Đứng thứ 2 cả nước về xuất khẩu gỗ, Đồng Nai lo thiếu nguyên liệu

Nguyễn Vy Thứ ba, ngày 22/03/2022 17:39 PM (GMT+7)
Giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng cao trong khi nguyên liệu gỗ trồng của Đồng Nai giá trị vẫn thấp. Việc nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu gỗ là cần thiết.
Bình luận 0

Lợi nhuận bị bào mòn

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh Đồng Nai vẫn có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 1,86 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2020. Đồng Nai tiếp tục giữ vững vị trí xuất khẩu gỗ đứng thứ 2 cả nước. Gỗ cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực với kim Ngạch lớn thứ 3 trong các ngành kinh tế của tỉnh.

Thế nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gỗ cho rằng, lợi nhuận của DN bị bào mòn bởi nhiều yếu tố. 

Trước hết là giá cước vận tải tăng cao do khan hiếm container để chở hàng. Đáng ngại hơn cả là tình trạng khan hiếm nguồn cung gỗ tại các quốc gia cung ứng gỗ nguyên liệu do các hoạt động giãn cách tạo ra. 

Các nước gia tăng nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu cho các công trình xây dựng, góp phần khan hiếm nguồn cung và đẩy giá xuất khẩu nguyên liệu tăng lên. Giá gỗ nhập khẩu trong năm 2021 đã có mặt hàng lên tới 300USD/m3.

Xây dựng thương hiệu gỗ bằng chứng nhận rừng trồng - Ảnh 1.

Công nhân tại doanh nghiệp chế biến gỗ nội thất ở tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

"Rừng này phải có chứng chỉ FSC để đạt tiêu chuẩn chế biến gỗ xuất khẩu. Và những cánh rừng trồng này cũng phải liên kết chuỗi với những người chế biến và tiêu thụ lâm sản".

Ông Lê Văn Gọi -

Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai

Ông Võ Quang Hà - Tổng Giám đốc Công ty CP Tavico (TP.Biên Hòa) cho biết, tỉnh Đồng Nai cần sớm chủ động nguồn nguyên liệu gỗ; nâng cao chất lượng gỗ từ rừng trồng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Đồng Nai có nguồn gỗ từ rừng trồng lớn, trong đó có gỗ cao su. Quan trọng là phải nỗ lực để đạt được các chứng chỉ, sự công nhận của thế giới đối với rừng bền vững.

"Khi nguyên liệu gỗ được công nhận, giá trị sản xuất, chế biến gỗ sẽ tăng cao hơn nhiều khi xuất khẩu sang các thị trường lớn" - ông Hà nói.

Ông Lê Xuân Quân - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) cho biết, mục tiêu mà ngành chế biến gỗ Đồng Nai đặt ra là đẩy mạnh liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ. Dowa sẽ phối hợp với Sở NNPTNT tổ chức liên kết chuỗi, tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Từ đó, tạo ra hệ sinh thái bao gồm từ nguyên liệu, chế biến cho đến xuất khẩu gỗ.

Giải bài toán thiếu nguyên liệu

Theo Tổ chức Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm tăng cường đóng góp từ rừng và quản lý rừng bền vững), dịch Covid-19 sẽ còn làm tăng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu, gây khó khăn cho các DN. Nguồn gỗ rừng trồng trong nước được kỳ vọng là nguồn cung quan trọng để thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Thế nhưng đến nay, nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước có chất lượng còn ít. Phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60-70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Nguồn cung gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) vẫn rất hạn chế.

Theo Sở NNPTNT tỉnh, Đồng Nai hiện có 199.981ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 1/3 diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Đồng Nai còn có gần 40.000ha cây cao su và cây trồng phân tán, cây vườn nhà. Đây là tiềm năng lớn về nguồn cung cấp nguyên liệug gỗ. Mỗi năm, nguồn nguyên liệu gỗ và lâm sản cung ứng cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.300.000m3/năm. 

Tuy nhiên, nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 260.000m3 (chiếm 20%). Sau 3 năm cùng cả nước thực hiện đề án quản lý rừng bền vững (được Chính phủ phê duyệt năm 2018), Đồng Nai đã có 7.737ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Khoảng 3.263ha rừng trồng đang triển khai thực hiện nhưng chưa có kết quả đánh giá.

Tính đến nay, Đồng Nai vẫn còn nhiều diện tích rừng của các tổ chức chưa được xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Còn khoảng 3 triệu ha rừng do UBND các xã quản lý nhưng không phải là chủ rừng để có thể xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Việc triển khai phương án quản lý rừng bền vững sau khi được phê duyệt gặp khó khăn.

Ông Lê Văn Gọi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, việc bảo đảm nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp còn hạn chế, chất lượng gỗ không đồng đều.

Sự liên kết hợp tác giữa người trồng rừng và nhà sản xuất chế biến gỗ chưa nhiều và chặt chẽ. Doanh nghiệp khó chủ động được nguồn nguyên liệu; giá cả không ổn định. Việc phối hợp với Hiệp hội Dowa, xây dựng liên kết chuỗi để nâng cao giá trị và phát triển thương hiệu ngành gỗ là cần thiết. Trong đó, ngành nông nghiệp phải tiến tới tạo lập được vùng nguyên liệu rừng trồng cây gỗ lớn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem