Được tiếp vốn, nông dân Sơn Dương biến vườn hoang thành trang trại

Thu Hà Thứ tư, ngày 20/05/2020 05:00 AM (GMT+7)
Hội Nông dân (ND) huyện Sơn Dương, Tuyên Quang có trên 26.000 hội viên sinh hoạt ở 33 cơ sở Hội và 400 chi hội. Thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Sơn Dương đã thực hiện nhiều biện pháp giúp các hội viên thi đua phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bình luận 0

Hỗ trợ hội viên sản xuất

Là 1 trong những nông dân xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện Sơn Dương, ông Hoàng Văn Bình (thôn Tân Bình, xã Sơn Nam) vui mừng cho biết: Được tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, năm 2014 ông mạnh dạn chuyển đổi 1ha vườn tạp để trồng 1.500 gốc chanh hồng. Mỗi năm vườn chanh cho thu hơn 10 tấn quả, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Có vốn, ông đầu tư nuôi thêm 6 lợn nái, 1 cặp bò sinh sản. Mỗi năm từ trồng trọt, chăn nuôi, gia đình ông thu lãi hơn 130 triệu đồng.

Năm 2015, Hội ND huyện Sơn Dương đã đứng ra tín chấp cho một số thành viên trong hợp tác xã (HTX) chè Ngân Sơn ở thôn Trung Long, xã Trung Yên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với mức 30 triệu đồng/hộ để phục tráng và thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống chè mới, có năng suất, chất lượng cao.

Tiếp vốn, biến vườn hoang thành trang trại - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Sơn Dương đã đầu tư chăn nuôi hiệu quả. Ảnh: Thu Hà

Anh Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX chè Ngân Sơn cho biết: "Được vay vốn ưu đãi, các thành viên trong HTX đã đầu tư trồng các giống chè mới và đạt kết quả cao. Đến nay năng suất, chất lượng chè trên diện tích chè phục tráng của HTX đã được nâng lên rõ rệt; giá chè khô trước đây chỉ bán được từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 200.000 - 250.000 đồng/kg. Quá trình sản xuất sản phẩm chè của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP".

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội ND huyện Sơn Dương đổi mới nội dung hoạt động, tích cực vận động hội viên nông dân thực hiện 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Để hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh, Hội ND huyện Sơn Dương đã tích cực tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn quỹ đạt trên 3,9 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã xây dựng được 12 dự án về chăn nuôi trâu, lợn sinh sản, thâm canh cây chè, nuôi ong lấy mật... cho 133 hộ hội viên nông dân, trong kỳ đã luân chuyển được 20 lượt dự án cho nông dân vay phát triển sản xuất.

Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT nhận nguồn vốn ủy thác trên 452 tỷ đồng cho 8.706 lượt hội viên vay đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân thi đua sản xuất giỏi

Bên cạnh đó, Hội ND thực hiện dự án vay bò trả bê tại 3 xã Trung Yên, Lương Thiện, Tân Trào. Số bò ban đầu được vay là 258 con, đến nay đàn bò đã sinh sản và phát triển thêm 820 con bê, luân chuyển cho 678 hộ vay.

Từ việc hỗ trợ hiệu quả nông dân tham gia phát triển kinh tế, Hội ND các cấp cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, nông dân đã đóng vai trò chủ thể trong việc đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng làm đường bê tông nông thôn, kênh mương bê tông, làm 3 công trình hợp vệ sinh... Hội viên nông dân các cấp đã đóng góp trên 59 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng đầu tư kinh phí xây dựng nông thôn mới của huyện.

Song song với tạo nguồn vốn vay, hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 400 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho trên 23.000 lượt hội viên về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy nhiều hộ đã tập hợp nhau lại thành lập các tổ sản xuất kinh doanh như các tổ chế biến gỗ xuất khẩu tại xã Xuân Vân, chế biến chè tại xã Mỹ Lâm, Mỹ Bằng, trồng rừng tiêu chuẩn FSC tại xã Tiến Bộ…

Thực hiện đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Hội ND huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở được gần 200 lớp đào tạo cho 6.697 học viên là lao động nông thôn. Hội cũng phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ việc làm của Hội ND tỉnh mở 5 lớp đào tạo nghề cho 170 lao động nông thôn. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng nấm, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi được duy trì và phát triển, tập trung vào các ngành nghề như kinh doanh dịch vụ, mô hình VAC, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt... Số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp của huyện hiện có 7.780 hộ; thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người nông dân hiện nay gấp 2 đến 3 lần so với năm 2010.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem