Ly hôn kiểu Mỹ
Việc ly dị ở Mỹ phần lớn do người phụ nữ quyết định. Tòa án lúc nào cũng giao con ở với mẹ. Trừ khi người mẹ không đủ sức nuôi con, hoặc không muốn nuôi con vì có duyên mới, hoặc không làm đủ trách nhiệm của người mẹ như hút xách, cờ bạc... mà Sở Bảo vệ Quyền lợi Trẻ em (child services) có bằng chứng. Khi người phụ nữ chủ động ly dị, có nghĩa họ đã chọn cho mình một giải pháp tốt hơn cuộc sống hôn nhân hiện tại.
Dũng Taylor hiện là Giám đốc Công ty Biểu diễn D&D Entertainment - Hoa Kỳ, anh có rất nhiều chia sẻ thú vị về những vấn đề xung quanh cuộc sống của nghệ sĩ cũng như các vấn đề xã hội...
Ở Mỹ, người phụ nữ ly hôn không phải là người luôn phải chịu thiệt thòi. Trái lại, đàn ông ở Mỹ rất sợ ly dị, coi như sẽ mất gần hết tất cả và phải làm lại từ đầu. Ngoài tiền trợ cấp cho vợ con thì tòa còn dựa vào lịch làm việc của người mẹ để quyết định mỗi tuần, người bố được đến thăm con vào những ngày giờ nào… Thế nên, đàn ông ở Mỹ thường nói với nhau: Không phải ngẫu nhiên mà những cơn bão khủng khiếp thường được đặt tên… phụ nữ, chẳng hạn như “Sandy", "Katrina"… Vì khi họ đến với tất cả mãnh lực và khi họ ra đi, họ cũng sẽ mang theo tất cả những gì chúng ta có.
Với một người phụ nữ mạnh mẽ, có học thức, giỏi tiếng Anh thì chuyện ly hôn họ sẽ chủ động hơn vì luật pháp Mỹ luôn đứng cạnh và bảo vệ phụ nữ, trẻ em hơn. Nói tóm lại, sau ly hôn, người phụ nữ không hẳn là bế tắc như mọi người nghĩ. Cuộc sống hôn nhân cốt nhất là hạnh phúc và bình an. Và khi cảm giác đó không còn thì mỗi người chúng ta đều có quyền đi tìm hạnh phúc và sự an bình cho bản thân, với điều kiện không được quên trách nhiệm với các con - Đó là suy nghĩ của hầu hết những cặp vợ chồng ở Mỹ.
Dĩ nhiên, khi ly hôn chúng ta thường nhìn vào những lý do trên bề mặt và đổ lỗi cho đối phương vì có kẻ thứ ba bước vào. Nhưng thực ra, khi chúng ta đã mệt mỏi với cuộc sống hôn nhân, không hẳn chúng ta sẽ có hứng đi tìm ngay bến đỗ khác, vì đâu ai dám chắc là sẽ tốt hơn. Thế nên, dù không có kẻ thứ ba bước vào thì chúng ta cũng sẽ tìm cách có cuộc sống riêng: nhậu nhẹt với bạn bè, ở lại làm thêm giờ, hoặc đi shopping sau giờ làm việc... Tóm lại, là làm mọi cách để giảm thời gian đương đầu với những điều khiến mình mệt mỏi, nhàm chán ở nhà.
Là quản lý của bà xã - ca sĩ Thu Phương, Dũng Taylor luôn đồng hành cùng vợ trong mọi hoạt động nghệ thuật của cô
Khi những cặp đôi đã đến giai đoạn này thì dù có kẻ thứ ba, thứ tư hay không thì hôn nhân của họ cũng đang bên bờ vực rồi. Mỗi lần đứt tay cứ lấy băng keo dán lại và cho là đã chữa lành. Nhưng thật ra, điều cần được xem xét kỹ là nên cẩn thận hơn và đừng để cho mình bị đứt tay thêm lần nữa. Vì ít nhất, cũng để lại sẹo ngay cả khi vết thương đã lành.
Không một ai bước vào hôn nhân, nhất là khi đã có con mà muốn chia tay cả, nhất là ở Mỹ vì luật pháp luôn luôn bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhưng một mặt, mỗi người có quyền đi tìm hạnh phúc dù phải trả bằng mọi giá. Mỗi cuộc chia tay đều buồn cả, nhưng đôi bên nếu vì con cái mà đối xử ôn hòa, có văn hóa với nhau thì phần nào đó cũng sẽ giảm thiểu được sự mất mát...
Khi nghệ sỹ ly hôn
Mình là khán giả, những gì mình nghe chỉ từ một phía và báo chí nói mà thôi. Một tờ giấy trắng cũng có hai mặt. Đừng nghe những gì họ nói mà hãy nhìn vào hành động của họ. Trong một cuộc chia tay không phải chỉ có hai người đau khổ. Gia đình đôi bên, con cái cũng là những nạn nhân của những cuộc chia tay. Nếu gia đình đôi bên đều ủng hộ cuộc chia tay vì không ai muốn thấy con mình sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, điều đó nói lên điều gì? Người vợ hoặc người chồng đã không làm hết bốn phận, dẫn đến sự rạn nứt. Cho đến khi không cứu được nữa thì đành phải chia tay.
Dũng Taylor hiện đang tham gia chương trình bình luận bóng đá trên đài VietFace TV và ca sĩ Thu Phương chính là khách mời đặc biệt trong chương trình bình luận Brazil 2014 của chồng.
"Mình là khán giả, những gì mình nghe chỉ từ một phía và báo chí mà thôi. Một tờ giấy trắng cũng có hai mặt. Đừng nghe những gì họ nói mà hãy nhìn vào hành động của họ"
Khi đồng nghiệp và bạn bè thân không lên án họ có nghĩa là quyết định đó của họ được ủng hộ. Khán giả không nắm bắt hết câu chuyện nên thường lên án một bên, nhất là khi thấy bên kia đang hạnh phúc. Có những cuộc chia tay đôi bên đắng cay, hận thù nhau, nhưng cũng có những cuộc chia tay ôn hòa vì họ không cảm thấy bị lừa gạt, dối trá, phản bội... Họ chấp nhận mình không mang được hạnh phúc đến cho nhau thì hãy để cho người khác làm điều đó, và nên ứng xử ôn hòa, có văn hóa để không ảnh hưởng đến các con.
Đành rằng nghệ sĩ là người của công chúng nhưng không có nghĩa họ là thánh. Họ cũng chỉ là người và có cái tài đặc biệt là mang tiếng hát lời ca đến cho đời, đồng thời nuôi sống gia đình và bản thân họ. Khi chồng hoặc vợ làm nhiều tiền hơn thì dĩ nhiên người kia ở nhà trông con. Chuyện đó hết sức bình thường ở Mỹ. Hollywood cũng thế mà thôi. Đó không gọi là hy sinh mà nên gọi là chia sẻ công việc, nếu không trung bình tiền mướn người trông một đứa con ở Mỹ mỗi tháng cũng đã mất từ 1500USD - 2000USD rồi.
Chỉ có thể nói là hy sinh khi người chồng hoặc vợ đã có sự nghiệp vững chắc, to lớn trước khi bước vào hôn nhân. Còn nếu sự nghiệp của người vợ hay chồng đã không còn ở đỉnh vinh quang nữa thì chuyện bước về hậu trường để lo việc gia đình, con cái là chuyện thường tình thôi. Chuyện này xảy ra mỗi ngày với mọi gia đình tại Mỹ. Nên chẳng có gì phải ngạc nhiên!
(Theo Đẹp Online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.