Ngày bị cưỡng chế thi hành án (THA), do quá phẫn uất vì cho rằng cơ quan thi hành án đã làm sai quy trình bán đấu giá tài sản và bị xét xử oan sai, trái pháp luật, một người đàn ông đã tẩm xăng tự thiêu sau khi để lại di chúc kêu oan gửi Thủ tướng Chính phủ.
Kể từ ngày xảy ra cái chết của người đàn ông này, đã hơn 3 năm qua, dường như vụ việc đã đi vào quyên lãng, khiến các đương sự càng thêm bức xúc. Ngày 31.10, theo thông báo đến gia đình nạn nhân, Cục Thi hành án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc làm việc xung quanh nội dung đơn khiếu nại của gia đình nạn nhân gửi đến các cơ quan chức năng.
Dùng cái chết để minh oan!Không đồng tình với việc xét xử của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Mai Viết Đa (ngụ 134 Lê Lợi, phường 4, TP.Vũng Tàu) đã tẩm xăng tự thiêu chết vào đúng ngày lực lượng cưỡng chế thi hành án, tức hồi 8 giờ ngày 11.6.2009, đến buộc ông phải giao nhà cho đương sự được thi hành án. Trước khi tự thiêu một ngày, ông Mai Viết Đa đã viết di chúc kêu oan gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong thư ông Đa viết: “Tôi hy sinh tính mạng để chứng minh vụ án của tôi xét xử oan sai, trái pháp luật, xin tái thẩm, điều tra, trả lại tài sản mồ hôi nước mắt, xương máu của tôi cho vợ, con cháu của tôi”. Câu chuyện bức xúc dẫn đến cái chết đau lòng của ông Mai Viết Đa xuất phát từ việc tranh chấp thừa kế căn nhà mà ông Đa đang ở giữa các anh em thân thuộc với nhau. Vụ việc này đã được TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, vào ngày 9.3.2005, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa (số 03/QĐHGT). Theo thỏa thuận của hai bên đương sự được tòa công nhận, ông Mai Viết Đa và bà Tống Thị Bích được quyền sở hữu sử dụng nhà đất tại số 134 Lê Lợi, phường 4, TP.Vũng Tàu theo giấy chứng nhận quyền sở hữu đã đứng tên ông bà này. Tuy nhiên, ông bà Mai Viết Đa phải trả cho các đương sự và án phí tổng cộng hơn 1.100.000 đồng.
Thỏa thuận này đã được hai bên ký xác nhận đồng tình. Nhưng vì sao ông Mai Viết Đa lại bức xúc và tẩm xăng tự thiêu chết như vậy? Chị Mai Hạnh Đoan – con gái của ông Mai Viết Đa, cho biết: “Trước khi tự thiêu, cha tôi nhiều lần than thực ra cha tôi không đồng tình với việc hòa giải như trên vì bị ép nhưng do không am hiểu pháp luật đã bị các cán bộ của tòa án “dụ” cứ việc ký vào, nếu không đồng ý thì có thể khiếu nại xử lại. Cha tôi ký đại rồi đi về nhưng sau đó nhiều lần gửi đơn khiếu nại, không ai giải quyết vì tòa đã ra quyết định công nhận hòa giải thành mà quyết định này là có hiệu lực pháp luật ngay, không thể khiếu nại được mà phải xin thủ tục giám đốc thẩm rất nhiêu khê”. Bức xúc vì quyết định của tòa, lại thêm cơ quan thi hành án làm không đúng quy trình, có ý ép gia đình nên ông Mai Viết Đa đã nghĩ đến cái chết để kỳ vọng được minh oan.
Thi hành án làm sai quy trìnhSau cái chết của ông Mai Viết Đa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã có văn bản cho rằng việc ông Đa tự thiêu chết là điều đáng tiếc và ngoài sự tiên liệu của các cơ quan chức năng. Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại việc xét xử và việc trả lời khiếu nại một cách khách quan, thận trọng, thuyết phục đối với các bản án, quyết định của tòa án khi các đương sự và cơ quan hữu quan không đồng tình với việc xét xử.
Ngôi nhà 134 Lê Lợi, Vũng Tàu, trong lúc lực lượng cưỡng chế thi hành nhiệm vụ thì ông Mai Viết Đa tẩm xăng tự thiêu.
Nỗi đau về một cái chết gây bức xúc trong dự luận vẫn còn đó. Sau lần cưỡng chế xảy ra sự cố đáng tiếc này, UBND TP.Vũng Tàu cho biết gia đình bà Tống Thị Bích (vợ ông Mai Viết Đa) liên tục làm đơn gửi đến TAND tối cao, Viện KSND tối cao cùng nhiều cơ quan chức năng khác kêu oan, tố cáo thẩm phán của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiêu cực. Để giải quyết bức xúc trước mắt, HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đồng thuận cho phép UBND TP.Vũng Tàu tạm hoãn cưỡng chế một phần nhà, đất tại địa chỉ nói trên của gia đình bà Tống Thị Bích để chờ ý kiến giải quyết của TAND tối cao và Viện KSND tối cao đối với đơn kháng nghị tái thẩm về quyết định hòa giải thành của tòa án như đã đề cập ở trên.
Mới đây, vào ngày 19.8.2013, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã có văn bản (số 2185/TCTHADS-GQKNTC) gửi cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu làm rõ đơn tố cáo của bà Tống Thị Bích, tố cáo chấp hành viên Ngọc Thanh Dũng đã có hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành quyết định hòa giải thành nói trên, báo cáo kết quả cho đương sự và tổng cục biết trước ngày 20/9/2013. Thế nhưng, vụ việc vẫn chìm trong im lặng kể từ sau cái chết của ông Mai Viết Đa.
Theo luật sư Trần Văn Năm - Văn phòng luật sư Minh Đạo, Đoàn luật sư TP.HCM, trong quá trình thi hành án, Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã làm sai quy trình, thực hiện theo quy trình ngược. Người mua trúng đấu giá tài sản là một phần căn nhà của ông Mai Viết Đa (tài sản kê biên để đảm bảo thi hành án) với giá 1.286.848.000 đồng bằng với giá khởi điểm trong khi 8 ngày sau, giá khởi điểm mới được điều chỉnh để đưa ra khiến ông Mai Viết Đa thêm bức xúc vì bị ép. Các đương sự liên quan đến vụ việc hiện đang mong mỏi các cơ quan chức năng sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, để dư luận khỏi băn khoăn về một cái chết đang dần bị quên lãng, gây thiệt thòi cho bên được thi hành án và cả bên phải thi hành án.
Võ Đức Phúc (Dòng Đời) (Võ Đức Phúc (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.