Nhiều xã gặp khó
Ông Phạm Thành Đô - Bí thư Đảng ủy xã Tam Đồng, huyện Mê Linh cho biết, hiện việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (NTM) của xã đang gặp khó khăn, ví dụ một số tiêu chí trước đây đã đạt như hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, nhưng nay lại không đạt do nhiều vị trí cán bộ thuyên chuyển công tác, khuyết các chức danh.
Sau nhiều năm, công trình trạm bơm Gạn ở thôn Bồng Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) vẫn chưa được hoàn thành khiến nhân dân tại địa phương này rất bức xúc. Ảnh: Hải Đăng
Tính đến hết quý I.2017, huyện Mê Linh đã thực hiện cứng hóa 22,5km đường ngõ xóm, 40km trục chính nội đồng bằng cấp phối đá dăm; xây mới 1 trạm bơm, kiên cố hóa 15km kênh tưới bằng bê tông đúc sẵn; xây mới 1 trường học, cải tạo và nâng cấp 5 trường học… |
“Xã đã lập dự toán xây dựng 29 tuyến đường giao thông nông thôn dài 4,5km và đang đề nghị huyện bố trí cấp vật tư. Với hệ thống giao thông nội đồng, xã đã có kế hoạch thi công 7,5km rải đá cấp phối, nhưng nay mới dừng ở khâu xin chủ trương đầu tư. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã Tam Đồng hiện mới có 1/3 thôn có nhà văn hóa nhưng lại nằm trong khuôn viên chùa, đang xin tách ra vị trí mới; 2 thôn còn lại vẫn chưa có nhà văn hóa” - ông Đô chia sẻ.
Được biết, xã Thanh Lâm đã về đích NTM từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, việc hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất của bà con nông dân. Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn xã Thanh Lâm có 9 thôn, tuy nhiên đến nay, mới chỉ có hai thôn là Ngự Tiền và Đức Hậu hoàn thành dồn đổi ruộng đất. Việc không dồn ghép được ruộng đất cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng của xã gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, xã đã có kế hoạch bố trí nguồn vốn cho hạng mục này. Trước mắt, địa phương đang tập trung vận động bà con ủng hộ việc dồn ghép ruộng đất nhằm tạo thuận lợi cho quy hoạch phát triển sản xuất, trước khi đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.
"Thanh Lâm là địa phương còn nhiều khó khăn nhất của huyện Mê Linh. Để có thể hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó có giao thông, thủy lợi nội đồng, xã rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn từ thành phố và huyện" - ông Giỏi nói.
Cần cấp kinh phí kịp thời
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mê Linh cho biết, các công trình giao thông, thủy lợi được vận dụng theo Quyết định 16/2012/QĐ-UBND TP.Hà Nội là hỗ trợ sau đầu tư. Theo đó, các xã huy động nhân dân, doanh nghiệp làm trước, sau khi quyết toán thì mới cấp kinh phí hỗ trợ.
"Trong trường hợp các xã không làm thì huyện không thể phân bổ kinh phí hỗ trợ. Để làm tốt tiêu chí này, địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia - ông Tuấn nói.
Lý giải nguyên nhân một số xã của huyện gặp khó khăn trong quá trình xây dựng NTM, ông Phùng Minh Chiến - Phó Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh cho biết, tháng 3 và tháng 4.2016, huyện đã làm việc với từng xã để tháo gỡ khó khăn đối với các tiêu chí về giao thông, thủy lợi trong xây dựng NTM.
"Đặc biệt, để giúp các xã, huyện đã cấp đủ 100% kinh phí cho các xã triển khai, tuy nhiên, kết quả thực hiện chậm. Đối với tiêu chí nhà văn hóa, quan điểm chỉ đạo của huyện là xã nào có điều kiện làm thì cho khởi công ngay và đã bố trí đủ kinh phí. Tuy nhiên, có xã chưa bố trí được quỹ đất hoặc chậm giải phóng mặt bằng mới dẫn đến chậm tiến độ" - ông Chiến khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.