Tiền Giang: Nuôi đàn thú phát ra mùi xạ hương ở chuồng heo cũ, ai ngờ nhiều người kéo đến xem

Trần Đáng Thứ tư, ngày 14/07/2021 06:01 AM (GMT+7)
Thất bại nuôi heo do dịch tả heo châu Phi, anh Nguyễn Văn Tiến (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) xoay sang nuôi chồn hương trong khu chuồng heo cũ. Có ai ngờ đâu có ngày anh giàu hẳn lên nhờ nuôi con phát ra mùi xạ hương này. Nhiều người kéo đến xem, tham quan mô hình nuôi loài thú nhìn như mèo của anh.
Bình luận 0

Hiện, anh Nguyễn Văn Tiến (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) nuôi chồn hương với tổng đàn hơn 200 con. Thu nhập của gia đình anh chủ yếu từ nguồn bán chồn hương giống.

Tiền Giang: Lấy chuồng heo nuôi con phát xạ hương, anh nông dân bất ngờ làm giàu - Ảnh 1.

Anh Tiến (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong khu nuôi chồn hương của gia đình. (Ảnh: Trần Đáng)

Nuôi chồn hương làm giàu

Trong diện tích 1.000m2 chuồng heo trước đây, anh Tiến cho đóng khá nhiều lồng sắt kiên cố, sàn gỗ để nuôi chồn hương. 

Những lồng sắt này có đáy cách mặt đất khoảng 50cm. Theo anh Tiến, vì chủ yếu nuôi chồn hương đẻ nên việc bố trí chuồng rất quan trọng để dễ vệ sinh chuồng trại.

Ngay lúc khởi nghiệp nuôi chồn hương, anh Tiến chỉ nuôi 3 cặp chồn giống. Để có những con chồn nuôi chất lượng, anh Tiến chọn nuôi những con nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt, mắt mũi tinh,…

Chỉ sau này, khi chọn con làm giống, anh Tiến lấy những con chồn hương nuôi từ nhỏ tại chuồng, vì chồn giống đã có thời gian thích nghi với môi trường nuôi nhốt.

Theo anh Tiến, chồn hương  sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Thời gian chồn sinh sản thường từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. 

Chồn cái đến giai đoạn động đực thường phát ra tiếng kêu lạ, bỏ ăn phá chuồng. Còn chồn đực tiết ra xạ hương thơm để quyến rũ con cái.

"Khi đó người nuôi thả con chồn đực vào chuồng của con chồn cái để chồn giao phối. Nên thực hiện ngay khi chồn động đực để có chất lượng và hiệu quả cao nhất", anh Tiến chia sẻ.

Chồn mang thai trong vòng 90 ngày. Sau khi sinh chồn con sẽ mở mắt sau 7 - 10 ngày. Thời gian đầu chồn con sẽ bú sữa mẹ. Đến khi được 35 ngày tuổi chồn con sẽ tập ăn thức ăn của mẹ. Khi chuồn con được 60 ngày tuổi thì người nuôi cho tách bầy.

Tiền Giang: Lấy chuồng heo nuôi con phát xạ hương, anh nông dân bất ngờ làm giàu - Ảnh 3.

Nuôi chồn hương đẻ đang làm giàu cho anh Tiến. (Ảnh: Trần Đáng)

Khi ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa, khi được thuần hóa thì chồn mẹ có thể đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 3 đến 6 con.

Anh Tiến cho biết, hiện giá mỗi cặp chồn hương giống khoảng 7 triệu đồng.

Ngoài bán chồn hương giống, anh Tiến còn bán chồn hương thịt với giá chồn hương thịt là từ 1,5 – 1,8 triệu đồng/kg. Mỗi con chồn hương thịt có trọng lượng 5 - 7 kg.

Tuy giá cao, nhưng hiện nay trại chồn hương của anh Tiến không đủ số lượng chồn hương giống cung ứng cho khách hàng.

 Nuôi chồn hương thành công phải chịu cực

Theo anh Tiến, chồn hương ăn tạp, ít bệnh. Nuôi chồn hương không cần diện tích rộng. Trung bình, mỗi con chồn hương chỉ tốn 3.000 - 4.000 đồng mua thức ăn, gồm: Trái cây, cá nhỏ, lươn…

Anh Tiến nhận xét, so với các mô hình chăn nuôi như: Lợn, dê, gà, vịt… thì nuôi chồn hương cho thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng, muốn nuôi chồn hương thành công, bà con nông dân phải chịu cực. Theo đó, để giữ cho môi trường nuôi chồn đẻ không bị ô nhiễm, chuồng nuôi chồn hương đẻ phải luôn khô ráo, sạch sẽ. 

Tiền Giang: Lấy chuồng heo nuôi con phát xạ hương, anh nông dân bất ngờ làm giàu - Ảnh 4.

Theo anh Tiến, nuôi chồn hương khá dễ, nông dân chỉ chịu cực là thành công. (Ảnh: Trần Đáng)

Mỗi ngày, người nuôi phải quét dọn khu chuồng trại, cho phân và nước tiểu thoát ra ngoài thông qua hệ thống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường.

Hiện, mô hình nuôi chồn hương của anh Tiến đang thu hút nhiều bà con nông dân đến xem, tham quan, tìm hiểu. 

Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiểng Phước cho biết, đây là mô hình nuôi chồn hương đầu tiên ở địa phương, là mô hình độc đáo, cho thu nhập cao.

Mô hình nuôi chồn hương này góp phần làm đa dạng hóa loài vật nuôi và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. 

"Anh Tiến là nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi ở địa phương. Hội Nông dân đang định hướng cho bà con nông dân ở địa phương nuôi chồn hương hợp lý", ông Bình cho biết.

Chồn hương là một loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm.

Không chỉ vậy, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt chồn hương ngọt và mềm nên rất được thị trường ưa chuộng.

Hiện nghề nuôi chồn hương đang phát triển tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem