Được động viên “nhường ghế”, cán bộ lớn tuổi Đà Nẵng đồng thuận?

Đình Thiên (thực hiện) Thứ sáu, ngày 17/02/2017 10:57 AM (GMT+7)
Về việc trong Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi mà Ban Thường vụ Thành ủy mới ban hành có nhắc đến việc cần thiết phải động viên cán bộ lớn tuổi nhường vị trí, ông Trần Đình Hồng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng “đa số cán bộ lớn tuổi đồng thuận...”.
Bình luận 0

Ngày 17.2, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Hồng - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Trách nhiệm của “người tiến cử” rất lớn!

Với việc Đề án 6575 cho phép cấp trên tiến cử cấp dưới, liệu có biện pháp nào nhằm triệt tiêu việc tiến cử “anh em, họ hàng, thân quen” để tạo sự công bằng, minh bạch cho tất cả các đối tượng đáp ứng yêu cầu của Đề án này hay không, thưa ông?

img

Chính quyền Đà Nẵng tập trung phát triển thành phố Đà Nẵng năng động, chuyên nghiệp, hiện đại (Ảnh: Đình Thiên)

- Trong Đề án có quy định rất rõ trách nhiệm của người được quyền tiến cử. Những cán bộ trẻ sau khi được tiến cử sẽ phải qua sự sàng lọc, đánh giá của nhiều cấp. Những cấp này sẽ lấy ý kiến tham khảo của cả tập thể cấp ủy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi người được tiến cử đang công tác.

Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ loại bỏ ngay những người chưa, không xứng đáng và không có triển vọng phát triển. Với việc sàng lọc kỹ ngay từ khâu đầu tiên, tôi tin chắc sẽ không để xảy ra những trường hợp được tiến cử mà thiếu công tâm, khách quan, công bằng.

Ngoài ra, sẽ gắn trách nhiệm của người tiến cử với “chất lượng” cán bộ tham gia Đề án. Như vậy, người được quyền tiến cử trước khi tiến cử phải có sự đánh giá, lựa chọn chính xác, khách quan để khi công bố nhận được sự đồng thuận của tập thể. Nếu sau khi tiến cử, cơ quan có thẩm quyền thẩm định cho thấy có sự thiếu công tâm, khách quan và không có sự đồng thuận của đa số trong tập thể đơn vị, chắc chắn uy tín của người thủ trưởng tiến cử sẽ bị ảnh hưởng.

Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra giới hạn số tuổi tham gia Đề án dưới 35 tuổi. Liệu độ tuổi này có còn quá trẻ, có đủ kinh nghiệm, bãn lĩnh để nắm giữ các vị trí “quốc kế, dân sinh” của thành phố hay không?

- Các địa phương trên cả nước từ trước tới nay không thiếu các chức danh Bí thư, Chủ tịch cấp quận, huyện hay các vị trí tương đương là cán bộ trẻ độ tuổi 35. Nếu họ được đào tạo bài bản, có năng lực thực sự và có ý thức rèn luyện sẽ đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh các yếu tố được đào tạo bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có năng lực, có uy tín… thì ở độ tuổi dưới 35, cán bộ vừa có thời gian trải nghiệm thực tiễn sau một thời gian tốt nghiệp bậc đại học, đồng thời còn đủ thời gian để được đào tạo và thử thách rèn luyện trước khi tính toán bố trí vào vị trí lãnh đạo, đáp ứng quy định hiện nay của Trung ương về độ tuổi cán bộ trẻ cấp tỉnh, thành phố là dưới 40. Đó là lý do để thành phố xem xét đưa ra tiêu chuẩn “có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án”.

Giải bài toán “chuối chín cả nải”

Trong Đề án nhắc đến việc "Nghiên cứu tăng thêm chức danh phó bí thư ở các quận uỷ, huyện uỷ, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, chức danh phó giám đốc (và tương đương) ở các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và nhưng nơi có điều kiện". Liệu việc này có cần thiết và có làm cồng kềnh thêm bộ máy của cơ quan nhà nước?

img

Ông Trần Đình Hồng cho biết cán bộ lớn tuổi đồng thuận trẻ hóa đội ngũ cán bộ (Ảnh: Đình Thiên).

- Tôi nghĩ rằng việc này là cần thiết, cái quan trọng là cách chúng ta thực hiện như thế nào. Các chức danh cấp phó này chính là những vị trí rất phù hợp với mục tiêu đào tạo, rèn luyện cán bộ. Nhiệm kỳ vừa qua, Đà Nẵng được Trung ương thống nhất cho thực hiện Phó Bí thư tăng thêm, Ban Thường vụ Thành ủy cũng triển khai thực hiện cơ chế này ở một số quận, phường xã và đã có nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý các cấp được trưởng thành từ chính cơ chế này.

Trong đề án cũng đã nói rõ việc tăng thêm các chức danh nêu trên chỉ thực hiện đối với những nơi có điều kiện, cụ thể là những địa phương, đơn vị chưa có đội ngũ lãnh đạo kế cận, hay chúng ta vẫn gọi nôm na là gặp tình trạng “chuối chín cả nải” và những địa bàn rộng, khó khăn, phức tạp...

Phải xác định rõ rằng việc tăng thêm này chỉ nhằm mục đích đào tạo cán bộ tại một thời điểm, một giai đoạn nhất định; khi cán bộ đã được rèn luyện, thử thách và đảm nhận vị trí cao hơn thì cơ chế tăng thêm tại địa phương, đơn vị ấy sẽ không thực hiện nữa. Việc tăng thêm này là có chọn lọc, không thực hiện đại trà và nhất là không hề làm tăng thêm tổng biên chế chung. Chắc chắn rằng Đà Nẵng sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nhiều nhân tài chưa có việc: Lãng phí?

Hiện nhiều nhân sự các đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao của thành phố vẫn chưa được bố trí vị trí tương xứng. Vấn đề này Bí thư Thành ủy đã có nhắc đến nhiều lần. Tại sao Đà Nẵng không nghĩ đến sử dụng nguồn nhân lực này trước? 

- Việc đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chủ yếu là đào tạo sâu về chuyên môn, sau đào tạo thì nhìn chung các đối tượng này đều chứng tỏ được năng lực, phát huy rất tốt trong vai trò là cán bộ tác nghiệp ở những lĩnh vực cụ thể. Thời gian qua cũng có không ít cán bộ được đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được tín nhiệm bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số sở, ngành.

Để được xem xét bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì phải có tố chất, tức là bên cạnh yếu tố chuyên môn tốt còn phải vững về bản lĩnh chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý... Vì vậy, quan trọng là phải xem xét bố trí vị trí phù hợp nhất với tố chất, năng lực của từng cán bộ chứ không phải đối tượng nào tham gia Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ mặc nhiên phát triển thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đà Nẵng động viên người lớn tuổi nghỉ hưu để dành vị trí cho lứa cán bộ trẻ dưới 35 thử thách nhận được phản hồi từ lớp cán bộ này như thế nào?

- Không phải mới đây, mà suốt trong thời gian qua, Ban Thường vụ đã đưa ra một số chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi rồi.

Rất vui là đa số cán bộ của thành phố nói chung và phần lớn cán bộ lãnh đạo các cấp lớn tuổi nói riêng đều có sự nhìn nhận, đồng thuận tích cực đối với việc quan tâm, tạo điều kiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ.

Còn cá nhân tôi cho rằng, vấn đề khó là việc làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ đủ tâm và tầm để đảm nhận trách nhiệm tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành “Đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; động lực phát triển của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên".

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem