Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 30/9, bác sĩ CK.I Nguyễn Văn Quân, Phụ trách bộ phận Ngoại ung bướu, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai) cho biết, vừa tiếp nhận nam bệnh nhân tên T.M.T (20 tuổi, ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nhập viện trong tình trạng mũi chảy nhiều máu đỏ tươi, phần da bụng phỏng nhiều nước, có tổn thương khá nặng.
Người thân của bệnh nhân T cho biết, tháng 8/2024, anh T có đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm khám, được kết luận bị ung thư máu (lơ-xơ-mi cấp). Tuy nhiên, thay vì điều trị, bệnh nhân về quê và tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian.
Theo đó, bệnh nhân bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng (kiểu giác hơi) vào để chữa bệnh, kèm theo đó là tiêm thuốc (không rõ nguồn gốc). Sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân T có dấu hiệu chảy máu mũi từng đợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức bụng ... nên ngày 28/9, gia đình đưa đi cấp cứu. Các xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng nguy hiểm, nhất là chỉ số tiểu cầu và bạch cầu. Hiện tại, bệnh nhân vẫn đang được điều trị triệu chứng các tổn thương ngoài da, cầm máu mũi, chăm sóc dinh dưỡng, nhưng do tình trạng nặng nên tiên lượng tử vong cao.
Bác sĩ Quân nhấn mạnh, việc mắc bệnh không tuân thủ điều trị theo chỉ định bác sĩ, tự ý điều trị hoặc điều trị theo phương pháp phản khoa học là vô cùng nguy hiểm với sức khỏe. Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, thận… sức đề kháng, miễn dịch đã suy giảm vì thế khi điều trị bằng phương pháp phản khoa học, chữa bệnh theo bài thuốc truyền miệng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng.
Bác sĩ Quân cho hay, với bệnh nhân trên, nếu tuân thủ điều trị, bệnh có thể sẽ không tiến triển nặng, kéo dài được thời gian sống. Tuy nhiên, khi tự chữa bệnh ngoài có thêm các tổn thương ngoài da, bệnh ung thư máu sẽ nặng nề và nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng".
Bác sĩ Quân khuyến cáo, người dân khi phát hiện ra bệnh hoặc biểu hiện bất thường trên cơ thể, hãy đến các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo để thăm khám. Khi được chẩn đoán bệnh cần phải được điều trị kịp thời, tuyệt đối không chữa bệnh theo mẹo, kinh nghiệm dân gian hay bài thuốc gia truyền chưa được kiểm chứng.
Viện Huyết học Truyền máu Trung ương thông tin, ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác.
Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương. Theo phân loại, ung thư máu cấp tính được chia thành Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (từ thể M0 đến M7) và Lơ-xê-mi cấp dòng lympho (từ thể L1 đến L3).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh ung thư máu cấp theo đặc điểm tế bào, miễn dịch và bất thường di truyền cũng như tiền sử điều trị. Bệnh ung thư máu cấp thường tiến triển nhanh, cần phải điều trị sớm. Việc điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của người bệnh và loại ung thư máu cấp tính. Bệnh nhân có thể được kết hợp điều trị nhiều phương pháp bao gồm: hóa trị liệu, thuốc miễn dịch điều trị ung thư, thuốc nhắm đích, xạ trị, ghép tế bào gốc và phối hợp với các điều trị hỗ trợ khác như gạn tách tế bào máu, truyền chế phẩm máu, điều trị nhiễm trùng, điều trị rối loạn đông máu…
Quá trình điều trị thường trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị tại viện cũng như thời gian ở nhà, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.