Tôi đã được biết “chế tài” mạnh của tỉnh Đồng Tháp nhằm giảm thiểu số trẻ tử vong do đuối nước.
Đây là hành động rất đáng nhân rộng, trước hết là ở tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt trong việc yêu cầu địa phương đưa ra các giải pháp cụ thể để hạn chế đuối nước, tránh để một chủ trương hay chỉ dừng lại kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hô khẩu hiệu. Việc triển khai nghiêm túc tại Đồng Tháp có thể là mô hình để các tỉnh khác học tập, làm theo.
Theo cập nhật của Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thì tỷ lệ chết vì đuối nước ở Việt Nam đã giảm rõ rệt, từ 3.500 trẻ em chết năm 2010 xuống còn 1.800 trẻ chết do đuối nước vào năm 2013. Tuy nhiên, vì ngành LĐTBXH không có lực lượng để thống kê, kiểm tra nên con số này có thể không chính xác. Chúng tôi đang chờ Cục Môi trường xã hội (Bộ Y tế) phân tích, kiểm tra số liệu từ thực tế cấp cứu đuối nước để đưa ra con số chuẩn.
Trong tuần qua, báo cáo từ các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy đã có thêm 5 trường hợp trẻ em chết do đuối nước. Gần đây nhất, ngày 31.3 tại Cần Thơ đã có 2 trẻ em ở bậc tiểu học chết do đuối nước trong lúc đi du lịch, 3 trẻ em bậc THCS chết do tắm sông.
Thực tế, con số này sẽ còn tăng khi mà mùa hè đang cận kề. Vì thế, các tỉnh, thành có khu vực sông, hồ nguy hiểm, trẻ em tắm đông cần lắp biển cảnh báo; các công trình có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ cần được xử lý ngay. Và đặc biệt là các bậc cha mẹ cần khuyến cáo con cái về tai nạn đuối nước và giúp trẻ tập bơi, có kiến thức hỗ trợ trẻ khác khi gặp nạn.
Minh Nguyệt (ghi) (Minh Nguyệt (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.