Đừng để dân bức xúc dẫn tới phạm tội

Thứ tư, ngày 18/09/2013 06:31 AM (GMT+7)
Ngày 17.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2013, báo cáo của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC về thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Bình luận 0
Làm rõ trách nhiệm

Theo báo cáo của Bộ Công an: Năm 2013 tình hình tội phạm đã được kiềm chế so với năm trước, nhiều loại tội phạm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế...

Tuy nhiên, hoạt động của các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen có xu hướng phức tạp tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu vực địa bàn giáp ranh. Hoạt động tội phạm này ở dạng bảo kê, siết nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi, cá độ gia tăng. Chính vì thế số vụ cưỡng đoạt tài sản tăng 20,9%.

Tình hình tội phạm năm 2013 đã giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp (ảnh minh họa).
Tình hình tội phạm năm 2013 đã giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp (ảnh minh họa).

Đánh giá về các báo cáo của các ngành tư pháp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu ý kiến: Trong báo cáo lần này có đề cập đạo đức xã hội xuống cấp, đáng báo động ở nhiều lĩnh vực như y đức, giáo dục, tư pháp, hành pháp...

Tuy nhiên, báo cáo phải chỉ ra nguyên nhân, phải làm rõ là do người dân không chấp hành hay do sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên không còn. “Tôi vừa tham gia giám sát mà thấy có rất nhiều vấn đề, có thanh niên bị hành hung chỉ vì quá đẹp trai, rồi trò đánh thầy, vợ giết chồng, chồng giết vợ... đây là những vấn đề cần làm rõ về đạo đức xã hội xuống cấp” – Phó Chủ tịch nước nói.

Về việc một số báo cáo chỉ ra rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giảm sút về đạo đức, Phó Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên.

Tham gia ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tội phạm có giảm nhưng chỉ giảm số vụ, còn diễn biến thì vẫn phức tạp, báo cáo như vậy chưa sát thực tế cần phải đánh giá lại. “Nguyên nhân không phải là do trình độ cán bộ. Ví dụ việc bao che, bảo kê tội phạm có phải do trình độ không? Tôi cho rằng cần phải làm rõ về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan” – Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Đừng để dân tự xử lý

Đánh giá cao về báo cáo của các ngành tư pháp, ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, cần phải nhấn mạnh tình hình an ninh trật tự ở nhiều vùng, đặc biệt là ở thành phố lớn, vùng tiếp giáp còn phức tạp, các băng nhóm tội phạm ngày lộng hành, làm cho tình hình phức tạp, gây bức xúc xã hội, dư luận quan ngại.

"Trong hoạt động điều tra còn thể hiện dấu hiệu oan sai, đã phải đình chỉ 280 trường hợp mà Viện KSND đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, tạm giam; có 13 trường hợp truy tố không chính xác, tòa tuyên vô tội”.
Bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Ông Khoa góp ý thêm, phải chú trọng xây dựng chương trình toàn dân bảo vệ an ninh trật tự thì mới đảm bảo tình hình tốt lên. Để dân bức xúc và tự xử lý như những vụ trộm chó, thì người dân bình thường cũng dễ thành tội phạm. “Dân tự xử trộm cắp, có hiện tượng dân bất chấp cả luật pháp... Ở đây có việc tuyên truyền pháp luật còn yếu, nhưng cũng phải nói trách nhiệm của người đứng đầu” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ.

Cũng về bức xúc của người dân, ông Đỗ Văn Đương – ủy viên Ủy ban Tư pháp nói: Vụ chôn thuốc sâu ở Thanh Hóa có thể khởi tố vụ án, bắt giam ngay ông giám đốc doanh nghiệp mà cứ nói mãi, chưa thấy làm. Để dân bức xúc tự xử dẫn đến tự thiêu, rồi cầm súng xông thẳng vào cơ quan chính quyền bắn người... tất cả đều đáng báo động.
Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem