảm bảo sản phẩm sạch, họ đã trực tiếp sang tận nơi phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm để trồng thử nghiệm một số giống cây trồng như dưa chuột, dưa gang, cà… trên diện hẹp. Nếu phù hợp, họ sẽ đặt hàng chúng ta sản xuất đại trà với thời gian thử nghiệm tới 3-4 năm.

Theo ông Đàm, thuận lợi lớn nhất của chúng ta là các sản phẩm nông sản muối chỉ dùng duy nhất hóa chất là muối ăn và có thể bảo quản từ 4- 5 năm, nên không lo các sản phẩm này hư hỏng, lại đảm bảo ATVSTP. Đối với hàng này, chúng ta có thể tạm trữ thoải mái, để tránh việc được mùa, rớt giá như vẫn xảy ra”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem