Đừng đốt tiền cho marketing ở Mỹ, bao nhiêu cũng không đủ
Đừng đốt tiền cho marketing ở Mỹ, bao nhiêu cũng không đủ
Tường Thụy
Thứ năm, ngày 19/12/2024 12:27 PM (GMT+7)
Thị trường Mỹ rộng mênh mông và đầy thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam; vì vậy phải tìm được thị trường ngách thay vì đốt tiền làm marketing không mục đích, theo một chuyên gia thị trường đến từ Mỹ.
Bà Nguyễn Ngọc Trâm,CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, trình bày những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có thể bán hàng ở Mỹ. Ảnh: T. Thụy
"Tìm đúng thị trường ngách giúp mở cánh cửa cho doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu ở thị trường mới, nhất là các nước với thương mại điện tử hàng đầu và các nền tảng B2C, D2C lớn như ở Mỹ và Canada", bà Nguyễn Ngọc Trâm, CEO Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB tại Mỹ, đưa ra lời khuyên.
B2C (business to consumer) là doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng. Trong khi đó, D2C (direct to consumer) là doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho khách hàng cuối cùng thay vì thông qua các kênh phân phối như siêu thị hoặc đại lý bán lẻ.
Tại hội thảo chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam tiến vào thị trường Bắc Mỹ - Nhiều vấn đề khó lường" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức hôm nay 19/12, bà Trâm nhấn mạnh doanh nghiệp Việt đừng đốt tiền cho marketing và truyền thông sản phẩm khi muốn bán hàng ở Mỹ.
Bà Trâm, người đã làm việc tại New York (Mỹ) hơn 10 năm và làm việc trực tiếp với các "bộ óc" thương mại gốc Israel mà bà mô tả là "tư bản" nhất thế giới, khẳng định đổ tiền làm quảng cáo cho các sản phẩm không tên tuổi hay mới toanh tại thị trường Mỹ chỉ là cách đốt tiền và tiền sẽ cháy rất nhanh.
Theo giải thích của chuyên gia này, khi đến với thị trường mênh mông của nước Mỹ, doanh nghiệp Việt có thể trở thành con số 0 hoặc ở nấc thang rất thấp trong nhận diện thương hiệu, nhận diện sản phẩm.
"Ném 1 sản phẩm vào cái hồ mênh mông với quy mô 270 triệu người hay bắn mũi tên vào đích cụ thể, chúng ta phải xác định rõ. Thị trường Mỹ có thể dùng thử sản phẩm miễn phí từ bạn nhưng sẵn sàng mua hàng hay không lại là chuyện khác", CEO của Phòng nghiên cứu Sở hữu trí tuệ IPGEEKLAB nêu.
Bà Trâm nhấn mạnh các bộ não gốc Israel mà bà làm việc cùng tại Mỹ không bao giờ tin vào chuyện sẽ bán được hàng chỉ qua sau 1 ngày, vì đó là chuyện chiến lược lâu dài và câu chuyện cạnh tranh nhiều năm. Bà dẫn chứng: Truyền thông gần đây nói nhiều về chuyện lấn sân từ 2 sàn thương mại điện tử Shein và Temu của Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là bề mặt, vì thống kê cho thấy thị phần hiện nay của Shein và Temu chỉ lần lượt là 2% và 1% mà thôi, và Amazon vẫn là "bá chủ" trong thương mại điện tử tại Mỹ, nơi thương mại điện tử chiếm đến 70% ngành bán lẻ.
Doanh nghiệp cần có tầm nhìn kinh doanh dài hạn, đồng thời chuẩn bị nhiều kế hoạch ngắn hạn cùng lúc để ứng phó với các biến động ở thị trường Mỹ, từ những khác biệt giữa luật liên bang và các tiểu bang, giữa các tiểu bang với nhau, các biến động của chuỗi cung ứng và logistics trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cho thị trường Mỹ, bà Trâm đưa ra lời khuyên.
Mỹ nằm trong khu vực Bắc Mỹ (gồm Canada, Mỹ và Mexico). Đối với thị trường Canada, bà Trâm khuyên doanh nghiệp Việt cần ghi trên nhãn sản phẩm bằng song ngữ Anh và Pháp vì như vậy sẽ được đánh giá cao hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần cộng thêm chi phí logistics vào giá sản phẩm cho thị trường Canada vì đây là đất nước rộng lớn nhưng các cơ sở logistics cách xa nhau; Canada có đến 6 tháng mùa đông rất lạnh làm tăng chi phí logistics.
Ngày 20/1/2025, ông Donald Trump sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng để bắt đầu thời kỳ Trump 2.0 trong vai trò Tổng thống Mỹ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời kỳ Trump 2.0 được dự báo sẽ căng thẳng hơn trước đó.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại (Thương vụ Việt Nam tại Mỹ), dự báo: Các ngành hàng tiêu dùng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp sẽ vẫn duy trì nhịp tăng trưởng ổn định tại Mỹ năm 2025. Các ngành hàng khác cũng có khả năng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, ông Hưng nhận định có khả năng sẽ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại từ Mỹ đối với hàng Việt Nam.
Hơn 80% dân số Mỹ mua sắm trực tuyến trong năm 2023. Ước tính mỗi người chi 3.370 USD mua sắm trực tuyến, giúp thị trường thương mại điện tử đạt giá trị 905 tỷ USD trong năm 2023, theo inBeat Agency. Người Mỹ thường mua trực tuyến các sản phẩm thời trang, tiếp đó là đồ gỗ và đồ nội thất, máy tính và đồ điện gia dụng. Năm 2023, khoảng 106,8 triệu lượt mua sắm trên các nền tảng xã hội. Các bang California, New York, Texas, Florida và Pennsylvania thuộc top 5 mua sắm trực tuyến tại Mỹ, theo Anilyzify.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.