Huỳnh Dũng
Thứ hai, ngày 20/12/2021 16:00 PM (GMT+7)
Metaverse sẽ là một phần mở rộng đỉnh cao, hoàn chỉnh nhất của công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và công nghệ thực tế hỗn hợp (MR) đã được sử dụng ngày nay. Điển hình là những chiếc kính của Facebook và Microsoft như Oculus và HoloLens đã và đang được sử dụng trong các ứng dụng công nghệ y tế quan trọng.
Thuật ngữ "Metaverse" được Neal Stephensen đặt ra trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash. Nó mô tả một thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau thông qua việc sử dụng hình ảnh đại diện kỹ thuật số (avatar). Các bộ phim nổi tiếng như The Matrix (Ma Trận) và Ready Player One (Đấu trường ảo) cũng khám phá ý tưởng này.
Giờ đây, các hãng công nghệ ngoài đời thực tin rằng họ không chỉ có khả năng tạo ra thế giới kỹ thuật số sống động, mà còn có thể tích hợp chúng với cuộc sống vật lý thực tế của chúng ta. Facebook hình dung ra một kịch bản trong đó hai người cùng tham dự một buổi hòa nhạc dù ở cách xa nhau hàng dặm. Hoặc đồng nghiệp ở các quốc gia khác nhau có thể cộng tác như thể họ đang ở trong cùng một phòng làm việc.
Công nghệ chính phục vụ cho mục đích này sẽ bao gồm các thiết bị giao diện người - máy tính như công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), đồ họa đa chiều, mô phỏng trí tuệ nhân tạo (AI), sức mạnh tính toán lớn, phần mềm và phần cứng để tạo hình đại diện cho người dùng. Các chuyên gia công nghệ quốc tế nhận định rằng, dù là vậy nhưng có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn nữa trước thì Metaverse mới trở nên phổ biến thực sự.
Tuy nhiên, ngay bây giờ, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang dần sử dụng một số thành phần thiết yếu trọng tâm của Metaverse bao gồm công nghệ (Virtual Reality-VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality-AR), công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality-MR) và trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như phần mềm và phần cứng để cung cấp năng lượng cho các ứng dụng nhất định.
Ví dụ, các công ty thiết bị y tế đang sử dụng MR để lắp ráp các dụng cụ phẫu thuật và thiết kế phòng mổ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang sử dụng AR và điện thoại thông minh để đào tạo những người phản ứng với Covid-19, các bác sĩ tâm thần đang sử dụng VR để điều trị căng thẳng sau chấn thương (PTS) cho các binh sĩ chiến đấu và các trường y tế đang sử dụng VR để đào tạo phẫu thuật.
Facebook, Oculus và Covid-19
Kể từ khi Facebook - nay là Meta Platforms mua lại Oculus và công nghệ tai nghe VR của nó vào năm 2014 với giá 2 tỷ USD, nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe đã được phát triển. Một trong những sự kiện mới nhất là sự hợp tác với Facebook Reality Labs và Nexus Studios và Học viện WHO. Nhanh chóng sau đó, tổ chức liên minh này đã thiết kế một ứng dụng học tập trên thiết bị di động cho các nhân viên y tế chiến đấu với Covid-19 trên toàn thế giới. Một trong những khóa đào tạo liên quan đến AR để mô phỏng trên điện thoại thông minh về các kỹ thuật với nội dung có sẵn bằng bảy ngôn ngữ, ứng dụng được xây dựng dựa trên nhu cầu của 22.000 nhân viên y tế toàn cầu được WHO khảo sát vào năm ngoái.
Công nghệ Oculus cũng được sử dụng tại UConn Health, trung tâm y tế của Đại học Connecticut ở Farmington, Connecticut để đào tạo các sinh viên học cách phẫu thuật chỉnh hình. Các nhà giáo dục đã hợp tác với PrecisionOS, một công ty phần mềm y tế của Canada cung cấp chương trình đào tạo VR và các mô-đun giáo dục về chỉnh hình. Thậm chí, khi mang tai nghe Oculus Quest, người dùng có thể hình dung trong chế độ 3-D thực hiện một loạt các thủ tục phẫu thuật, chẳng hạn như đặt một chiếc ghim vào xương bị gãy. Bởi vì quy trình được thực hiện ảo, hệ thống cho phép sinh viên theo dõi và học tập tốt hơn cho các lần thử nghiệm y học tiếp theo.
