Đừng tước “vũ khí” của nhà báo trong tác nghiệp điều tra

Lương Kết (thực hiện) Thứ bảy, ngày 15/04/2017 09:36 AM (GMT+7)
“Khi điều tra những vụ việc tiêu cực, phức tạp, nhà báo ngoài khả năng “diễn xuất” họ chỉ có thêm những thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình để lấy chứng cứ. Nếu quy định nhà báo không được sử dụng thì vô hình chung tước đi “vũ khí” của nhà báo khi tác nghiệp điều tra”, ông Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Nhiều loại thiết bị ngụy trang để ghi hình được rao bán công khai trên mạng (ảnh minh họa)

Theo dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an xây dựng, kể cả nhà báo cũng không được sử dụng những thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang dưới hình dạng  các thiết bị, đồ vật thông thường như cúc áo, bút viết, kính mắt… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tác nghiệp điều tra, thưa ông?

- Cùng với sự phát triển tích cực của xã hội, chúng ta ghi nhận nhưng mặt xấu cũng  xuất hiện nhiều. Điều đáng nói những biểu hiện của cái xấu ngày càng tinh vi khó phát hiện. Để lên tiếng phanh phui những cái xấu, bảo vệ cái đúng thì những nhà báo khi tác nghiệp họ cũng phải có những công cụ, phương tiện phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tế.

Ví dụ ở đâu đó đang chế biến thực phẩm mất vệ sinh, gây độc hại cho hàng trăm, hàng nghìn người ăn nhưng họ hoạt động kín kẽ, thủ đoạn tinh vi, nhà báo muốn thâm nhập thực tế ngoài việc cải trang thì họ cần phải có những thiết bị ngụy trang để tránh bị đối tượng phát hiện. Có như thế nhà báo mới có thể thu thập tư liệu để phanh phui cái xấu này ra.

Dĩ nhiên có những thiết bị ngụy trang, những phần mềm chuyên biệt để định vị, nghe lén từ xa thì chỉ cơ quan chức năng mới được phép dùng. Còn những thiết bị như máy quay ngụy trang dưới dạng cúc áo, kính mắt, đồng hồ, bút… cái đó không còn gì xa lạ thì nhà báo có thể được trang bị để đảm bảo cho điều kiện tác nghiệp điều tra.

Hàng năm nhiều tác phẩm báo chí điều tra lan tỏa lớn trong xã hội, đoạt giải báo chí, để có được tác phẩm như vậy nhà báo đã phải sử dụng các thiết bị ngụy trang để bí mật ghi hình, thu thập tư liệu thưa ông?

- Trong hoạt động báo chí, lĩnh vực điều tra chống tiêu cực là lĩnh vực khó nhất nhưng lại là thông tin bạn đọc quan tâm nhất, đây cũng là thông tin các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cũng cần để giúp cho quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó được tốt hơn. Ví dụ báo chí điều tra thông tin về tình trạng “cát tặc”, nếu nhà báo chỉ tác nghiệp bình thường, nghĩa là đến đoạn sông đó ghi chép, phỏng vấn, ghi hình thì sẽ không thu thập được thông tin cần thiết ẩn đằng sau hoạt động “cát tặc” đó. Với cách làm này nhà báo có thể còn gặp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng và tài sản. Cho nên trong trường hợp này cần có những thiết bị ngụy trang để ghi hình.

Đối với cơ quan Công an khi tiến hành điều tra về một vụ việc sai phạm nào đó, ngoài các thiết bị cần thiết họ còn được trang bị công cụ hỗ trợ, còn đối với nhà báo để thâm nhập điều tra những vụ việc tiêu cực, những vấn đề nóng, nhạy cảm của xã hội, ngoài khả năng “diễn xuất” của bản thân, họ chỉ có thêm những thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình để lấy chứng cứ. Nếu quy định nhà báo không được sử dụng các thiết bị đó thì vô hình trung tước đi “vũ khí” của nhà báo khi tác nghiệp điều tra.

Quy định trên dẫn tới hai vấn đề, thứ nhất là nhà báo vẫn dùng thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình như thế là bất hợp pháp, thứ hai nếu nhà báo không dùng thì họ sẽ không dám dấn thân để phản ánh tiêu cực bởi sự nguy hiểm sẽ lớn hơn. Như vậy nhiều thông tin tiêu cực sẽ không được phát hiện và phản ánh kịp thời thưa ông?

- Tôi nghĩ cơ quan soạn thảo Nghị định này (Bộ Công an) sau khi xem xét các ý kiến của Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, phóng viên và xã hội, cần phải có sự phối hợp để đưa ra quy định cho phù hợp. Một mặt chúng ta đảm bảo an ninh đất nước, trật tự an toàn xã hội, tránh lợi dụng các thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình để xâm hại đến đời sống riêng tư của công dân. Mặt khác chúng ta không hạn chế những công cụ cần thiết để bảo vệ quyền tác nghiệp của báo chí. Trong trường hợp này, dự thảo Nghị định cần có sự thay đổi cho phù hợp.

Vai trò của báo chí truyền thông trong thực tế hiện nay phải hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi tiếp cận và phanh phui ra những vụ việc tiêu cực, chính báo chí làm cho đời sống xã hội tốt hơn, giúp cho sự phát triển xã hội tốt hơn, chứ không phải báo chí làm cản trở sự phát triển. Dĩ nhiên phải trên cơ sở luật pháp, Luật báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Cái xấu của xã hội muôn hình vạn trạng, đặc biệt những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tội phạm... Để phát hiện và xử lý những tiêu cực này thực tế đã chứng minh báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì thế nhà báo muốn tác nghiệp được trước sự tinh vi, phức tạp của kẻ xấu thì họ phải có phương tiện, thiết bị phù hợp.

Xin cảm ơn ông.

Khái niệm về thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị được xác định trong Điều 3 của Nghị định này như sau: Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

Từ khái niệm trên cho thấy, thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là một loại thiết bị (không phải là máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm thông thường hoặc điện thoại thông minh…người dân vẫn đang được phép sử dụng) mà chúng được thể hiện dưới hình dạng của các thiết bị, đồ vật thông thường (như cúc áo, bút viết, lọ hoa, kính mắt...)

(Trích báo Công an Nhân dân)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem