Đường rộng thênh thang nhưng luôn vắng người đi lại
Liên quan đến việc huyện nghèo Lộc Hà (Hà Tĩnh) đầu tư xây dựng đường rộng 10 làn nhưng số người đi lại chỉ “đếm đầu ngón tay”, trong khi người dân các huyện miền núi như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang hàng ngày đang phải đánh đu tính mạng của mình trên các dòng sông hung dữ, theo tìm hiểu, nếu không thiếu vốn có lẽ dự án còn quy mô hơn.
Nơi đường rộng thênh thang nhưng vắng người
Ngày 13/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Phi Long, Phó trưởng Ban QLDA huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết, “Dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh lộ 9 có tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 298 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương và ngân sách Trung ương".
Theo đó, 6,5 km đầu tiên từ cầu Hộ Độ đến nút giao thứ nhất có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng đã được quyết toán, bàn giao Sở GTVT và đã hết hạn bảo hành. Đoạn đường 70 (đường 10 làn xe _PV) dài 5km tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng. Riêng 6,5 km còn lại với mức đầu tư 132 tỷ đồng chưa triển khai là do chưa có nguồn vốn, cắt giảm đầu tư.
Như vậy, mặc dù dự án được phê duyệt dài 18km, tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng nay chỉ triển khai 11,5km với tổng số tiền 350 tỷ đồng, còn lại 6,5km chưa thể triển khai do thiếu vốn 132 tỷ đồng.
Khu du lịch biển hiện mới chỉ có 3 nhà nghỉ.
Việc huyện Lộc Hà sau gần 10 năm thành lập đến nay vẫn chưa có thị trấn, thu ngân sách 9 tháng đầu năm chỉ đạt 69 tỷ đồng nhưng đã “xa xỉ” làm đường rộng 10 làn xe vì “tầm nhìn” đang khiến dư luận cả nước quan tâm.
Nhiều người dân cho rằng, đáng lẽ huyện Lộc Hà không nên làm đường rộng tới 10 làn xe, mà trước mắt chỉ làm 4 hoặc 6 làn xe và tăng chiều rộng diện tích thảm cỏ ở dải phân cách ở giữa đường. Sau khoảng 5, 10 năm nữa, khi xe cộ đi lại đã nhiều lên thì chỉ cần việc cắt xén thảm cỏ ở giữa để thảm nhựa, tăng làn xe. Nếu làm như vậy, sau này cũng không cần giải phóng mặt bằng. Số tiền dôi dư từ việc tiết kiệm này này sẽ dành làm các công trình giao thông khác của huyện, hoặc dùng số tiền đó để xây dựng nhà máy xí nghiệp giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Và nơi người dân hàng chục năm đi đò, cầu phao
Điều đáng nói hơn, trong khi huyện nghèo Lộc Hà làm đường rộng 10 làn xe nhưng lượng người đi lại “chỉ đếm đầu ngón tay”, thì tại huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh người dân đang hàng ngày “đánh đu với tử thần” khi phải đi qua những chiếc cầu phao tạm bợ, hoặc phải đi đò bám dây hay phải đi trên những cây cầu siêu vẹo sập lúc nào không biết. Nguyên nhân chính khiến họ phải đi lại khó khăn, vất vả như vậy là do ngân sách các huyện này không có tiền để xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Phương Mỹ cho biết trong 40 năm qua họ mơ ước có 1 cây cầu (chụp ngày 24/11)
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cho biết, cầu phao Phương Mỹ đã làm được gần 10 năm, dù biết là đi qua không được an toàn nhưng đã gần 40 năm qua người dân nơi đây luôn mơ ước có một cây cầu nhưng mãi đến nay vẫn chưa có cầu. Bởi con sông này đoạn qua đây gần 10km nhưng không có cây cầu nào, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa lũ. Năm ngoái, trên cầu phao này đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến em Phạm Văn Thành (SN 2004), trú tại xóm Thượng Sơn, xã Phương Mỹ tử vong.
Một cán bộ Ban QLDA huyện Hương Khê cho biết, sau nhiều năm chờ đợi thì đến nay tỉnh đã phê duyệt chủ trương xây cầu Phương Mỹ với tổng vốn đầu tư không quá 45 tỷ đồng. Nhưng hiện tại chỉ mới khảo sát, nếu có vốn kịp thời thì năm 2016 sẽ triển khai và đến giữa năm 2017 thì người dân Phương Mỹ sẽ có cầu đi. Tuy nhiên, tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê thì hiện có 3 bến đò nhưng vẫn chưa có dự án xây cầu nên người dân vẫn phải tiếp tục đi đò qua sông.
Người dân xã Hương Thủy không biết đến bao giờ mới có cầu đi
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 109 cầu dân sinh liên thôn, liên xã xuống cấp, hư hỏng. Trong đó, có khoảng 50 cầu thuộc diện phải thay thế hoặc làm mới khẩn cấp, nhưng hiện vẫn chưa có kinh phí.
Hệ lụy của việc huyện nghèo “chơi trội”
Trong khi cả nước đang thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí thì ngay tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) việc xây dựng làm đường rộng thênh thang nhưng vắng người đi lại khiến người dân cả nước lo lắng về cách “xài sang” của huyện này.
Người dân huyện Lộc Hà chủ yếu trồng lúa, làm muối, đánh bắt hải sản
Đặc biệt hơn, việc xây dựng hoành tráng như thế nhưng lại được cán bộ nơi đây cho rằng làm như thế mới có “tầm nhìn”. Việc này cũng có thể trở thành tiền lệ xấu khi các huyện trên cả nước “chạy đua” xây dựng những công trình đồ sộ, tốn kém vì để được đánh giá có...tầm nhìn. Nhưng nguy hiểm hơn là ở chỗ việc làm này còn tạo ra sự so sánh giữa các huyện, các tỉnh với nhau, khi huyện bạn xây được công trình như thế thì huyện mình chắc chắn cũng được phép xây dựng những công trình đồ sộ, hoành tráng xứng tầm!
Ngư dân phơi tép biển trên đại lộ trăm tỷ (chụp ngày 20/11)
Nếu như con đường 10 làn đó được xây dựng ở thành phố Hà Tĩnh hay Thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh thì chắc chắn người dân cả nước luôn ủng hộ bởi những nơi này là những đô thị lớn, tốc độ phát triển nhanh.
Xong với nhiều nơi, khi mà cảnh người dân đi đò ngang qua sông vẫn hiện hữu nhiều chục năm thì việc xây dựng con đường 10 làn ở huyện Lộc Hà chắc chắn khiến người dân chạnh lòng (!?).
Trần Lộc (Báo Giao thông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.