"Trong khi Metaverse vẫn đang được xây dựng hoàn chỉnh, chúng tôi nhận thấy cơ hội tuyệt vời để tiếp tục công việc mà Meta đã làm trong việc hỗ trợ các nỗ lực y tế", người phát ngôn của công ty Meta cho biết. "Khi trải nghiệm, ứng dụng và dịch vụ của Meta phát triển, bạn có thể mong đợi chiến lược sức khỏe đóng một vai trò nào đó, nhưng còn quá sớm để nói điều đó có thể giao thoa với các công nghệ và nhà cung cấp bên thứ ba như thế nào".
Khi Microsoft giới thiệu kính thông minh HoloLens AR vào năm 2016 để phát triển thương mại, những người đầu tiên chấp nhận bao gồm Stryker- công ty công nghệ y tế ở Kalamazoo, Michigan. Năm 2017, họ bắt đầu khai thác thiết bị kính AR này để cải thiện quy trình thiết kế phòng mổ cho các bệnh viện và trung tâm phẫu thuật.
Trong khi đó, Zimmer Biomet, một công ty thiết bị y tế có trụ sở tại Warsaw, Indiana gần đây đã tiết lộ nền tảng Giải pháp thực tế ảp hỗn hợp OptiVu, sử dụng các thiết bị kính HoloLens và ba ứng dụng (gồm một ứng dụng sử dụng công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality-MR) để sản xuất các công cụ phẫu thuật, một ứng dụng khác thu thập và lưu trữ dữ liệu để theo dõi tiến trình của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, và ứng dụng cuối cho phép bác sĩ lâm sàng chia sẻ kinh nghiệm MR với bệnh nhân trước khi làm thủ thuật.
Người phát ngôn của Zimmer Biomet cho biết: "Chúng tôi hiện đang sử dụng kính HoloLens của Microsoft theo kiểu thí điểm với hỗ trợ từ xa ở Hoa Kỳ, EMEA và Úc. Người phát ngôn cho biết công nghệ này đã được sử dụng cho các chương trình đào tạo y học bao quát từ xa.
Tầm nhìn ba chiều của Microsoft về tương lai
Vào tháng 3, Microsoft đã giới thiệu Mesh, một nền tảng công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality-MR) được cung cấp bởi dịch vụ đám mây Azure, cho phép mọi người ở các vị trí thực tế khác nhau tham gia trải nghiệm ảnh ba chiều 3 chiều trên các thiết bị khác nhau, bao gồm HoloLens 2, một loạt tai nghe VR, điện thoại thông minh, máy tính bảng và PC....
Trong một bài đăng trên blog, công ty đã tưởng tượng ảnh đại diện của các sinh viên y khoa học về giải phẫu con người, tập trung xung quanh một mô hình ảnh ba chiều và bóc tách cơ lưng để nghiên cứu. Microsoft cũng nhận thấy nhiều cơ hội cho công nghệ MR của mình và vào tháng 3 đã ký hợp đồng trị giá 20 tỷ USD với quân đội Mỹ để áp dụng công nghệ này cho các binh sĩ.
Còn tại Trường Y khoa Miller của Đại học Miami, các giảng viên tại Trung tâm Mô phỏng và Đổi mới Giáo dục Y tế Gordon sử dụng AR, VR và MR để đào tạo những người sơ cứu khẩn cấp để điều trị bệnh nhân chấn thương, bao gồm cả những người đã bị đột quỵ, đau tim hoặc vết thương đạn bắn.
"Trong môi trường kỹ thuật số, chúng ta không bị ràng buộc bởi các đối tượng vật lý", Barry Issenberg, Giáo sư Y khoa và Giám đốc Trung tâm Gordon cho biết. Ông nói, trước khi phát triển chương trình giảng dạy về công nghệ ảo, sinh viên phải có mặt tại hiện trường và huấn luyện trên các bệnh nhân chấn thương thực tế. "Giờ đây, chúng tôi có thể đảm bảo rằng tất cả người học đều có trải nghiệm ảo như nhau, bất kể vị trí địa lý của họ khác nhau như thế nào".
Có thể thấy, khi Big Tech tiếp tục xây dựng metaverse, cùng với các công ty phần mềm và phần cứng, học viện và các đối tác Nghiên cứu và phát triển y học khác, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe vẫn là một nền tảng chứng minh cuộc sống thực. Paulo Pinheiro, người đứng đầu bộ phận phần mềm của Sagentia Innovation, có trụ sở tại Cambridge, Anh viết trên trang web của công ty tư vấn: "Mặc dù metaverse vẫn còn sơ khai, nhưng nó có tiềm năng to lớn cho việc chuyển đổi và cải thiện chăm sóc sức khỏe. Sẽ rất thú vị khi xem tình huống nào sẽ diễn ra tiếp theo trong cuộc cách mạng làm nên hình hài hoàn chỉnh cho Metaverse".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.