Kết thúc trận đấu với U23 Indonesia, chứng kiến Công Phượng nhiều lần xin bóng mà không có, một vài người hâm mộ đã đặt câu hỏi, phải chăng “Công Phượng” đang bị cô lập ở ĐT U23 Việt Nam? Câu chuyện càng trở nên xôm tụ khi ở nhiều tình huống trên sân, tiền đạo số 10 của HAGL thể hiện sự tức giận với một vài tình huống mất bóng hay phối hợp không ăn ý của các đồng đội.
Khó có chuyện Công Phượng bị "cô lập" ở U23 Việt Nam (Ảnh TT&VH).
Thế nhưng gần như ngay lập tức, các chuyên gia bóng đá và cả các thành viên đội tuyển đã lên tiếng phản bác. Theo chuyên gia Vương Tiến Dũng, chẳng có sự cô lập nào đối với Công Phượng ở đây cả. Cựu HLV Thể Công nhận định, vì HLV Miura xây dựng U23 VN theo hơi hướng phòng ngự phản công, đề cao sự hiệu quả và những đường chuyền một chạm nhanh nên một cầu thủ có lối chơi rườm rà như Công Phượng tất nhiên sẽ có nhiều thời điểm “đói bóng”.
Cũng theo ông Vương Tiến Dũng, với một HLV đề cao tinh thần đoàn kết và kỷ luật như ông Miura thì khó có chuyện Công Phượng bị cô lập ở U23 Việt Nam. Chung quan điểm là HLV Trần Bình Sự. Theo vị nhà cầm quân của CLB Đồng Nai, U23 Việt Nam đã có một trận đấu không tốt trước U23 Indonesia, phối hợp không gắn bó, chứ không phải vì các cầu thủ kéo bè, kéo cánh và rồi cô lập lẫn nhau.
Trong khi đó, những tuyển thủ thân cận với Công Phượng ở U23 Việt Nam như Huy Toàn, Quế Ngọc Hải lại càng bày tỏ sự tức giận hơn trước luồng ý kiến “số 10” bị cô lập. "Về chuyện Công Phượng, tôi cam đoan không có gì bất thường, không ai cô lập ai. Thậm chí cả đội đều đánh giá cao sự có mặt của cậu ấy trong hiệp hai, giúp hàng công chơi tốt hơn hẳn. Công Phượng có tốc độ, khả năng đi bóng lắt léo và có thể thay đổi cục diện trận đấu trong tích tắc. Đây chắc chắn là thứ vũ khí nguy hiểm của đội tuyển U23 Việt Nam”, Quế Ngọc Hải giãi bày.
“Tôi cũng là cầu thủ nên không thể đưa ra lời nhận xét về Công Phượng chơi tốt hay không. Nhưng tôi khẳng định cả đội đều quý mến Phượng, không ai có hiềm khích hay sự đố kỵ gì với các cầu thủ HAGL. Chúng tôi coi nhau như anh em một nhà”, Võ Huy Toàn, người đã ghi bàn duy nhất vào lưới U23 Indonesia, giúp U23 Việt Nam có chiến thắng 1-0, phát biểu.
Quả thực, dưới triều đại của một HLV nghiêm khắc và trọng tinh thần đoàn kết như Miura, nếu ai đó có ý định cô lập Công Phượng thì người đầu tiên họ cần phải vượt qua là nhà cầm quân người Nhật Bản. Những người theo dõi đội tuyển thời gian qua sẽ dễ dàng nhận thấy tính cầu toàn và đòi hỏi cao của chiến lược gia 53 tuổi này. Ông sẵn sàng dừng một trận đấu tập để “dạy dỗ” một cầu thủ vì những sai lầm rất nhỏ.
Nếu có ai đó phớt lờ 1, 2 đường chuyền đẹp cho Công Phượng, người đó đang phá hoại đội bóng của ông Miura. Với ông thầy người Nhật Bản, đó là chuyện không thể được chấp nhận. Các cầu thủ cũng cần hiểu Công Phượng là một cá nhân quan trọng và không thể tách rời của đội bóng. Cô lập số 10 cũng đồng nghĩa với việc phá hoại lối chơi của U23 Việt Nam. Khi một trong những cầu thủ tốt nhất đội bóng bị cô lập, sức mạnh tấn công của đội tuyển sẽ giảm đi, thành tích sẽ bị hạn chế, quyền lợi của các cầu thủ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nói chuyện Công Phượng bị “cô lập”, lại cần phải nhắc tới chuyện Công Vinh tại AFF Cup 2014. Trong một vài trận giao hữu trước giải, tiền đạo của B.Bình Dương thi đấu mờ nhạt và có phần lạc lõng. Rồi ngay cả khi vào giải, ngay cả khi ghi bàn vào lưới ĐT Indonesia, vẫn có cảm giác “CV9” bị tách ra khỏi các đồng đội... Nhiều người nói rằng, có lẽ do nhận mức “lót tay” quá cao để về B.Bình Dương nên tiền đạo 30 tuổi này bị dèm pha, ghẻ lạnh.
Thế nhưng càng vào sâu thì Công Vinh và các thành viên đội tuyển lại càng cho thấy, chẳng có sự “cô lập” nào ở đây cả. Tiền đạo người Nghệ An trở thành đầu tàu, cảm hứng trong lối chơi của toàn đội. 4 bàn thắng và nằm trong Đội hình xuất sắc nhất giải, Công Vinh đã cho thấy, những ngày đầu anh thi đấu phập phù là vì chưa bắt nhịp với lối chơi mà HLV Miura xây dựng, còn khi đã có lại cảm giác tốt nhất, những bàn thắng sẽ đến liên tiếp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.