Được hỗ trợ tới 50 triệu đồng, nông dân trồng lúa xứ Đông yên tâm sản xuất

Nguyễn Tuyền - Thu Hằng Thứ tư, ngày 14/07/2021 14:05 PM (GMT+7)
Để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp trong khâu gieo cấy lúa, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 - 2025” với những hỗ trợ chưa từng có, nhằm tăng diện tích cấy máy, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nghề trồng lúa.
Bình luận 0

Hỗ trợ cao nhất 50 triệu đồng

Đề án "Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020 - 2025" của tỉnh Hải Dương hỗ trợ 1 lần không quá 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên; hỗ trợ 10.000 đồng/khay đựng mạ; 1.000 đồng/kg giá thể; hỗ trợ việc chỉ đạo, xây dựng các mô hình cấy máy, tập huấn, sơ kết, hướng dẫn kỹ thuật gieo, chăm sóc mạ.

Đối tượng được hỗ trợ theo đề án là các tổ chức, cá nhân sản xuất mạ khay, cấy máy trên địa bàn tỉnh. Để được hỗ trợ, các cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy phải có quy mô sản xuất từ 10.000 khay mạ/vụ để cấy từ 40ha lúa/vụ trở lên. Có hợp đồng cung cấp mạ khay với chủ máy cấy, các HTX dịch vụ nông nghiệp, nhóm hộ nông dân...

Hỗ trợ mạnh cho cơ giới hóa trồng lúa ở xứ Đông - Ảnh 1.

Trình diễn vận hành máy cấy trên đồng ruộng tại xã Tân Hồng (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Bình Minh

Tổng kinh phí hỗ trợ của đề án là gần 38,5 tỷ đồng, được trích từ nguồn hỗ trợ bảo vệ đất lúa theo Nghị định 35/2015 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, kinh phí sự nghiệp của tỉnh Hải Dương, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Năm 2020, đề án đã hỗ trợ 160.000 khay và 320 tấn giá thể cho 4 cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mở mới và 8 cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mở rộng. Xây dựng 106 mô hình cấy máy trình diễn với diện tích 360ha, xây dựng 16 mô hình cấy máy mở rộng với diện tích 560ha; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật 100% cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy và các hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn cấy máy.

Kết quả thực hiện đề án đã làm tăng diện tích cấy lúa bằng mạ khay cấy máy của tỉnh năm 2020 đạt 6.895ha trong tổng số 110.888ha gieo cấy, chiếm 6,22% diện tích, vượt 1,18% so với mục tiêu đề án đặt ra năm 2020.

Năm nay, đề án tiếp tục hỗ trợ 131.000 khay và 517 tấn giá thể cho 8 cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mở mới; xây dựng 99 mô hình cấy máy trình diễn với diện tích 360ha, xây dựng 50 mô hình cấy máy mở rộng với tổng diện tích 560 ha.

Trong đó, huyện Nam Sách là một trong những huyện có diện tích cấy lúa bằng máy phát triển nhanh, từ chỗ chỉ có 117ha vụ xuân, đến vụ mùa đã tăng lên 200ha. Do được cấy bằng máy nên lúa phát triển đều, chín đồng loạt, giúp bà con thu hoạch thuận lợi.

Đặc biệt, cấy lúa bằng máy giúp lúa phát triển đồng đều nên ít sâu bệnh, năng suất lúa đạt cao, trong đó giống Bắc Thịnh đạt từ 68 - 70 tạ/ha; TBR225 và BC 15 đạt 66 tạ/ha; ĐH12 đạt 63 tạ/ha. So với cấy bằng phương pháp thủ công, các giống lúa được cấy máy năng suất đều cho năng suất cao hơn từ 1 - 1,5 tạ/ha.

Tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế bỏ ruộng

Hỗ trợ mạnh cho cơ giới hóa trồng lúa ở xứ Đông - Ảnh 3.

Thực tiễn ở các mô hình cho thấy, việc đưa mạ khay, cấy máy vào đồng ruộng giúp tăng năng suất lao động tới 30 - 40 lần so với cấy tay. Đặc biệt, giải pháp này giúp người trồng lúa giảm nhiều loại chi phí đầu vào: giảm ngày công lao động (từ 2 - 2,2 triệu đồng/ha), giảm lượng giống lúa so với gieo cấy thủ công từ 20 - 30% (10-12kg giống/ha), giảm 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Chi phí đầu vào giảm, nhưng năng suất lúa trong các mô hình đều cao hơn so với gieo cấy thủ công từ 3,2 - 13,1%, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với gieo cấy thủ công từ 4,0 - 13,8 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, việc cấy lúa bằng máy là điều kiện tốt nhất để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung theo phương châm: "Một vùng, một giống, một thời gian", ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ để giảm sức lao động, nâng cao năng suất lao động trong sản xuất lúa, hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Ông Nguyễn Phú Thụy - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết, để thực hiện đề án thành công, Trung tâm đã phân công các cán bộ kỹ thuật phụ trách các địa phương tham gia đề án; tổ chức tập huấn cho nông dân, các cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy về kỹ thuật sản xuất mạ khay cấy máy và chăm sóc lúa cấy máy. Qua đó, các chủ cơ sở sản xuất mạ khay tiếp thu thêm được tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất mạ khay cấy máy, các hộ nông dân tham gia mô hình cấy lúa bằng máy đã có thay đổi nhận thức trong sản xuất lúa.

Theo ông Thuỵ, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy mới mở, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy cho nông dân, chỉ đạo kỹ thuật các mô hình cấy máy, tăng cường tuyên truyền hiệu quả của đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng để mở rộng diện tích cấy máy các năm sau đạt và vượt mục tiêu đề án đặt ra. 


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem