Đưa TT- Huế lên thành phố T.Ư: Vì sao sau 10 năm chưa thực hiện được?

Trần Hòe Chủ nhật, ngày 15/12/2019 13:46 PM (GMT+7)
Tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ ra những nguyên nhân khiến địa phương chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành đã đặt ra những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.  

img

Đô thị Huế nhìn từ trên cao. 

Nghị quyết số 54-NQ/TW ra đời sau 10 năm tỉnh thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 chưa thực hiện được.

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020, với phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48, đô thị Thừa Thiên - Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tỉnh đã khai thác một số ngành có lợi thế, tạo giá trị gia tăng, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thừa Thiên - Huế đã khẳng định được vị thế về văn hóa, chính trị, nhân văn đối với quốc gia, khu vực và thế giới. Cụ thể, đô thị Huế được công nhận là Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Xanh quốc gia, Thành phố văn hóa ASEAN, Thành phố bền vững môi trường ASEAN. Kinh tế phát triển theo hướng xanh và bền vững, tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009-2018) 7,2%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 1,9 lần so với năm 2009,  đã quy hoạch và phát triển đô thị Huế là đô thị loại I - đô thị trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh bao gồm 2 thị xã và các thị trấn… Tuy nhiên, sau 10 năm, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 vẫn chưa thực hiện được.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc tỉnh chưa thể trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là do nhiều nguyên nhân. Đó là: Xuất phát điểm của Thừa Thiên- Huế còn thấp, quy mô kinh tế nhỏ; chưa giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn đô thị di sản với khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hoá và phát triển sản xuất công nghiệp (thu ngân sách); hạn chế nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng và Chính phủ thắt chặt quản lý vốn đầu tư công; việc hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công của Trung ương cho phát triển cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, xã hội, trùng tu di tích, đầm phá… chỉ được lồng ghép qua các chương trình, dự án và chưa được ưu tiên bố trí đầu tư trực tiếp cho các dự án cụ thể theo Kết luận 48; thiếu sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương về cơ chế huy động nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân…

img

Sau 10 năm, mục tiêu cơ bản đưa cả tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị vẫn chưa thực hiện được. 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, với diện tích hơn 5.000km2, dân số khoảng 1,2 triệu người, có 7 di sản thế giới, tỉnh được Bộ chính trị, Chính phủ định hướng phát triển là đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường. Vì vậy, việc đáp ứng các tiêu chí của Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá đô thị loại I là không thể thực hiện được và cũng không phù hợp với đô thị đặc thù Thừa Thiên - Huế, cố đô duy nhất còn nguyên vẹn của Việt Nam.  

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển đô thị Huế theo định hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn, Thừa Thiên - Huế cần phải có cơ chế đặc thù riêng để trở thành Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, sẽ phục dựng và bảo tồn toàn vẹn các di sản vật thể, phi vật thể và thiên nhiên mang nét đặc trưng của Việt Nam mà cố đô Huế đang bảo tồn và phát huy.

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong triển khai Kết luận 48 của Thừa Thiên - Huế có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể: Nhận thức về vị trí, vai trò của Thừa Thiên - Huế cũng như giá trị văn hoá di sản trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế; chưa thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế và văn hoá; chưa quan tâm phát triển kinh tế gắn với xây dựng và phát triển văn hoá; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; chưa chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương trong việc đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách mới, đột phá, nhất là trong phát triển, kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị, di sản, văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo; một số bộ, ngành Trung ương chưa quan tâm đúng mức, chậm phối hợp với tỉnh trong việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng…  

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao…Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu, đặc sắc của Châu Á.  

Một số chỉ tiêu trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế từng giai đoạn cụ thể cũng được nêu trong Nghị quyết 54-NQ/TW. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù; hoàn thành việc mở rộng TP.Huế theo quy hoạch trước năm 2022; tăng trưởng GDP 7,5 - 8,5%/năm; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12%/năm, phấn đấu cân bằng ngân sách năm 2025; đến năm 2025, GRDP/người đạt 3.500-4.000 USD. Giai đoạn 2026- 2030 tăng trưởng GRDP 7 - 8%/năm, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%/năm, thu ngân sách Nhà nước tăng 13 - 15% năm; đến năm 2030 GRDP/người đạt 5.500 - 6.000 USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem